Sống ở nơi số nhà dài hơn số chứng minh thư

Chủ Nhật, 02/04/2017 01:03

|

(CAO) Ở TP HCM, có một số khu vực mà ở đó, người dân khi đi ra ngoài luôn phải mang theo một mẫu giấy ghi tên số nhà của mình. Sở dĩ có chuyện này là vì số nhà ở đây quá dài, quá nhiều xuyệt dẫn đến việc chủ nhân của ngôi nhà đó cũng không nhớ được số nhà của chính mình.

Tìm đến hẻm 1806/127 đường Huỳnh Tấn Phát, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè (TP HCM) - nơi được người dân gọi vui là khu vực có số nhà dài “nhất quả đất”. Trò chuyện với PV, những người dân ở con hẻm nhỏ thuộc con hẻm cho biết, sở dĩ số nhà ở đây có quá nhiều dấu xuyệt (/) là vì ngày trước sau khi khu đất này được xây dựng nhà ở từ đất vườn. Hễ cứ một hẻm được mở ra là lại thêm một xuyệt. Từ đó, số nhà cứ dần dần dài ra và đạt "kỉ lục" như bây  giờ.

Những số nhà "siêu xuyệt" ở hẻm 1806/127 Huỳnh Tấn Phát, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè. Ảnh: Nguyên Huy

Chia sẻ với PV, anh Đặng Trường Giang (ngụ KP 6, thị trấn nhà bè, huyện nhà bè) kể, khi mới chuyển nhà về đây, anh đã không thể nhớ nỗi số nhà của mình. “Phải mất vài ngày mình mới quen với ngõ ngách vào vào nhà. Mỗi khi đi làm giấy tờ hay có công việc, để tiện hơn, mình ghi sẵn mấu giấy có số nhà mình rồi bỏ vào ví cho dễ nhớ chứ không tài nào nhớ được số nhà của mình”.

Còn theo bà Tô Thị Thảo (Người dân ở khu vực) thì chuyện số nhà dài lằng ngoằng đã khiến người dân ở khu phố này nhiều phen khóc dở, miếu dở vì chuyện này vì muôn nẻo chuyện bất tiện. “Người thân ở xa đến nhà chơi, hay mình đi mua đồ trên mạng hay mua đồ siêu thị cần giao hàng tận nhà. Khi nhân viên giao hàng tìm đến hẻm nhưng lại không tài nào tìm ra địa chỉ nhà của mình. Mỗi lần như vậy, mình phải mô tả đường vào nhà. Nhưng loay hoay mãi họ cũng không tìm ra. Mình đành đi ra trước đường lớn để dẫn họ vào”.

Người dân ở trong hẻm này vẫn gọi vui đây là khu vực có số nhà dài "nhất quả đất" - Ảnh: Nguyên Huy.

Cũng chia sẻ câu chuyện này, một người dân khác cho biết thêm, số nhà quá nhiều xuyệt, quá dài khiến trong những trường hợp cấp bách như người trong khu vực này ốm đau cần cấp cứu thì cả những nhân viên y tế cũng chào thua khi tìm địa chỉ. Phương án duy nhất được xem là khả thi đối với người dân ở đây là đưa người bệnh ra ngoài đường . “Đã có một số người rao bán nhà và định dọn đi vì thấy bất tiện” – Người này cho biết.

Tại hẻm 36 đường Bùi Tư Toàn, phường An Lạc, quận Bình Tân, những người dân ở đây cũng chịu cảnh tương tự. Chị Ngô Thị Hoan (Kinh doanh tạp hóa ở khu vực) cho biết, mỗi ngày vẫn có nhiều người đến tiệm của chị để hỏi đường, hỏi số nhà. Chị Hoan cho biết: “Mình hướng dẫn xong, họ chạy loay hoay một lúc lại về chỗ mình. Lúc đó, mình chỉ khuyên họ gọi người nhà ra đưa vào vì số nhà ở khu vực này rất khó tìm”.

Một căn nhà "siêu số" trên đường Bùi Tư Toàn - Ảnh: Nguyên Huy.

Trong khi đó, liên quan đến vấn đề này, sáng 29-3 Sở Xây dựng TP HCM đã tổ chức Hội nghị công tác đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn thành phố. Tại hội nghị, ông Đỗ Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP cho biết, tình trạng cấp số nhà ở thành phố còn khá lộn xộn và đang gây khó khăn cho người dân.

Theo ông Đỗ Phi Hùng, tình trạng số nhà lộn xộn diễn ra phức tạp ở quận Gò vấp, quận 12, Bình Tân và huyện nhà Bè. Ở những khu vực này, có căn nhà địa chỉ lằng ngoằng 7-8 xuyệt. Nói về câu chuyện số nhà ở huyện nhà bè, ông Hùng gợi ý UBND huyện Nhà Bè hai hướng giải pháp tháo gỡ. Thứ nhất, có thể kéo dài hẻm để bớt việc tính xuyệt. Thứ 2, thay xuyệt bằng đánh số chữ A,B,C theo từng hẻm con. Chẳng hạn, lâu nay địa chỉ nhà là 31/4/15 thì nay đổi là 31A/15...

Những số nhà  "siêu số" đang khiến sinh hoạt của những người dân ở khu vực này đảo lộn - Ảnh: Nguyên Huy.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tin học – Bản đồ Việt Nam cho biết, đang xây dựng một hệ thống phần mềm quản lý nhà cho TP.HCM. Khi sử dụng ứng dụng người dân chỉ cần nhập địa chỉ nhà sẽ xem được thông tin chính xác về căn nhà, quá trình lịch sử hình thành.

Theo ông Nam, việc gắn số nhà lâu nay chúng ta đánh số nhà theo kiểu truyền thống, tức là bên tay phải là số chẵn, bên tay trái là số lẻ. Nhưng nên thay đổi bằng cách lấy tọa độ gốc tuyến đường và đo theo độ dài được tính bằng mét và số nhà được đánh theo số mét so với vị trí tọa độ gốc. Như vậy không xảy ra tình trạng số nhà nhảy cóc hoặc chừa số nhà.

Ông Đỗ Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP cho biết đây là một đề xuất hay, tiện dụng, dễ quản lý. Tuy nhiên, để áp dụng vào thực tế phải lấy ý kiến từ các đơn vị, người dân và hoàn chỉnh lại rất nhiều.

Bình luận (0)

Lên đầu trang