Thầm lặng nối nhịp cầu đoàn viên

Thứ Sáu, 31/03/2017 13:11  | Mai Hà

|

(CAO) Kể từ khi thành lập đến nay, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) lực lượng hồ sơ nghiệp vụ an ninh (HSNVAN) vẫn đi sớm về khuya, âm thầm góp tâm sức vào quá trình điều tra, phá án của cơ quan chức năng, đồng thời là nhịp cầu nối thế hệ sau với thế hệ trước thông qua những tập hồ sơ, tài liệu.

Hết giờ làm việc đã lâu, nhưng Cục HSNVAN vẫn sáng đèn. Ở đó, CBCS của Cục ngồi hàng giờ tỉ mẩn nghiên cứu, biên tập thông tin về lai lịch, hoạt động của các cá nhân, tổ chức thể hiện trong hồ sơ thu được. Trước những thông tin dồn dập gửi về, việc xử lý đòi hỏi phải chính xác, kịp thời, có hiệu quả phục vụ công tác trinh sát thu thập thông tin về đối tượng, tính toán các yêu cầu nghiệp vụ đấu tranh.

Ngoài công tác chuyên môn, Cục HSNVAN còn phụ trách một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là biên dịch, biên tập, trả lời, xác nhận cho gia đình có thân nhân tham gia hoạt động cách mạng để thực hiện chính sách người có công; biên tập, cung cấp thông tin đến Ban quản lý di tích Bảo tàng nhà tù Côn Đảo, Đài truyền hình Việt Nam (chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly).

Bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chia sẻ: “47 năm kể từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tiếp nhận, sưu tầm hàng vạn tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, khối tài liệu do Cục HSNVAN (Bộ Công an) trao tặng gồm hơn 50 đầu tài liệu nói về quá trình hoạt động Cách mạng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, 3 bộ hồ sơ mà Tòa Khâm sứ Trung Kỳ lập để theo dõi hoạt động của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh… có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Những người lính hồ sơ góp phần thầm lặng làm nên những cuộc đoàn viên trong chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”

Trên cơ sở tiếp thu, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, bổ sung những tài liệu trên vào các gian triển lãm chuyên đề, qua đó giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về các thành viên trong gia đình Bác, cũng như những năm tháng Người ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc”.

Khi cha qua đời, ông Trần Tiến Anh (ngụ phố Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội) mới 16 tháng tuổi. Những câu chuyện ông biết về bậc sinh thành đều do người thân và bạn bè của cha kể lại. Theo thời gian, mong mỏi tìm được thông tin về cuộc đời hoạt động cách mạng của cha lớn dần lên trong tâm trí ông Tiến Anh.

Những người bạn chiến đấu, gần gũi với cha ông đã cung cấp cho gia đình nhiều hồ sơ bằng bản viết tay, chuyện kể. Sau đó, một số nhà xuất bản cũng in các bài viết về cha ông là ông Trần Tố Chấn (tên gọi khác Trần Văn Chân, Ngô Văn Anh, Lý Minh, SN 1902, nguyên quán làng Phú Nhuận, tổng Đặng Sơn, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An; họ tên cha Trần Tố Khoang, họ tên mẹ Hoàng Thị Bá).

Tuy nhiên, những tài liệu này vẫn chưa đầy đủ. Trong hành trình rong ruổi đi tìm chân dung cha, ông Tiến Anh phân vân tự hỏi liệu nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương trước năm 1945 có lập hồ sơ hay không? Cuối cùng, sự tình cờ đã đưa ông đến gặp Thiếu tướng Trương Công Long, Cục trưởng Cục HSNVAN. Tình cảm của người con hiếu thảo đối với cha đã thôi thúc CBCS Cục HSNVAN tỉ mỉ nghiên cứu từng trang tài liệu.

Thượng úy Đào Thị Thu Trang, cán bộ duy nhất có thể đọc được hồ sơ bằng tiếng Pháp cổ đến thời điểm này cho biết, trong quá trình hoạt động cách mạng, hầu hết cán bộ đều sử dụng tên và địa chỉ giả nên để tìm được một dữ liệu thì phải tra cứu trên nhiều tàng thư. Hồ sơ gia đình ông Trần Tiến Anh nằm trong tàng thư đặc biệt quan trọng, do đó trước một tập hồ sơ dày cộm, chị vừa đọc, vừa phải chắt lọc thông tin lâu hơn so với các tài liệu khác.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nằm nép mình bên sông Hồng, ông Trần Tiến Anh bộc bạh: “Ngày nhận được hồ sơ về cha, tôi xúc động quá không nói được gì. Tôi thầm biết ơn lãnh đạo, cán bộ Cục HSNVAN đã tận tình bảo vệ, khai thác và giữ gìn những tài liệu cực kỳ quý giá đó. Tôi cho đây là công việc khó khăn, tỉ mỉ, không kém phần gian khổ mà cao quý và rất đáng tự hào”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang