(CAO) Đó là đề nghị của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội về việc "thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016” tại phiên họp toàn thể lần thứ 3 sáng 30-3. Cuộc họp nhằm góp ý kiến vào dự thảo báo cáo kết quả giám sát trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới đây.
Dự thảo báo cáo kết quả giám sát cho thấy, giai đoạn 2011-2016, việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm vẫn bộc lộ không ít tồn tại, yếu kém. Tình trạng vi phạm về quy định an toàn thực phẩm khá phổ biến. An toàn thực phẩm có lúc, có nơi đã đến giới hạn báo động - giới hạn đỏ.
5 năm qua, các cơ quan chức năng trên cả nước đã tiến hành kiểm tra hơn 3,35 triệu cơ sở, nhưng chỉ phát hiện 20% cơ sở có vi phạm. Điều đáng nói là các cơ sở bị phát hiện có vi phạm chỉ bị phạt trung bình khoảng 200 ngàn đồng/vụ. Đặc biệt, chỉ có duy nhất 1 vụ việc vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm bị khởi tố hình sự. Trong khi đó, tình trạng ngộ độc thực phẩm lại diễn ra khá nghiêm trọng tại một số địa phương. Từ năm 2011 đến tháng 10-2016, toàn quốc đã ghi nhận hơn 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 30 ngàn nạn nhân, trong đó 164 người đã tử vong.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị tại phiên họp Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại, Đoàn giám sát đề xuất các giải pháp về thể chế chính sách, tổ chức thực hiện và nhóm giải pháp về nguồn lực. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật an toàn thực phẩm và một số văn bản pháp luật có liên quan.
Trong đó, kiến nghị Chính phủ tăng mức xử lý vi phạm hành chính, các biện pháp chế tài pháp luật an toàn thực phẩm, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương đối với việc quản lý an toàn thực phẩm. Ở Trung ương nên thành lập Ủy ban an toàn thực phẩm, còn ở cấp tỉnh cũng cần có cơ quan cấp sở quản lý an toàn thực phẩm trên cơ sở tích hợp đơn vị cùng chức năng.
Tuy nhiên, qua thảo luận, các thành viên đoàn giám sát cho rằng: Báo cáo còn dàn trải, các kiến nghị, giải pháp đưa ra còn rất chung chung. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến: "Đề nghị xử lý ngay trách nhiệm của người lãnh đạo đã để xảy ra vụ việc lớn và báo cáo Quốc hội về việc xử lý như thế nào.
Ví dụ như Quảng Ninh để chết 6 người, Hà Nội hơn 20 người như thế thì phải báo cáo Quốc hôị kết quả xử lý như thế nào để kiểm điểm trách nhiệm. Tôi đề nghị phải kiểm điểm trách nhiệm với những đồng chí ở nơi để xảy ra như thế. Báo cáo giám sát phải ghi rõ như thế mới có sức nặng chứ kiến nghị chỉ nói như thế thôi thì không được".