(CAO) Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra vào ngày 3-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu 10 điểm nổi bật và những tồn tại, bất cập trong 3 tháng đầu năm, trong đó nêu rõ yêu cầu khắc phục tình trạng GDP tăng trưởng thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
Theo Thủ tướng, 10 điểm sáng của kinh tế - xã hội là kinh tế vĩ mô ổn định, CPI 3 tháng tăng 0,9%; tăng trưởng tín dụng cao; xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt trên 43,7 tỷ USD, tăng 12,8%. Các khu vực nông nghiệp và dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Khách quốc tế tiếp tục tăng nhanh, đạt trên 3,2 triệu lượt, tăng 29%. Vốn FDI tăng mạnh, đăng ký đạt 7,71 tỷ USD tăng 77,6%, thực hiện đạt 3,62 tỷ USD tăng 3,4%. Thu ngân sách tăng mạnh, đạt 23,4% dự toán, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng nhanh (có trên 26.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,4% về doanh nghiệp và 45,8% về vốn đăng ký), đặc biệt tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 600.000 tỷ đồng.
Thủ tướng cũng cho biết, sáng nay, ông đã nhận được thông tin rất vui là chỉ số sản xuất Nikkei hay chỉ số quản trị mua hàng của nước ta đạt 54,6, cao hơn so với bình quân của ASEAN là 50,9. Một điểm nổi bật nữa là môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Theo công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI, có 51 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành từ khá trở lên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp
“Tuy vậy, tại phiên họp này, chúng tôi cũng nêu một điều hết sức lo lắng là tăng trưởng GDP quý I chỉ mới đạt 5,1%, là thấp”, Thủ tướng nói. Cho rằng một nguyên nhân chính là do khai thác dầu, công nghiệp chế tạo, do nhiều hoàn cảnh khác nhau, chưa đạt kế hoạch đề ra. Thủ tướng yêu cầu tìm ra biện pháp cụ thể trong từng ngành hàng, từng lĩnh vực để “chúng ta có đối sách, phản ứng chính sách tốt hơn”.
Đề cập tình hình thế giới, Thủ tướng cho rằng còn tiềm ẩn khó định, ảnh hưởng lớn đến nước ta như chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ từ khi ông Donald Trump làm tổng thống, có thể tác động đến xuất khẩu của nước ta. Dòng vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp cũng như có thể bị tác động. Sức ép tăng lạm phát, tỷ giá gia tăng.
Thủ tướng cho rằng phải là quyết tâm chính trị, cần có giải pháp căn cơ, cụ thể hơn. “Đặc biệt là làm sao đẩy mạnh đầu tư xã hội”. Thủ tướng đặt vấn đề “có thể tăng vốn đầu tư xã hội thêm 3% lên 35% GDP có được không. Làm sao để nước ngoài không thôn tính các ngành quan trọng của Việt Nam”.
Chiều 3-4, tại cuộc họp báo thường kỳ do Văn phòng Chính phủ tổ chức, trả lời câu hỏi của phóng viên về chiến dịch “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” còn một số hình ảnh phản cảm như phá bậc tam cấp gây khó khăn cho sinh hoạt người dân, chặt phá cây xanh…Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Việc quản lý hè đường là trách nhiệm các cấp, chủ trương này đã làm nhiều năm nay nhưng giải phóng xong lại tái lấn chiếm. Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công an có công điện gửi Công an các địa phương thực hiện đồng bộ, chứ không chỉ các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh mà lan ra rất nhiều tỉnh. Hiện đã đạt được kết qủa bước đầu rất tốt. Song song với việc thực hiện kỷ cương, các địa phương đã quan tâm đến đời sống người dân. Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời câu hỏi của báo chí Người phát ngôn Chính phủ cũng khẳng định: “Chúng ta cương quyết giải phóng lòng lề đường, đồng thời chống tái lấn chiếm, còn việc hỗ trợ đời sống người dân thì tùy theo từng địa phương có biện pháp cụ thể. Việc duy trì kỳ cương, lập lại trật tự hè phố vẫn là đảm bảo cuộc sống người dân, tôi khẳng định không ảnh hưởng gì đến mỹ quan đường phố, nên việc phá bậc tam cấp của cá nhân hộ gia đình hay cơ quan nhà nước đều để đảm bảo mỹ quan đường phố”. |