Bác sĩ nói: Việc cố tình 'anti vaccine' là có tội với cả một thế hệ của đất nước

Thứ Sáu, 07/07/2017 08:12  | Ngô Đồng

|

(CAO) Những chuyên gia hàng đầu về vắc xin (vaccine) đã lên tiếng về trào lưu anti vaccine (chống tiêm vắc xin) đang có xu hướng lan rộng gần đây trên mạng internet. Các chuyên gia cho rằng cần phải chặn đứng việc này vì việc cố tình anti vaccine là có tội với cả một thế hệ của đất nước.

Khoảng một tháng nay, khi dịch viêm não Nhật Bản tăng cao, bên cạnh những lo lắng của các bậc phụ huynh về tình trạng quá tải giường bệnh, trẻ phải sống đời sống đời sống thực vật, động kinh, thậm chí tử vong mà đa phần do sự thiếu hiểu biết, không tiêm ngừa cho trẻ thì lại xuất hiện những luồng thông tin cho rằng chính việc tiêm vaccine mới khiến không ít trẻ gặp biến chứng.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1 khẳng định: “Anti vaccine là có tội với sức khoẻ dân tộc”.

BS Khanh cho biết, tỉ lệ trẻ không chích ngừa và không biết để chích ngừa hiện đang nằm điều trị tại khoa nhiễm chiếm đến 80% số trẻ. Đã có những em bé phải chịu di chứng nặng nề về thần kinh, sống đời sống thực vật vì cha mẹ cố tình hoặc không biết nên không tiêm vaccine cho con.

Vaccine là thành quả của khoa học

BS Trương Hữu Khanh là một trong những bác sĩ đầu tiên kêu gọi cộng đồng chống lại trao lưu anti vaccine trên mạng.

BS Khanh cho biết, việc anti vaccine xuất hiện từ lâu, ở cả trong và ngoài nước, thường là từ những người khá nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn. Sở dĩ gần đây tiếp tục rộ lên là do cộng đồng mạng lôi kéo những người đang còn lăn tăn về câu chuyện tai biến và tác dụng phụ của chủng ngừa. Dần dần gây ảnh hưởng đến người chưa bình tĩnh.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1 khẳng định: “Anti vaccine là có tội với sức khoẻ dân tộc”

Theo BS Khanh, nhiều người lăn tăn về câu chuyện tai biến và tác dụng phụ của chủng ngừa, lâu dần xuất hiện tình trạng chống tiêm vaccine kiểu nhóm, hùa theo số đông. Tuy nhiên bác sĩ làm chuyên môn, điều này là “có tội với một thế hệ, có tội với cả một thế hệ của đất nước”.

“Nhiều gia đình có con cái bị khiếm khuyết gì đó, thông thường mang tính bẩm sinh, tuy nhiên do khi còn bé, cái mà cha mẹ trẻ tiếp xúc nhiều nhất là vaccine nên người ta nghĩ đó là do tiêm ngừa”, BS Khanh nói.

Ngoài ra, thực trạng có những loại vaccine được phổ biến vì nhóm lợi ích, được tuyên truyền tiêm quá đáng cũng gây hậu quả không mong muốn. Tuy nhiên theo BS Khanh, nếu vịn vào cớ có nhóm lợi ích trong sản xuất vaccine để anti là hoàn toàn sai.

“Anti vaccine là tình trạng đáng báo động, vì nó làm những người đang dao động bỏ vaccine, bỏ chích, khiến bệnh quay trở lại. Cả cộng đồng bỏ chích sẽ gây hậu quả rất lớn. Bệnh quay lại không phải trả giá bình thường mà bằng sinh mạng của hàng loạt trẻ em”, BS Khanh cảnh báo.

BS Khanh dẫn chứng, điển hình như bài học dịch bệnh sởi năm 2014 khiến hàng chục trẻ tử vong. Đó là hậu quả của trào lưu bài trừ vaccine sởi của chương trình tiêm chủng mở rộng trước đó. Nguyên nhân chỉ vì vài ca tai biến mà hàng loạt phụ huynh không tiêm vaccine cho con. Đến khi mùa dịch xảy ra, hậu quả thấy rõ, người ta mới vội vã đưa con đi tiêm ngừa. Những năm sau đó, khi tỷ lệ tiêm ngừa bao phủ, dịch bệnh được khống chế.

Người chống vaccine thường tìm rất nhiều bài báo, chỉ cần bài nào có sự nghi ngờ với vaccine họ sẽ đưa lên mạng nhằm tạo ra hiệu ứng riêng cho họ. Thời gian trước, có một trang báo lớn đăng tải thông tin động trời, rằng vaccine ngừa sởi rubela gây ra tự kỷ. Sự việc khiến dư luận rúng động và ảnh hưởng rất lớn đến công tác tiêm chủng mở rộng dịch bệnh này. Cuối cùng, bài báo phải rút lại để sửa số liệu vì thông tin không chính xác.

Trên trang facebook cá nhân, vị bác sĩ này cũng đã trăn trở: "Gần một đời nghề làm nhiễm nhi, cũng như người mới vào nghề chút chút, đã ngấm đòn chăm sóc bệnh nhiễm trong bất lực, cũng lắc đầu, cũng bực mình vì chuyện không tiêm vaccine, cũng cảm thông vì thiếu hiểu biết và thiếu thông tin của người dân...".

Hãy đi chích ngừa cho con bạn

Lý giải về tầm quan trọng của việc tiêm chủng, BS Khanh dẫn chứng, nhiều nước tiên tiến như Mỹ đưa chích ngừa vào yêu cầu bắt buộc, là điều kiện để trẻ được nhận vào trường học. Hầu như tất cả các nước đều có lịch tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ. Sở dĩ có chuyện này là bởi nhà nước nhận ra rằng, nếu đại dịch xảy ra thì kinh phí khắc phụ hậu quả phải bỏ ra còn lớn hơn rất nhiều lần. Và theo BS, để một loại vaccine đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng phải tốn cả ngàn tỷ đồng.

BS Khanh đã phải "gào thét" trên trang cá nhân rằng: "Vaccine là thành quả của khoa học. Không thể tự nhiên Bill Gates, cũng như nhiều người giàu có, không xài sang lại bỏ tiền ra mua vaccine tiêm cho con nít toàn cầu. Bill Gates chắc cũng biết vụ antivaccin".

"Không có vaccine thì trẻ em chết nhiều và tàn tật cả đời nhiều, đậu mùa rổ mặt cả đời tuổi trẻ bây giờ không thấy nên không sợ, sốt bại liệt teo hẳn 1 chân cả đời, may mà Việt Nam đã thanh toán từ lâu, gần 20 năm rồi nên nhóm trẻ tuổi đâu có biết...", BS Khanh trăn trở.

BS Khanh nói: "Không có vaccine thì trẻ em chết nhiều và tàn tật cả đời nhiều"

Nói về những phản ứng không mong muốn khi tiêm vaccine, BS Khanh khẳng định, chuyện này mang tính cá thể và cơ địa. Do đó, nhà sản xuất chỉ giảm đến mức thấp nhất tình trạng này chứ không bỏ vaccine.

“Tất cả vaccine dùng trên 10 năm đều đã đươc theo dõi rất kỹ. Áp lực của hội đồng y đức của người làm ra vaccine nặng nề hơn xã hội rất nhiều nên tính ổn định, tính tạo miễn dịch và an toàn cho phép đã được kiểm định. Ai cũng chỉ muốn cái tốt hơn, ít tác dụng phụ hơn”, BS Khanh phân trần.

Về việc một số phụ huynh nói rằng, con họ không tiêm vaccine nhưng vẫn khỏe mạnh, BS Khanh khẳng định, đó là do may mắn do cộng đồng xung quanh họ khỏe mạnh. Tuy nhiên, sự may mắn sẽ hết nếu em bé đó đi qua một vùng có độ phủ vaccine thấp, khả năng mắc bệnh rất cao. Vaccine mang tính cộng đồng, dân tộc là vì vậy.

"Đơn cử như dịch viêm gan B, chúng ta đã phải duy trì tiêm chủng suốt 20 năm mới có thể đạt độ bao phủ tiêm ngừa trong cộng đồng”, BS Khanh dẫn chứng.

Đã có những em bé phải chịu di chứng nặng nề về thần kinh, sống đời sống thực vật vì cha mẹ cố tình hoặc không biết nên không tiêm vaccine cho con

BS Khanh khuyên các phụ huynh hãy là người tiêu dùng thông minh. Cụ thể, phải tìm hiểu kỹ thông tin để tự mình tự chọn thời điểm ưu tiên của vaccine để chích ngừa cho con, bởi không phải vaccine nào cũng cần tiêm ngay lập tức.

“Vaccine có ưu tiên thứ tự, theo lứa tuổi, theo lịch tiêm chủng, lúc nào cần mới đi tiêm. Việc tiêm tràn lan sẽ gây ra lãng phí, có vaccine cần chích vào lúc nhỏ, có loại lớn mới chích...”, BS Khanh phân tích.

BS Khanh kêu gọi các cha mẹ hãy đặt chuyện tiêm vaccine ngừa bệnh cho con lên hàng đầu. Ảnh: NĐ

“Nếu có thể, người làm truyền thông nên phụ cho nhau để giải quyết vấn đề anti vaccine. Về phía người dân, hãy chịu khó tìm tòi kỹ chứ đừng tự quyết định khi chỉ đọc một luồng thông tin hay một bài báo nào đó. Còn nếu cố tình anti vaccine là có tội với một thế hệ của dân tộc”, BS Khanh nói.

Cuối cùng, BS Khanh kêu gọi các cha mẹ hãy đặt chuyện tiêm vaccine ngừa bệnh cho con lên hàng đầu. "Thay vì đi mua điện thoại thông minh theo trào lưu, hãy đi chích ngừa cho con bạn trước”, BS Khanh khuyến cáo.

Bình luận (0)

Lên đầu trang