(CATP) Việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn được quy định thực hiện đồng bộ trên cả nước bắt đầu từ ngày 01/01/2025 theo Luật Bảo vệ môi trường 2020. Theo đó, người dân phải phân thành 3 nhóm: rác tái sử dụng, tái chế; rác thực phẩm; rác sinh hoạt khác.Việc không thực hiện quy định sẽ bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Song, đã trải qua gần 2 tháng nhưng việc phân rác tại nguồn vẫn chưa được triển khai.
Thống kê của cơ quan chuyên trách cho thấy, mỗi ngày trên cả nước thải ra môi trường gần 70.000 tấn rác thải, trong đó rác thải sinh hoạt chiếm khoảng 70%. Phần lớn lượng rác thải này đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp dẫn đến nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường sống và sức khỏe con người.
Để bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định nguyên tắc bắt buộc phân tại nguồn chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại (chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác), chậm nhất đến ngày 31/12/2024 phải thực hiện. Nghị định 45/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường cũng nêu rõ: "xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định".
Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại các tỉnh, thành trên cả nước vẫn còn đang loay hoay đi tìm phương án thích hợp trong việc triển việc phân loại chất thải rắn tại nguồn. Thậm chí, nhiều hộ dân và kể cả những người thu gom rác vẫn chưa nắm rõ quy định này. Nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này còn có chỗ chưa hợp lý, chưa đúng thời điểm trong bối cảnh chính sách, giải pháp chưa đồng bộ và lo ngại tình trạng sẽ "đánh trống bỏ dùi".

Dù đã có quy định xử phạt, nhưng việc phân rác tại nguồn hiện nay vẫn chưa thể thực hiện
Nguyên nhân dẫn đến việc khó triển khai, theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, dù người dân và doanh nghiệp đồng thuận thực hiện việc phân loại rác thải đúng theo tiêu chí, nhưng quá trình phân loại tại nguồn và việc xử lý vẫn gặp nhiều trở ngại. Cụ thể, việc triển khai vấn đề này hiện mới chỉ được các địa phương tổ chức thí điểm, mang tính chất tuyên truyền. Trong khi hệ thống xử lý rác thải lại chưa đồng bộ từ quá trình người dân phân loại cho đến việc thu gom, xử lý và thậm chí cả hệ thống tái chế. Thực tế, các thiết bị, hạ tầng cơ sở hiện tại chưa đủ đáp ứng như việc chưa có tuyến riêng hay chưa thể bố trí các điểm tập kết, phân loại được quy hoạch bài bản, bảo đảm công năng, phù hợp với từng loại rác.
Các chuyên gia về môi trường cũng đánh giá, hiện hạ tầng thu gom và xử lý rác thải tại các khu tập trung đông dân cư chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số. Cơ sở vật chất như thùng rác công cộng phân loại còn hạn chế và không được đồng bộ là nguyên nhân chính khiến công tác phân loại tại nguồn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Hầu hết các địa phương chưa có đủ tiềm lực để thực hiện đồng bộ giải pháp phân loại rác thải. Bên cạnh đó, các địa phương còn phải lựa chọn công nghệ xử lý rác thải phù hợp, đúng với quy chuẩn.
Ông Nguyễn Đức Trọng (giảng viên trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM) cho hay, về phân loại đa phần người dân chưa thực hiện, vẫn để chung các loại rác thải với nhau. Về thu gom, chủ yếu sử dụng các phương tiện thô sơ, không được che đậy, gây ra tình trạng rỉ rác, bốc mùi hôi thối. Vận chuyển rác thải cũng khá xa (do nơi xử lý không thể nằm gần khu dân cư), phương thức xử lý rác thải chủ yếu là chôn lấp. Điều này vừa gây ô nhiễm vừa lãng phí nguồn tài nguyên chất thải.
"Chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chưa được phân loại, các chất thải vẫn đang trộn lẫn với nhau. Trong đó hơn 60% là chất thải hữu cơ, hơn 20% là chất thải vô cơ tái chế được, còn lại là chất thải không thể xử lý. Chúng ta hiện nay vẫn xử lý chất thải bằng cách trộn lẫn với nhau. Nếu thu gom không đúng cách thì gây mất vệ sinh môi trường, bộ mặt mỹ quan bị ảnh hưởng" - ông Trọng nhận xét.
Theo các chuyên gia, Nghị định 45/2022 của Chính phủ áp dụng mức xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt là đủ sức răn đe, nhưng chưa thể áp dụng trong điều kiện hiện nay, khi người dân chưa được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện phân loại chất thải. Như vậy, dù nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đã có hiệu lực, thế nhưng vẫn chưa thể đi vào cuộc sống.