Mỗi nơi một kiểu
Cứ vào buổi tối, anh Trần Vĩnh Long (ngụ khu Bùi Viện, Q1) lại khệ nệ khiêng rác từ trong nhà ra đổ tại một thùng rác công cộng. Không có khái niệm phân loại, túi rác của anh chứa đủ từ thức ăn thừa, túi nylon bẩn, đến vỏ chai, hộp các loại... Anh nói: "Tui có nghe đến việc PLRTN, nhưng chưa thấy ai làm cả! Tui thấy có nhà phân riêng nhiều bịch, đến khi mang ra đây cũng đổ chung vào thùng rác công cộng như tui".
Cách đó một đoạn, dọc đường Lê Lai (đoạn Công viên 23/9) và Phạm Ngũ Lão, cứ khoảng 13 giờ mỗi ngày, khi các xe thu gom rác tập kết về "ăn hàng" là người dân quanh khu vực tranh thủ ra đổ rác. Không hề có sự phân loại nào từ phía người đổ và người thu gom; rác được chất đống lên xe, nằm la liệt dưới lòng đường, không che đậy, rỉ nước hôi thối. Một chị ra đổ rác kể, nhà đông người nên nhiều rác, nhất là thức ăn thừa và những thứ bỏ đi. "Trước đây tôi hay nhặt những loại nhôm nhựa bỏ riêng để cho mấy chị ve chai. Nhưng giờ thấy mất công nên gom chung ra đây đổ luôn cho nhanh" - chị nói.
Một điểm tập kết rác ở thành phố
Làm việc tại một công ty nước ngoài, chị Quyên (ở chung cư Ngô Tất Tố, Q.Bình Thạnh) thường được nghe kể về việc thu gom rác ở các nước phương Tây. Ở đó rác sinh hoạt được người dân phân loại rất kỹ, như đồ hộp (cho vào túi vàng), giấy (túi trắng), rác hữu cơ (túi xanh)... Ngoài ra còn có khu để bỏ riêng các loại chai lọ phân rõ theo màu trắng, nâu và xanh. Nói chung là rất hợp vệ sinh và bảo vệ môi trường. Thấy quá hay và không khó thực hiện cũng như tốn kém chi phí, chị Quyên học theo, sắm nhiều loại bao rác, cái thì chuyên chứa các loại rác thực phẩm, cái đựng vỏ chai, cái bỏ lon bia, hộp nhựa, thùng giấy... Chỉ có điều, mỗi khi mang xuống điểm tập kết, những túi rác mà chị đã phân ra cũng lại bỏ chung vào một chỗ! Chị tâm sự: "Cả chung cư này, bịch rác của nhà nào cũng "hằm bà lằng" đủ mọi thứ và họ đều mang đổ hết vào nhà rác. Không biết sau khi thu gom, công ty môi trường có phân loại để xử lý không, nếu có thì quả thực rất khó khăn".
Dạo quanh nhiều quận, huyện khác trên địa bàn thành phố (TP) - nơi đang có chương trình PLRTN, dễ nhận thấy đây là thực trạng chung. Việc đổ và gom rác phần nhiều vẫn thực hiện theo kiểu "tất cả trong một", rất bất cập và để lại thực trạng ô nhiễm nặng nề. Có thể nói, nhiều nơi chương trình đi qua, nhưng khái niệm PLRTN còn xa lạ với người dân nên phần lớn vẫn "phân loại" theo thói quen: chọn ra những gì mang bán phế liệu (vỏ chai, sách báo, sắt thép...), còn thì đều cho chung vào túi và mang ra điểm đổ rác!
Được tiến hành triển khai từ năm 1999, đến nay đã trải qua gần 25 năm, nhưng theo đánh giá của các cơ quan chức năng, chương trình PLRTN trên địa bàn TP đã không mang lại hiệu quả như mong muốn. Trong giai đoạn đầu, chương trình PLRTN tập trung chủ yếu vào khâu phân loại tại hộ gia đình, với quy mô nhỏ lẻ để đánh giá khả năng tham gia của người dân. Sau đó tiến hành mở rộng thí điểm tại các quận: 1, 3, 5, 6, 12, Bình Thạnh với quy mô khác nhau. Năm 2017, UBND TPHCM ban hành kế hoạch tiếp tục mở rộng chương trình và chỉ đạo đến năm 2020 tất cả các quận huyện trên địa bàn đều phải thực hiện PLRTN trước khi được thu gom mang đi xử lý.
Phương tiện vận chuyển từ nguồn rác đến nơi tập kết chưa bảo đảm tiêu chuẩn
Giai đoạn năm 2017 đến nay, TP mở rộng chương tình PLRTN trên toàn địa bàn, trong đó thực hiện PLRTN thành 2 nhóm: chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và chất thải còn lại. TP hiện đang chuẩn bị thay đổi cách thức PLRTN trên địa bàn thành 3 nhóm gồm: chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Để bảo đảm PLRTN thành 3 nhóm theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) yêu cầu các địa phương làm việc với các đơn vị thu gom tại nguồn, đặc biệt là lực lượng thu gom rác dân lập và các đơn vị vận chuyển rác trúng thầu tại địa phương để rà soát lại các phương tiện vận chuyển, trạm trung chuyển... bảo đảm nguyên tắc rác sau khi phân loại phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển riêng biệt đến các cơ sở xử lý.
Bao giờ hiệu quả?
Điểm chung mà nhiều người đảm trách chương trình thí điểm trước đây cũng như hiện tại đưa ra, đó là hầu hết các nơi triển khai, khi mới phát động, số gia đình hưởng ứng cao, đều trang bị thùng rác (một chứa rác hữu cơ, thùng khác dùng cho các loại rác khó phân hủy như bao ni-lông, sành sứ, vỏ hộp kim loại...) hoặc các loại túi đựng có màu khác nhau để tự phân loại tại nhà. Thế nhưng sau một thời gian thì mọi việc lại trở về như cũ.
Lý giải về thực tế này, một lãnh đạo Công ty Dịch vụ công ích Q4 cho biết, trải qua nhiều năm, chương trình PLRTN vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn và chưa thể triển khai rộng như mong muốn. Đến nay, việc quản lý, thống kê và trao đổi vẫn phải thực hiện bằng văn bản. Điều này gây bất lợi và khó khăn cho công tác thống kê số liệu để làm cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình PLRTN nói riêng, hệ thống quản lý chất thải rắn nói chung. Đặc điểm dân cư của TP bao gồm nhiều thành phần người dân từ các nơi trên cả nước tập trung sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, ý thức trách nhiệm cộng đồng chưa cao. Ngoài ra, vấn đề nan giải hiện nay là công tác xử phạt các hành vi xả chất thải không đúng quy định tại cấp phường, xã chưa thực hiện tốt. Nguyên nhân là do lực lượng xử phạt của địa phương ít, chủ yếu là kiêm nhiệm, quy định xử phạt chưa thật sự răn đe nên chưa hiệu quả.
Việc thu gom rác hiện nay phần lớn vẫn chưa được phân loại
Đánh giá của Sở TNMT, sở dĩ PLRTN trên địa bàn TP những năm gần đây không đạt hiệu quả tốt là do chưa được triển khai đồng bộ, người dân chưa ý thức về việc phân loại. Nhưng nguyên nhân mấu chốt nhất vẫn là hệ thống thu gom còn nhiều bất cập như phương tiện chưa bảo đảm, không có phương án tổ chức thu gom rác sau phân loại phù hợp... Cơ quan chức năng vẫn không quản lý, kiểm soát tốt hoạt động của các đường dây rác dân lập (chiếm trên 60% khối lượng thu gom). Lực lượng này hiện sở hữu hơn 200 xe tải nhỏ, trên 1.000 xe 3 - 4 bánh tự chế và khoảng 2.500 thùng chứa, phần lớn trong số này chưa đủ điều kiện cho phép. Cộng với đó, ý thức, trách nhiệm người thu gom rác cũng không cao, ảnh hưởng tập quán kinh doanh gia đình không muốn hợp tác với các chủ đường dây rác khác để tăng quy mô và thay đổi phương tiện, nên tại một số nơi, rác đã được phân loại nhưng vẫn đổ chung vào vận chuyển.
Thực tế cho thấy việc thu gom rác thải sinh hoạt ở TP hiện nay còn nhiều bất cập và phụ thuộc chủ yếu vào các tổ chức rác dân lập đảm nhiệm. Người trực tiếp thu gom không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ; công cụ làm việc là những chiếc xe đẩy, các loại rác đều được chứa chung trong xe này. Ở các điểm tập kết, xe chở rác trung chuyển của Công ty Môi trường đô thị cũng chỉ có một thùng chứa và ít khi chở riêng biệt từng loại rác đã được phân nguồn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TNMT cho biết, việc PLRTN là một giải pháp cấp thiết nhằm tạo thuận lợi cho cả người dân và các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác, phù hợp với định hướng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt là đốt rác phát điện và tái chế, cần được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đặc biệt là với những đô thị có mật độ dân số cao và tốc độ phát triển nhanh như TPHCM.
Trên thực tế, TP có khoảng 10.000 tấn chất thải rắn phát sinh hàng ngày. Con số này sẽ còn tăng từ 7 - 15% cho đến năm 2025. Nếu rác thải không được phân loại tốt, giúp tăng tỷ lệ tái chế, sẽ gây áp lực rất lớn cho hoạt động xử lý môi trường. Trong đó, rác đem chôn lấp thì không còn bãi tiếp nhận. Nhà máy xử lý chất thải ra sản phẩm có lợi cho môi trường thì thiếu nguyên liệu sản xuất. Tính toán của Sở TNMT cho thấy, nếu PLRTN thành công, TPHCM sẽ tái sử dụng 90 - 95% khối lượng chất thải rắn, trong đó khoảng 70% dành để tái sinh năng lượng và sản suất phân compost, phân vi sinh, giúp giảm đáng kể ô nhiễm do mùi và nước rỉ từ các bãi chôn lấp rác.
Để tăng hiệu quả PLRTN trong thời gian tới như kế hoạch của UBND TPHCM, theo các chuyên gia môi trường, nên tập trung thực hiện đối với những quận, huyện có hệ thống thu gom ổn định và đồng bộ về kỹ thuật hoặc đối với những nơi đã thực hiện đấu thầu cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn chất thải rắn sinh hoạt, sau đó nhân rộng theo mô hình.
Kinh nghiệm thành công tại một số thành phố trên thế giới:
Chương trình PLRTN được xây dựng chung và thực hiện đồng bộ, có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hành chính quản lý TP. Các văn bản pháp quy, chương trình, kế hoạch... được chuẩn bị kỹ lưỡng và đầy đủ bởi các chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm cao. Có chính sách và tài chính hỗ trợ đầy đủ. Người dân có ý thức và hợp tác tốt với các cơ quan hành chính TP thông qua đối thoại minh bạch. Các tổ chức xã hội, phi chính phủ hoạt động mạnh và đồng bộ. Các công ty cung cấp dịch vụ tốt và bình đẳng. Đội ngũ lãnh đạo và quản lý đô thị giỏi. Chi phí cho chương trình phân loại chất thải rắn tại các hộ gia đình đều do chủ nguồn thải chi trả thông qua việc mua túi ni-lông (trong suốt) đựng chất thải rắn đã phân loại hoặc phí vệ sinh với nhiều phương pháp tính khác nhau.