Không phân loại rác sinh hoạt bị phạt lên đến 1 triệu đồng

Chủ Nhật, 31/07/2022 19:57

|

(CAO) Bắt đầu từ tháng 8/2022, sẽ có nhiều chính sách mới nổi bật có hiệu lực, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân như: không phân loại rác sinh hoạt bị phạt lên đến 1 triệu đồng; thu phí điện tử không dừng trên tất cả các tuyến cao tốc, rút tiết kiệm trước thời hạn vẫn hưởng lãi cao...

Theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 25/8, tất cả các hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng.

Ngoài ra, người nào đốt phụ phẩm từ cây trồng ở ngoài trời cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính bị phạt từ 2,5 - 3 triệu đồng; thải chất gây mùi khó chịu, hôi thối vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng; nếu làm rò rỉ, thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước trái quy định về bảo vệ môi trường bị phạt từ 40 - 50 triệu đồng.

Tại Thông báo số 186/TB - VPCP, Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT và các địa phương tập trung chỉ đạo các nhà đầu tư hoàn thành lắp đặt các làn thu phí còn lại trước ngày 31/7 để triển khai thu phí điện tử đồng bộ trên toàn quốc kể từ ngày 1/8/2022; trong đó triển khai thu phí hoàn toàn tự động đối với tất cả các tuyến đường cao tốc.

Như vậy, từ 1/8, tất cả các tuyến cao tốc trên cả nước sẽ đồng loạt bỏ hình thức thu phí thủ công và chuyển sang sử dụng hệ thống thu phí tự động. Do đó, muốn lưu thông trên các tuyến cao tốc, các phương tiện sẽ phải thực hiện việc gắn thẻ đầu cuối, tức dán thẻ thu phí tự động - ETC. Trường hợp xe không dán thẻ ETC mà cố tình đi vào cao tốc, hoặc xe có dán thẻ thu phí tự động nhưng số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để trả phí khi qua làn ETC mà vẫn cố tình đi vào, thì người điều khiển ô tô sẽ bị phạt 2 - 3 triệu đồng, đồng thời còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

Cũng bắt đầu từ tháng 8/2022, nhiều Thông tư mới, điều chỉnh về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của một số công chức, viên chức chính thức có hiệu lực. Cụ thể, những công chức, viên chức được bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ gồm: Viên chức chuyên ngành thư viện; Viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin; Viên chức âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông; Viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở. Thay vì phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, các Thông tư mới chỉ yêu cầu những đối tượng công chức, viên chức nêu trên cần có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Từ ngày 1/8, Thông tư 04/2022/TT -NHNN đã điều chỉnh nhiều quy định liên quan đến việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài so với trước đây nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền. Cụ thể, nếu rút trước hạn toàn bộ tiền gửi, sẽ áp dụng lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi. Còn nếu khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi có kỳ hạn thì chỉ phần rút trước hạn này chịu lãi suất không kỳ hạn thấp nhất, còn phần tiền gửi còn lại vẫn được ngân hàng giữ nguyên mức lãi suất đang áp dụng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang