Hôm nay người dân TP.HCM phải phân loại rác, nếu không có thể bị phạt

Thứ Bảy, 24/11/2018 09:33  | Ngô Đồng

|

(CAO) Từ 24-11, các hộ dân phải phân rác thành 3 loại (hữu cơ, tái chế, rác thải còn lại) và chuyển giao đúng nhóm. Người dân TP.HCM không phân loại rác sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng.

Sáng ngày 24-11, tại chung cư Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM phối hợp cùng UBND quận Tân Phú, UBND 11 phường thuộc Q.Tân Phú, Ban quản lý chung cư Tây Thạnh, các trường tiểu học và trung học cơ sở, Công ty Unilever Việt Nam, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thực hiện Chương trình mở rộng tuyên truyền “Phân loại rác tại nguồn” tại Q.Tân Phú.

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Môi trường Đô thị TP.HCM cho biết, rác thải hiện nay đang là một vấn đề nan giải của xã hội, nó tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của chúng ta nếu như không có giải pháp thu gom, vận chuyển, xử lý triệt để.

Phân loại rác tại nguồn được xem là chương trình cần thiết, tạo nền tảng cơ sở cho các hoạt động tái sinh, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn về chất lượng môi trường. Từ đó, góp phần giảm sức ép về sự gia tăng nhanh chóng khối lượng rác thải đô thị, giảm chi phí, tiết kiệm quỹ đất và giảm tác động đến môi trường.

Từ năm 2013, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM phối hợp với các đơn vị liên quan đã triển khai thực hiện dự án "Khu phố xanh hạt nhân" phân loại rác tại nguồn tại 4 tuyến đường Độc Lập, Lê Lư, Lê Khôi, Tân Sơn Nhì thuộc các phường Tân Thành, Phú Thạnh, Phú Thọ Hòa, Tân Sơn Nhì của quận Tân Phú.

Đến tháng 7-2014, Công ty bắt đầu đưa chương trình đến với chung cư Tây Thạnh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú với mô hình "Chung cư xanh kiểu mẫu" và năm 2015 mở rộng thêm 2 tuyến đường Cây Keo, Trần Hưng Đạo, nay tăng thêm tại 5 trường tiểu học, trung học cơ sở trong khu vực.

Xây dựng các khu vực tuyên truyền tại các khu vực Công ty cũng đã triển khai thực hiện chương trình phân loại rác từ năm 2013.

Ngoài địa điểm được mở rộng, các nội dung phân loại rác cũng có nhiều nét mới, đặc biệt là giới thiệu sử dụng ứng dụng di động mGreen trong công tác thu gom rác tái chế, ứng dụng này giúp cho hoạt động thu gom, ghi nhận khối lượng rác tái chế được thuận tiện cho cả người làm và lực lượng thu gom. Bên cạnh đó, ứng dụng còn số hóa việc tích điểm, đổi quà.

TP khuyến khích người dân phân loại rác thải từ nguồn để bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa

Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, chất thải hữu cơ hay còn gọi là rác thực phẩm sau khi thu gom, Công ty vận chuyển về nhà máy để sản xuất phân hữu cơ. Rác thải vô cơ sau khi thu gom, Công ty đưa vào tái chế thành những sản phẩm xanh thân thiện với môi trường và cung ứng cho thị trường để tạo nguồn kinh phí đầu tư lại cho dự án, phần rác còn lại được vận chuyển đến nhà máy đốt hoặc khí hóa để thu hồi nhiệt phát điện.

Không dừng lại đó, lợi ích của người dân khi tham gia thực hiện hoạt động phân loại và chuyển giao rác thải cũng được quan tâm. Tùy vào khối lượng rác thải vô cơ mà người dân chuyển giao cho chương trình sẽ được quy đổi thành những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu phục vụ lại cho đời sống sinh hoạt gia đình. Và điều này cho thấy nếu chúng ta thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn sẽ mang lại lợi ích thiết thực là "ích nước, lợi nhà".

Để góp phần nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường và thực hiện thành công chương trình phân loại rác tại nguồn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nó đòi hỏi sự đồng thuận, chung tay, chung sức, chung lòng của toàn xã hội.

"Vì sức khỏe của cộng đồng, vì môi trường TP, chúng tôi kêu gọi và vận động mọi người 'Hãy nói không với xả rác ra đường và kênh rạch, tích cực phân loại rác tại nguồn để góp phần bảo vệ môi trường Thành phố ngày càng sạch và xanh hơn'", ông Nhật kêu gọi.

Người dân TP.HCM không phân loại rác sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng

Theo Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP.HCM của UBND TP.HCM ngày 14-11-2018, chất thải rắn sinh hoạt phải được quản lý chặt chẽ nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 24-11.

Quy định nêu rõ: hộ gia đình, chủ nguồn thải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt trước khi chuyển cho đơn vị thu gom, vận chuyển.

Chất thải phải phân loại theo 3 nhóm: chất thải hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủv tinh); chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).

TP khuyến khích các hộ dân chất thải hữu cơ đựng trong túi màu xanh, màu trắng. Chất thải còn lại đựng túi có màu sắc khác (trừ màu trắng, màu xanh). Có thể dán nhãn, ghi chữ trên các túi rác để phân biệt.

TP sẽ tổ chức thu gom riêng các chất thải theo lịch sau: Thu gom chất thải hữu cơ vào thứ 2, 4, 6 và chủ nhật; các chất thải còn lại vào thứ 3, 5, 7 trong tuần.

Hộ gia đình, chủ nguồn thải, cá nhân tự trang bị túi, thùng để phân loại, chứa chất thải; ký hợp đồng chuyển giao chất thải sau phân loại; trả chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải và trả chi phí dịch vụ tăng thêm nếu có.

Trường hợp hộ gia đình, chủ nguồn thải không chấp hành phân loại, chuyển giao không đúng nhóm chất thải theo quy định, sau khi đã được nhắc nhở nhiều lần (3 lần trở lên/tuần), tổ chức, cá nhân thực hiện thu gom có trách nhiệm thông báo đến UBND phường - xã - thị trấn biết để xử lý theo quy định.

Hiện nay, theo quy định tại Khoản 4 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP, hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng.

Mong sớm có kết luận khoa học về nguồn nước quanh bãi rác Đông Thạnh
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang