Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã phát triển diện tích gần 30 héc-ta, trong đó 6 héc-ta đang mùa trái bói với số lượng 6-7 tấn, dự kiến cuối năm nay, sản lượng tăng gấp nhiều lần. Thực, hư giá trị loại trái này đến đâu? Thị trường tiêu thụ ra sao? Ngày 23-11, PV Báo Công an TP.HCM đã phỏng vấn TS Phạm S về thực trạng giống cây mới này.
'Đánh bạc' với cây lạ siêu trái
Magic-S trái đậu thành chùm
Chỉ một năm trước, người ở Lâm Đồng còn tò mò, ước muốn một lần nếm thử trái cà chua thân gỗ - Magic-S có nguồn gốc từ vùng Nam Mỹ để biết vị của nó ra sao thì đến nay, nếu chịu khó đi xuống các huyện cũng xin được cả... rổ do nhiều nhà trồng, cây nào cũng sai trái. Nhiều hộ gia đình cho biết, họ bán cho người quen, du khách hoặc cho công ty, với giá... vô chừng, nhưng không quá 200.000/kg, có khi cho không.
TS Phạm S khi đó giới thiệu đây là cây siêu trái, có trái quanh năm, dễ canh tác, ít sâu bệnh, thích hợp phát triển rộng rãi ở vùng Tây Nguyên. Cùng đó là các thông tin về chất lượng dinh dưỡng của trái cây này, như: hàm lượng vitamin A, C cao, nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người...
Trái có vị ngọt, thơm, chua thanh, hơi ráp lưỡi khi ăn Nhiều hộ dân tại Lâm Đồng sau đó đã mua cây Magic-S về trồng. Giá cây 'sốt' tăng vọt, từ 100 đến đến 500 ngàn đồng/cây. Đến nay, 'hạ nhiệt', giá chỉ vài chục ngàn/cây. Nhiều người hồ hởi, vui mừng khi thấy cây rất dễ trồng, dễ chăm sóc, sai trái.
Cách đây mấy tháng, khi những vườn cây Magic-S ra những chùm trái đầu tiên, nhiều gia đình đã mơ về một tương lai giàu có. Cùng đó là những công bố kết quả nghiên cứu của Bộ Khoa học – Công nghệ đầy khả quan về 16 tác dụng của loại cây này.
HTX nông nghiệp Magic-S Rạng Đông tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) do ông Nguyễn Mạnh Hà làm giám đốc, ông Nguyễn Bá Tôn - xã viên HTX cùng có vườn cây Magic-S rộng hàng héc-ta. Trong vườn, những hàng cây Magic-S xanh mướt, trái lúc lỉu, đầy màu sắc: đỏ, xanh, sọc tím... đẹp mắt như gọi mời người hái. Nhưng không có cảnh người mua kẻ bán tấp nập, rộn ràng như họ từng mơ tưởng.
Tiến sĩ Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng (đội mũ) bên vườn Magic-S mới ra trái
Ông Hà tâm sự: HTX gồm 7 hộ gia đình, có 9 héc-ta Magic-S. Trước đây, giá bán trên thị trường lên tới 1 triệu đồng/kg trái, chúng tôi không mong bán được giá đó, nhưng thấy cây nhanh lớn, nhanh có trái, chỉ khoảng 7-8 tháng là ra hoa, kết trái, trái sai lúc lỉu, kết chùm... thì vui mừng lắm, nhất là khi nghe Công ty TNHH thực phẩm Đà Lạt mua 150.000 đồng/kg, chúng tôi tin rằng cây này có thể làm giàu cho người nông dân.
Từ tháng 6 đến tháng 8-2018, hộ hai ông và 3-4 hộ khác của HTX đã bán cho Công ty TNHH sản xuất thực phẩm Đà Lạt 3,4 đợt trái, tổng khoảng 5 tấn với giá 150.000 đồng/kg. Đợt tháng 9, công ty phân loại, định giá loại 1, giá 150.000 đồng/kg; còn lại giá chỉ 50.000 đồng/kg.
Từ tháng 10 đến nay, trái chín ồ ạt, nhưng công ty này ngừng thu mua. Không thể để cây chín rụng ngoài vườn, nhiều hộ bỏ tiền mua tủ đá lớn, tích trữ hàng tấn trái Magic-S rồi đi liên hệ nhiều nơi, nhưng không có đơn vị nào nhận mua loại trái cây này.
Chúng tôi thử liên hệ một số nhà máy, công ty sản xuất thực phẩm, nước uống.. tại TP.HCM. Họ yêu cầu muốn liên kết “đầu ra” cho sản phẩm phải đảm bảo các yếu tố: Xây dựng bản quyền bảo hộ, có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, Organic... Đây cũng là xu hướng thị trường rau - củ - quả sạch mà người nông dân cần hướng đến.
Ông Nguyễn Mạnh Hà bên vườn cây Magic-S của gia đình
Nhà quản lý nói gì?
Với vai trò vừa là 'cha đẻ' của Magic-S, vừa là nhà khoa học, nhà quản lý; trao đổi với chúng tôi, TS Phạm S tiếp tục khẳng định chất lượng, tiềm năng của trái cây Magic-S và cho biết, đây là vấn đề 'giao thời' của loại trái cây này, với cả người trồng, làm ra sản phẩm và các nhà máy, công ty sản xuất thành phẩm.
Ông chia sẻ: việc đưa giống cây này về Việt Nam, xuất phát từ những trăn trở của ông suốt nhiều năm. Lâm Đồng là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên, việc ứng dụng nhà kính, nhà lưới với tốc độ nhanh quá tầm kiểm soát đã có những hạn chế, như làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, gây ngập úng cục bộ... Cùng đó, bà con mở rộng diện tích canh tác cà phê, rau, hoa dẫn đến những bất ổn về thị trường, giá cả nên cần trồng một số giống cây mới để cải thiện.
Qua nghiên cứu thực tế tại một số quốc gia đã trồng loại cây Magic-S (với nhiều tên gọi khác nhau) cùng các tài liệu nghiên cứu, ông Phạm S nhận thấy, Magic-S là cây có nhiều tiềm năng, giá trị thương phẩm cao: về chất lượng, màu sắc, thị trường tiêu thụ... là một trong những cây trồng lý tưởng phát triển kinh tế nông nghiệp, khai thác du lịch canh nông hiệu quả.
Giá ban đầu là của thị trường, hàng nhập, lúc mới mẻ. Sản phẩm sau đó sẽ tùy vào mức tiêu thụ của thị trường, chắc chắn giá thành giảm nhiều khi sản phẩm đủ đáp ứng. Đó cũng chính là mục tiêu của các nhà nghiên cứu. Ngoài làm rượu vang, nước ép, Magic-S có thể được chế biến thành mứt, bột...
"Trách nhiệm của chúng tôi là chuyển giao cây giống cho bà con, giải quyết những vướng mắc và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các hộ dân. Công dụng của Magic-S là không thể phủ nhận... Chúng tôi không khuyến khích người dân trồng ồ ạt cây Magic-S.
Thực tế, nhiều hộ dân mua giống trôi nổi trên mạng, tại các tỉnh, thành khác, không xuất phát từ nguồn cây giống địa phương cung cấp nên chất lượng sản phẩm kém khiến nhà sản xuất e ngại. Trước đó, tháng 5-2018, tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản đến các Sở Khoa học – Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tuyên truyền, cảnh báo đến người dân việc này", TS Phạm S bày tỏ.
Nhiều hộ dân trữ trái Magic-S trong tủ lạnh chờ người mua
Chiều 23-11, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trọng Hưng – Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Đà Lạt, cho biết: "Đến nay, chúng tôi chưa có cam kết gì với người dân về việc bao tiêu sản phẩm Magic-S của bà con, nhưng vẫn đang mua để sản xuất rượu vang. Việc chúng tôi tạm ngưng mua là có lý do. Mỗi lần sản xuất cả gần chục tấn, sản phẩm của bà con mới chín bói, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất của dây chuyền nhà máy, trong khi chúng tôi đang chờ xây dựng kho lạnh chứa.
Bà con mới bắt đầu thu hoạch trái Magic-S, chúng tôi cũng đang trong giai đoạn lập thương hiệu, phát triển sản phẩm này. Mất gần hai năm nghiên cứu, chúng tôi đã thành công với sản phẩm của mình từ trái Magic-S và đang xúc tiến tìm nguồn tiêu thụ, chủ yếu ở thị trường nước ngoài.
Việc bà con dễ dãi với nguồn cây giống, dẫn đến sản phẩm không đồng đều, khó cho nhà sản xuất. Chúng tôi buộc phải phân loại để đảm bảo chất lượng thành phẩm. Trái nhỏ, xấu, đồng nghĩa với chất dinh dưỡng trong trái kém, không đảm bảo chất lượng. Nếu sản phẩm đạt 18-20 trái/kg, chúng tôi vẫn mua với giá 150.000 đồng/kg...".
Thực tế tại vườn cho thấy, cây Magic-S có khả năng sinh trưởng cao, ra trái quanh năm. Sau khoảng 7-8 tháng xuống giống, cây bắt đầu ra hoa và 4 tháng sau quả chín cho thu hoạch. Nếu 'đầu ra' ổn định, đây là cơ hội để người dân làm kinh tế từ cây Magic-S.
Vấn đề ở chỗ, người nông dân thấy cây gì có giá, 'sốt' là đổ xô trồng ồ ạt dẫn đến sản phẩm quá tải, khó khăn khi tiêu thụ... đẩy người dân vào cảnh lao đao. Ngành chức năng cần có biện pháp hữu hiệu để khuyến cáo, quản lý, quy hoạch tình trạng này.
Với cây Magic-S, mong rằng các nhà chức trách có giải pháp phù hợp, đảm bảo cuộc sống của người dân, tránh tình trạng để người nông dân hăm hở với các loại vật nuôi, cây trồng giống mới rồi nhấp nhổm 'đầu ra' như 'ngồi trên đống lửa'!