Nhà kính trồng rau bao phủ Đà Lạt gây hệ lụy khôn lường

Thứ Sáu, 24/08/2018 00:43

|

(CAO)

Lâm Đồng không khuyết khích người dân làm nông nghiệp bằng phương pháp trồng trong nhà kính. Tuy nhiên, việc chưa nhìn ra những hạn chế trong tình trạng nhà lưới, nhà kính đang phát triển một cách tự do, ào ạt, không đảm bảo, giữ gìn cảnh quan, môi trường sinh thái TP.Đà Lạt là vấn đề chính quyền tỉnh Lâm Đồng cần sớm lưu tâm. Các chuyên gia khí hậu, môi trường... đã cảnh báo điều này.

Theo TS.Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam: “Nhiều người nhầm lẫn việc làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nhà kính, nhà lưới, màng bọc nên tình trạng nhà kính phát triển tràn lan gây biến đổi khí hậu, hệ sinh thái TP.Đà Lạt. Nhà kính, về cơ bản chỉ có tác dụng với những vùng thổ nhưỡng khắc nghiệt...”.

Khoảng gần 10 năm trở lại đây, TP.Đà Lạt và các vùng phụ cận, như các huyện: Đơn Dương, Đức Trọng... phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao – trồng rau, hoa trong nhà kính (nhà lồng tứ bề bao bọc nilon), dẫn đến tình trạng một màu trắng ngà lấn lướt màu xanh tự nhiên vốn có khiến thành phố này mất dần vẻ đẹp tự nhiên, cùng với đó gây ra hiện tượng ngập lụt thường xuyên trên diện rộng, báo động tình trạng mất cân đối mạch nước ngầm, ảnh hưởng đến đời sống dân cư.

Ám ảnh nhà kính bao phủ

Sự phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao đem lại lợi nhuận kinh tế cao, bỏ xa giá trị kinh tế trồng cây nông nghiệp, rau hoa... truyền thống. Điều này phụ thuộc nhiều yếu tố: kinh nghiệm, giống mới, độc, lạ, cho năng suất cao hoặc nhờ gắn mác “hàng sạch, chất lượng cao”... 

Tình trạng nhà kính bao vây khắp các diện tích đất nông nghiệp ở TP.Đà Lạt đang là vấn đề gây tranh cãi...

Tuy nhiên, vì quá chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao bằng phương thức trồng trong nhà kính, nhà lưới, tại TP.Đà Lạt nhiều năm qua, các hộ dân làm nhà kính khắp nơi, phát triển một cách tự do, ồ ạt, mất kiểm soát. Khắp nội ô thành phố và cả vùng ven, nông nghiệp xanh biến mất, chỉ thấy toàn màu trắng nhà kính bao phủ, tạo nên tổng thể kiến trúc biến dạng, mất hẳn vẻ đẹp vốn có.

Còn đâu một Đà Lạt đẹp xinh, tươi xanh, đầy sức sống với cỏ cây, hoa lá, rừng thông - những gam màu xanh, đỏ, tím, hồng... rực rỡ sắc màu như reo vui, đón chào du khách?. Giờ đây, chỉ cần qua khỏi nội ô thành phố bán kính 3-4km, đi đến đâu cũng chỉ thấy toàn một màu trắng đục của nhà kính bao phủ khắp các cánh đồng, thung lũng, tẻ nhạt và chán ngắt!.

Không chỉ nông dân TP.Đà Lạt, nhiều năm qua, nhiều cá nhân, doanh nghiệp từ các tỉnh, thành trong cả nước cũng đổ xô đến thành phố này tập trung đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nhân rộng diện tích nhà kính tràn lan.

Việc khuyến khích Đà Lạt phát triển theo hướng “chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao” và những nông dân, doanh nhân gắn bó với ghề trồng trọt mặc nhiên làm theo mô hình “trồng trong nhà kính” dẫn đến tình trạng TP. Đà Lạt toàn nhà kính, bao phủ khắp nơi đã biến thành phố này vốn được ví như nàng công chúa diễm kiều trở nên nhem nhuốc, mất hẳn vẻ đẹp kiêu sa, lộng lẫy vốn có.

Có nhiều cách phát triển kinh tế, tăng trưởng ngân sách ở thành phố ngàn hoa này, như: làm du lịch xanh - sạch, du lịch chất lượng đỉnh cao nhằm thu hút du khách, đâu nhất thiết phải mở rộng quá mức, tràn lan mô hình nông nghiệp nhà kính, làm xấu Đà Lạt?. Chưa kể, khoảng hai năm gần đây, TP.Đà Lạt đã trở nên quá tải với lượng khách du lịch đổ về. Khí hậu vẫn là lý do chính để níu chân du khách.

Nhà kính xuất hiện tự do, ồ ạt, mất kiểm soát

Nhà kính góp phần gây lũ lụt?

Không chỉ phá vỡ cảnh quan, tình trạng nhà kính bao phủ còn khiến cho Đà Lạt chịu những tác động tiêu cực về biến đổi khí hậu, môi trường. Khoảng 4 năm trở lại đây, hầu hết tại 12 phường, TP.Đà Lạt và huyện Đơn Dương lân cận (cách TP.Đà Lạt khoảng 50-60km) xảy ra những trận lũ lụt kinh hoàng, thậm chí là những trận lụt lịch sử, nước ngập trên một số tuyến đường, khu dân cư cả mét. Cá biệt, có những căn nhà bị ngập sâu gần nóc nhà.

Điển hình như trận lũ lớn xảy ra chiều ngày 1-6-2015, tại khu vực đường Hoàng Văn Thụ - Mạc Đĩnh Chi, P.5, TP.Đà Lạt. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Nghĩa, chị Đặng Thị Thanh Hằng cùng 2 con trai 4 tuổi và 4 tháng tuổi bị mắc kẹt trong nhà khi lũ dâng cao gần 2m. May được sự hỗ trợ của 2 thanh niên. Họ cắt điện, dỡ mái tôn nhà, cứu thoát 4 người ra khỏi căn nhà đang bị dòng nước lũ nhấn chìm, trước khi lực lượng chức năng đến ứng cứu.

Những năm sau đó, nhiều trận mưa lớn khiến nhiều nhà dân tại các phường trong nội đô TP.Đà Lạt và huyện Đơn Dương bị cuốn trôi nhiều tài sản, hoa màu... Nhiều vùng đất, con đường bị sình lầy, những vườn rau, hoa của người dân bị ngập úng, thất thu...

Những ngày gần đây, nhiều trận mưa lớn kéo dài trên diện rộng đã làm ngập lụt cục bộ nhiều khu vực. Người nông dân vì phát triển kinh tế phải chấp nhận sự đánh đổi này. Nhưng những người dân không làm nông nghiệp nhà kính cũng bị vạ lây. 

Lý giải về hiện tượng này, một số chuyên gia cho rằng, do tình trạng nhà kính dày đặc, những cơn mưa đổ xuống không thể trải đều trên mặt đất bởi vướng nhà kính nên sẽ đọng lại, trút về các mương, suối tạo nên những dòng chảy lớn ào ạt, đổ về vùng trũng. Hậu quả gây ra các trận ngập lụt kinh hoàng. 

Bà Thu Bình (trú tổ 4, P.9, TP Đà Lạt), cho hay: “Mấy năm gần đây, cứ mưa liên tục khoảng 2 giờ là khu vực này ngập lụt. Gia đình tôi có 3.000m2 đất canh tác rau, bị ngập lụt thiệt hại rất lớn...”.

Những trận mưa lớn kinh hoàng gây ngập lụt ở Đà Lạt

Hiện, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Đà Lạt khoảng hơn 10.000ha, nhưng phải đến trên ½ diện tích là nhà kính (gần 90%) và nhà lưới (khoảng 10%). Theo định hướng của tỉnh Lâm Đồng, đến năm 2020, diện tích canh tác rau, hoa tại TP.Đà Lạt sẽ tăng khoảng trên 20.000ha. Với đà này, việc ứng dụng công nghệ cao – trồng trong nhà kính lại phát triển, những tiêu cực về cảnh quan, môi trường, nguồn nước, khí hậu... lại “tấn công” TP.Đà Lạt.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, nêu ý kiến: “Đà Lạt là vùng đất có khí hậu ôn đới, thổ nhưỡng lý tưởng, rất thích hợp trồng rau, hoa. Có thể trồng ngoài trời, thuận theo tự nhiên, sao phải trồng trong nhà kính?

Nhiều người nhầm lẫn việc làm nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nhà kính, nhà lưới, màng bọc nên tình trạng nhà kính phát triển tràn lan gây biến đổi khí hậu, hệ sinh thái. Nhà kính, về cơ bản chỉ có tác dụng với những vùng thổ nhưỡng khắc nghiệt. Trong nông nghiệp, nhà kính có những tác động ảnh hưởng gây hại cho môi trường như làm tăng nhiệt độ môi trường xung quanh, khiến cho khí hậu nóng lên - do thiếu không gian bay hơi, thoát nhiệt; nền đất trong nhà kính không thấm, thoát nước sẽ làm suy kiệt nguồn nước ngầm; chỗ ngập úng, nơi khô kiệt, làm ảnh hưởng đến chất lượng đất, gây ô nhiễm nguồn nước...

Ở các nước phát triển nông nghiệp, như Israel, các nước châu Âu, Thái Lan, Mỹ... cũng ứng dụng nhà kính, nhưng họ hoạch định ở những nơi cảnh quan không phải là vấn đề quan trọng”.

Rất mong các nhà quản lý, quy hoạch địa phương tính toán một cách khoa học để bảo vệ Đà Lạt.

Bình luận (0)

Lên đầu trang