(CAO) Cho rằng những phát ngôn không đúng của Grab làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của mình, công ty giám định Cửu Long cho biết đang cân nhắc đến việc bảo vệ uy tín, danh dự của mình bằng… pháp luật!
Chiều nay (23-11), TAND TP.HCM tiếp tục đưa vụ kiện giữa nguyên đơn Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đòi bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab) bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số tiền hơn 41,2 tỷ đồng ra xét xử với phần tranh luận giữa các bên.
Đại diện Vinasun tiếp tục giữ quan điểm đòi bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng
Giống như những phiên tòa trước, đại diện Vinasun tiếp tục khẳng định những kết quả trong chứng thư giám định là có căn cứ và đồng tình với kết quả này cũng như cách giải thích do công ty Cửu Long đưa ra. Vinasun cho rằng có đủ bằng chứng khẳng định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, không phải doanh nghiệp kinh doanh công nghệ như đề án 24. Mức độ thiệt hại của Vinasun trong thực tế còn lớn hơn nhiều so với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Theo ông Trương Đình Quý - Phó Tổng giám đốc Vinasun cho biết thị trường vận tải hành khách bằng taxi đang tăng trưởng ổn định 10%/năm. Tuy nhiên, từ khi Grab xâm nhập trái phép vào thị trường taxi, bằng các chương trình khuyến mãi tràn lan và cuốc xe 0 đồng khiến khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ của Grab.
Vinasun cho rằng Grab là nguyên nhân chính làm sụt giảm lợi nhuận, dẫn đến cổ tức cho các cổ đông sụt giảm kéo theo giá cổ phiếu của Vinasun sụt giảm. Vì lúc này các nhà đầu tư, cổ đông nhìn thấy những rủi ro tiềm ẩn từ cổ phiếu Vinasun. Từ đây cho thấy có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi Grab với thiệt hại của Vinasun.
Đại diện Grab phản bác toàn bộ những cáo buộc của Vinasun
Phía Vinasun cho biết thống nhất với nhận định của đại diện Viện kiểm sát và mong Hội đồng xét xử có được bản án công tâm, làm nền tảng cho việc các doanh nghiệp phải thượng tôn pháp luật, tuân thủ pháp luật Việt Nam, không lợi dụng kẻ hở của pháp luật để làm điều sai phạm.
Trong khi đó, phía Grab cho rằng chỉ là công ty cung cấp ứng dụng công nghệ, chưa bao giờ là taxi và đang kinh doanh theo đề án 24 của Thủ tướng Chính phủ. Đại điện Grab cho rằng kết quả giám định thiệt hại của Vinasun do công ty Cửu Long đưa ra dựa vào báo cáo của 3 công ty chứng khoán là không có cơ sở. Việc công ty này không có mặt tại tòa để đối chất thể hiện sự lảng tránh và không dám đứng ra bảo vệ kết quả giám định thiếu chính xác của mình.
Chủ tọa phiên tòa công bố công văn của công ty giám định Cửu Long cho biết cân nhắc bảo vệ mình bằng pháp luật trước phát ngôn của Grab.
Trước phát biểu này của đại diện Grab, chủ tọa phiên tòa đã công bố văn bản của Công ty Cửu Long gửi TAND TP.HCM. Theo đó, công ty này cho biết khi đại diện Công ty Cửu Long có mặt theo triệu tập của tòa thì phía Grab xin hoãn và vắng mặt. Nhưng tại phiên tòa, phía Grab nhiều lần cho rằng các báo cáo, kết luận của Công ty Cửu Long là không chính xác.
Theo Công ty Cửu Long, phía Grab đã nêu nhiều thông tin không đúng về các báo cáo, kết quả giám định của công ty này, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của Công ty Cửu Long. Hiện nay nhiều khách hàng đã yêu cầu công ty giải thích vấn đề này. Đồng thời, Công ty Cửu Long cho biết đang cân nhắc đến việc bảo vệ uy tín, danh dự của mình bằng pháp luật.
Chủ tọa phiên tòa cũng đề nghị các bên xem lại quy định về giám định tại khoản 1 Điều 23 Luật Giám định tư pháp để cân nhắc trong việc phát ngôn của mình. Sau khi nghe tranh luận giữa các bên, HĐXX hội ý và quyết định dừng phiên tòa đến ngày 30-11 sẽ tiếp tục xét xử.