TPHCM: Hoạt động mại dâm thông qua nhóm kín diễn biến phức tạp

Thứ Ba, 02/07/2024 12:37  | Trung Hiếu

|

(CATP) Trong báo cáo mới nhất về kết quả công tác phòng, chống mại dâm (MD) 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 trên địa bàn TPHCM, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TPHCM nhấn mạnh, MD sử dụng mạng Internet, ứng dụng công nghệ thông tin, thông qua các trang mạng xã hội, diễn đàn, nhóm kín để hoạt động có xu hướng ngày càng gia tăng; trong đó nổi lên là tình trạng các đối tượng sử dụng nhóm kín, diễn đàn kín để hoạt động MD đã khiến công tác phòng, chống tệ nạn MD vẫn còn nhiều thách thức...

Phương thức hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi

Sở này cũng khẳng định, thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về MD trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực; một số vụ tổ chức, môi giới, chứa MD hoạt động khép kín, không tiếp khách là người Việt Nam do người nước ngoài điều hành đã được Công an TP tập trung triệt phá. Số liệu cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, Công an TP đã đấu tranh triệt phá 3 vụ môi giới MD quy mô lớn do người Hàn Quốc, Trung Quốc tổ chức hoạt động tại nhà hàng, thu giữ gần 22 tỷ đồng.

Dù công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến MD luôn được tập trung; tuy nhiên cùng với sự phát triển về kinh tế - văn hóa, các hoạt động kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, thiếu lành mạnh cũng phát triển theo với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau nên tình hình tệ nạn MD trên địa bàn TP vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp; đặc biệt tình trạng các đối tượng sử dụng nhóm kín, diễn đàn kín để hoạt động MD.

Bốn đối tượng liên quan đến đường dây mại dâm trên địa bàn TP

Theo đó, quản trị viên của nhóm là những đối tượng môi giới MD chuyên nghiệp hoặc vừa làm môi giới, vừa bán dâm. Điều đáng nói, một quản trị viên có thể lập và điều hành nhiều nhóm kín khác nhau; đồng thời người môi giới, người bán và mua dâm có thể tham gia nhiều nhóm kín khác nhau để câu móc, trao đổi, đăng hình ảnh tiếp thị, thỏa thuận đến các địa điểm thực hiện các hành vi mua bán dâm như biệt thự, căn hộ chung cư, trên tàu biển, tàu du lịch; theo các hoạt động: tour du lịch, thể thao... thậm chí ra nước ngoài để hoạt động MD. Các đối tượng, đường dây này hoạt động mang tính chuyên nghiệp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, trong đó có sự tham gia của một số người mẫu, diễn viên, sinh viên, người dẫn chương trình và người tham gia các cuộc thi sắc đẹp...

Trong khi đó, theo đánh giá chung, hoạt động MD theo hình thức đứng đường tại các khu vực công cộng để mồi chài khách mua dâm đã giảm hẳn sau các đợt truy quét của Công an cấp cơ sở. Tuy nhiên, tại một số tuyến đường, khu vực có xu hướng tái xuất hiện tình trạng người có nghi vấn hoạt động bán dâm nơi công cộng như: khu vực quanh công viên Phú Lâm (Q6); tuyến đường Ngô Gia Tự (Q5); tuyến đường Đào Duy Từ (Q10); tuyến đường Nguyễn Chí Thanh (Q5 và Q10).

Theo số liệu thống kê, tại các khu vực công cộng, hiện còn 16 điểm, tụ điểm, tuyến đường thuộc 17 phường, xã và có khoảng 60 đối tượng nghi vấn hoạt động MD đứng đường hoặc dùng xe gắn máy chạy theo chèo kéo khách mua dâm. Tổng số người bán dâm trên địa bàn TP được báo cáo ước tính có khoảng 1.202 người.

Jung Jong Pil, Hwang Chang Nam (thứ 2 và 3 từ trái qua, quốc tịch Hàn Quốc) cùng một số đối tượng người Việt tổ chức hoạt động môi giới mại dâm cho người nước ngoài

Phòng ngừa là chính

Nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống MD giai đoạn 2021 - 2025 nói chung và năm 2024 nói riêng trên địa bàn TP, UBND TPHCM đã giao cho Sở LĐTB&XH chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể TP, quận, huyện và TP.Thủ Đức tập trung phòng, chống MD năm 2024 trên địa bàn theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, để thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến MD trong tình hình mới cũng như hỗ trợ người bán dâm từng bước chuyển đổi hành vi ổn định cuộc sống, UBND TP đã kiến nghị các Bộ, ngành liên quan ban hành các quy định hướng dẫn công tác phòng, chống MD phù hợp. Trong đó, cần tập trung nghiên cứu, rà soát, đánh giá, tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Pháp lệnh phòng, chống MD và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan bảo đảm thống nhất, phù hợp với tình hình hiện nay.

Với phương châm "phòng ngừa là chính"; theo UBND TP, cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống MD và phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS trong nhân dân gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã xây dựng và phát hành 596.734 bản tin, tài liệu, pano, áp phích, tờ rơi, tờ bướm, phát thanh, xe loa lưu động thực hiện truyền thông, tuyên truyền về công tác phòng, chống MD tại cộng đồng; tổ chức 2.287 buổi tuyên truyền thu hút 113.023 lượt người tham dự; có 91.687 lượt người có nguy cơ cao tham gia hoạt động MD được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống MD.

Việc tổ chức tuyên truyền, vận động chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với người lao động đang làm việc tại cơ sở và thực hiện việc ký bản cam kết với UBND phường, xã, thị trấn không để tệ nạn MD xảy ra tại cơ sở kinh doanh cũng được quan tâm đúng mức. Trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND các phường, xã, thị trấn trên địa bàn đã vận động 3.487/4.296 cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện ký bản cam kết (chiếm tỷ lệ 81,16%). Ngoài ra, 100% quận, huyện, TP.Thủ Đức đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống TNMD; 100% quận, huyện, TP.Thủ Đức lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn MD với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình an sinh xã hội, chương trình phòng, chống ma túy, HIV/AIDS.

Song song đó, trong các kỳ công tác thanh kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống MD đã đạt được một số kết quả khả quan: tổ chức kiểm tra 1.930 lượt cơ sở, phát hiện 701 cơ sở vi phạm hành chính về lĩnh vực văn hóa, thông tin và phòng, chống tệ nạn xã hội; đã xử phạt hành chính 683 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 5,5 tỷ đồng.

Cũng trong khoảng thời gian này, các cơ quan chức năng đã phối hợp với Công an các quận, huyện, TP.Thủ Đức tổ chức 125 lượt truy quét MD nơi công cộng, phát hiện 9 trường hợp bán dâm; triệt phá 106 vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, phát hiện 564 người vi phạm (trong đó có 221 người mua dâm; 223 người bán dâm và 120 chủ chứa, môi giới MD); xử lý vi phạm hành chính 446 người, lập hồ sơ xử lý hình sự 118 đối tượng về hành vi chứa MD và môi giới MD. Viện KSND TPHCM đã khởi tố mới và chuyển TAND TP 51 vụ/105 bị can; truy tố 27 vụ/66 bị can; đã xét xử 17 vụ/26 bị cáo.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống mại dâm

Ông Nguyễn Tăng Minh - Phó giám đốc Sở LĐTB&XH TPHCM cho biết, thực tế cho thấy, trong công tác phòng, chống MD trên địa bàn còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, chẳng hạn như các đối tượng hoạt động MD có xu hướng lợi dụng công nghệ cao để điều hành các đường dây MD rộng khắp với tính ẩn danh và độ bảo mật cao, gây rất nhiều trở ngại trong quá trình phát hiện và phá án của cơ quan chức năng; hệ thống pháp luật về phòng, chống MD chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung hoàn thiện dẫn đến việc lúng túng trong cách xử lý...

Về lâu dài, Sở LĐTB&XH TPHCM sẽ phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể TP, quận, huyện và TP.Thủ Đức tham mưu trình UBND TP kiến nghị, đề xuất một số nội dung trọng điểm cần bổ sung, khắc phục nhằm tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh, triệt phá tệ nạn MD trong tình hình mới.

Trước mắt, để nâng cao công tác phòng, chống MD trên địa bàn, trong 6 tháng cuối năm 2024, theo ông Minh, các đơn vị hữu trách cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống MD; đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa MD thông qua lồng ghép các chương trình có liên quan tại địa bàn cơ sở; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống MD; điều tra, truy tố các tội phạm liên quan đến MD; triển khai các mô hình thí điểm về phòng ngừa MD, hỗ trợ can thiệp giảm thiệt hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn MD, cung cấp dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời tiếp tục triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống MD.

Số liệu thống kê trong 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, hiện trên địa bàn TP có 4.296 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn MD (gồm 2.385 cơ sở lưu trú; 1.255 nhà hàng karaoke và cơ sở massage; 71 vũ trường, bar, beer club, công ty giải trí biến tướng thành bar; 585 cơ sở kinh doanh dịch vụ khác); trong đó 657 cơ sở có nghi vấn hoạt động MD và 883 cơ sở có nghi vấn hoạt động khiêu dâm, kích dục. Với 17.872 nhân viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ; trong đó số nhân viên có nghi vấn hoạt động MD là 994 người và khiêu dâm, kích dục là 1.526 người.

Bình luận (0)

Lên đầu trang