Tuyên truyền giáo dục kỹ năng "mềm" trong trường học:

Học sinh hào hứng với tiết sinh hoạt đầu tuần

Thứ Tư, 13/12/2023 08:31

|

(CATP) Sáng 11/12, gần 2.000 học sinh (HS) của Trường tiểu học (TH) Nguyễn Văn Tây, TP. Thủ Đức (TPHCM) sôi nổi trải nghiệm các kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn trong đám cháy. Hoạt động mang tính giáo dục kỹ năng sống này được "ba hội": Phụ nữ, Nông dân, Chữ thập đỏ P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức (TPHCM) phối hợp với nhà trường tổ chức ngay trong tiết sinh hoạt đầu tuần.

Học mà chơi, chơi mà học

Bà Nguyễn Thụy Khánh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) P.Bình Chiểu - tâm sự với phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM: "Với mỗi chủ đề, chúng tôi áp dụng những hình thức tuyên truyền sinh động khác nhau nhằm tăng thêm sự lôi cuốn, khuyến khích trẻ em tương tác".

Các HS được thực hành những phương pháp tự bảo vệ mình khi xảy ra hỏa hoạn, động tác cần thiết tránh hít phải khói độc, xử lý sự cố bất ngờ trong trường hợp ở nhà một mình. Đặc biệt, một số sơ suất trong sinh hoạt thường ngày, có nguy cơ dẫn đến phát sinh đám cháy được thầy cô dặn dò rất kỹ, giúp các em biết để tránh lặp lại với bản thân và gia đình.

Trước đó vài ngày, hơn 1.000 HS Trường TH Mỹ Thủy, TP.Thủ Đức (TPHCM) đã hào hứng tham gia đố vui "Đuổi hình bắt chữ", tìm hiểu Luật Trẻ em và quyền trẻ em.

Nhiều hình ảnh phong phú, tương ứng với các quyền trẻ em được nhà trường và Hội LHPNVN phường Cát Lái in khá đẹp, có tác dụng trực quan, thu hút các HS nhìn hình đoán chữ.

Từ những quyền trẻ em cụ thể, các giáo viên (GV) đưa ra tình huống thường gặp, liên hệ với đời sống thực tế hàng ngày để HS nhanh tiếp thu, dễ hiểu, nhớ lâu và thực hiện đúng. Em Phạm An An, học lớp 53, bày tỏ: "Chúng em mỗi ngày được cắp sách đến trường chính là quyền được giáo dục, học tập. Tham gia tập luyện thể dục thể thao cùng các trò chơi bổ ích đó là quyền được vui chơi giải trí. Em và các bạn còn được biết thêm về 5 bổn phận mà trẻ em cần nhớ".

Trường tiểu học Mỹ Thủy và Hội LHPNVN phường Cát Lái, TP.Thủ Đức (TPHCM) tổ chức thi đố vui tìm hiểu về quyền trẻ em

Tại Trường TH - Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Ngô Thời Nhiệm, P.Phước Long A (TP.Thủ Đức), gần 2.500 HS được phổ biến những biện pháp tự bảo vệ tài sản. Các GV đặc biệt lưu ý với toàn trường, thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 dễ xảy ra các vụ việc chiếm đoạt tài sản, mà trẻ em hay bị kẻ gian lợi dụng nhằm đạt được mục đích.

Anh Phạm Văn Thành (47 tuổi, ngụ P.Phước Long A) cho biết: "Con tôi đang học lớp 10, vợ chồng tôi rất yên tâm khi cháu được hướng dẫn những kiến thức bổ ích, biết tự bảo vệ tài sản của mình và ứng xử đúng mực, chan hòa với các bạn".

Giáo dục pháp luật từ học đường

Điểm sáng trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật hiện nay chính là các đoàn thể chủ động phối hợp với trường học tiến hành giáo dục kỹ năng sống cho HS; bên cạnh đó, lồng ghép nhiều chuyên đề có tác dụng phòng ngừa, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho trẻ. Các trường như: TH Phong Phú, Đinh Tiên Hoàng, THCS Hưng Bình, THCS Dương Văn Thì đã kết hợp giảng dạy văn hóa giao thông với sự sáng tạo, đổi mới phương pháp giáo dục ngoại khóa, "tích hợp" nhiều chuyên đề liên quan trực tiếp đến bảo vệ quyền lợi và sự an toàn sức khỏe, tính mạng cho HS.

Chia sẻ những kinh nghiệm trong việc giáo dục pháp luật trong trường học, bà Nguyễn Thanh Khuyên - Chủ tịch Hội LHPNVN phường Cát Lái, TP.Thủ Đức (TPHCM) - cho biết: "Chúng tôi tăng cường phối hợp với ngành chức năng và trường học tuyên truyền để HS và phụ huynh nâng cao văn hóa ứng xử, ngăn ngừa bạo lực học đường, phòng ngừa tác hại của thuốc lá điện tử. Nhờ vậy đã hạn chế đáng kể các vụ việc xảy ra trên địa bàn".

"Chung tay ngăn ngừa bạo lực ngay từ khi mới manh nha hình thành trước khi quá muộn là trách nhiệm không của riêng ai" - bà Khuyên bộc bạch thêm.

Vụ việc 1 nữ GV bị nhiều HS bạo hành mới đây tại một tỉnh biên giới phía Bắc cũng là lời nhắc nhở không thể xao nhãng công tác giáo dục pháp luật cho trẻ em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Bình luận (0)

Lên đầu trang