(CAO) Một ngày nào đó, nếu trên đường phố Sài Gòn không còn những gánh hàng rong và im lìm tiếng rao khuya, ắt hẳn, nhiều người trong chúng ta không khỏi thấy có chút hụt hẫng, nhớ nhung.
Hình ảnh người sửa giày hơn 30 năm; ông Dũng khắc chữ trên cây bút của Tổng thống Mỹ hay người đàn ông hơn 20 năm cắt tóc trên vỉa hè… dáo dác chạy trong những lần đoàn trật tự đô thị ra quân đã khiến nhiều người nặng lòng với văn hóa xưa của Sài Gòn phải chạnh lòng.
Văn hóa lâu đời nơi vỉa hè
Trên góc đường Lê Thánh Tôn – Phan Bội Châu (Q.1), ông Tạ Hữu Ngọc (70 tuổi, ngụ Q.4) - người gắn mình với công việc sửa giày đã hơn 35 năm chia sẻ, ông bắt đầu làm nghề sửa giày từ năm 1981 đến nay. Ông tự hào hơn ba thập kỉ qua, góc sửa giày của ông và anh trai là nguồn thu nhập chính giúp gia đình trang trải, nuôi các con ăn học.
Thợ sửa giày Tạ Hữu Ngọc. Ảnh: Lâm Vi
“Trả vỉa hè cho người đi bộ là đúng vì theo xu hướng đi lên của xã hội, tôi đã cố gắng tinh giản vật dụng để không lấn chiếm ra ngoài. Tuy nhiên, từ khi TP ra quân dọn dẹp vỉa hè lượng khách sửa giày ít đi, thu nhập giảm nhiều, ngày trước làm ngày nào chi tiêu ngày đó, bây giờ sống chật vật hơn rất nhiều. Du khách nước ngoài đến Việt Nam nếu không may hở đế, xức dép thì những việc làm “cỏn con” như thế này góp phần rất nhiều trong việc lưu giữ hình ảnh tốt đẹp của văn hóa người Sài Gòn”, ông Ngọc cho biết.
Ông Tạ Văn Hiến – em trai ông Tạ Hữu Ngọc cũng làm nghề sửa giày chia sẻ thêm: “Nghề sửa giày rất khó để thuê mặt bằng vì không đủ kinh phí và mặt bằng “đàng hoàng” thì quán không có khách. Vì vậy, việc dọn dẹp vỉa hè tùy theo tình trạng của mỗi khu vực nên áp dụng từng đợt chứ không thể áp dụng cho cả thành phố vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến miếng cơm manh áo hằng ngày của người lao động”.
Vốn là một người nặng lòng với hồn vía văn hóa vỉa hè Sài Gòn, ông Hiến ngậm ngùi bày tỏ: “Nếu UBND Q.1 triệt để lấy lại hành lang cho người đi bộ thì tôi sẽ về nhà nhận hàng qua mạng online để làm, mặc dù biết cách làm đó sẽ mất đi nhiều khách nhưng tôi chấp nhận vì không có tiền thuê mặt bằng”.
“Chật vật” giữ lại nét văn hóa
Có thể thấy, những người buôn bán ở vỉa hè có mức sống thấp, lao động nghèo ở các tỉnh lẻ chuyển đến. Người bán hàng rong trên vỉa hè rất nhiều, từ miền Bắc, miền Trung vào chứ không chỉ riêng người Sài Gòn, chính vì thế nên sự giao thoa văn hóa vỉa hè ở Sài Gòn vô cùng đa dạng và phong phú. Chị Nguyễn Thị Ánh Hoa (ngụ Q.1) chia sẻ: “Khi lấy lại lòng lề đường cho người đi bộ thì nhiều người không biết kiếm sống bằng nghề gì vì vốn dĩ họ là dân lao động có đời sống kinh tế thấp”.
Ông Dũng hơn 30 năm khắc chữ trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: Hoàng Yến
Dưới cái nắng chói chang của buổi trưa tháng 3, ông Lê Tiến Dũng – người thợ khắc chữ cuối cùng ở Sài Gòn bùi ngùi cho biết, vấn đề dọn dẹp vỉa hè tại TP.HCM đã có từ mấy chục năm trước chứ không phải lần này mới được triển khai. Tuy nhiên, dẹp vỉa hè mà không tính toán là dẹp luôn những gánh hàng rong của người nghèo khó. Có hàng triệu gia đình nhờ gánh hàng rong để chạy ăn từng bữa. Có triệu cha mẹ ở quê theo con lên phố nhờ gánh hàng rong mà nuôi con cái ăn học, lớn khôn.
Bên cạnh trách nhiệm mưu sinh, ông Dũng còn luôn ý thức về việc giữ gìn và nâng cao tay nghề để lan tỏa giá trị văn hóa. “Tuổi già, sức yếu nhưng tôi vẫn quyết bám trụ với nghề khắc chữ. Có những thời điểm cuộc sống khó khăn, chật vật, phải chạy ăn từng bữa nhưng tôi vẫn quyết giữ nghề. Bởi, khắc chữ là vừa là đam mê vừa là nghệ thuật mà cả đời tôi theo đuổi. Tôi luôn tâm niệm phải hết lòng với khách, để đi đâu họ cũng nhớ về nét chữ của mình, nhớ về Sài Gòn đầy bao dung”, ông Dũng chia sẻ.
Những nét bút nghệ thuật của ông Dũng. Ảnh: Hoàng Yến
Trước việc dẹp vỉa hè lấy lại lòng lề đường, ông Dũng cũng hiến kế: “TP nên trực tiếp giao vỉa hè cho người dân quản lý, xã hội hóa bằng cách thu tiền, giao trách nhiệm quản lý cho người dân, không ảnh hưởng đến lối đi của người đi bộ nhưng lại rất văn minh”.
Trong chiến dịch lập lại trật tự lòng lề đường, giành vỉa hè cho người đi bộ, bài toán khó nhất là làm sao vừa giữ được sự văn minh, an toàn đô thị vừa không mất đi những giá trị văn hóa lâu đời của Sài Gòn. Đây không chỉ là bài toán về kinh tế mà còn là bài toán về nhân văn. Một nhà nghiên cứu cho rằng, không thể xóa bỏ hoàn toàn những hoạt động kinh tế trên vỉa hè mà chỉ nên sắp xếp lại để hài hòa giữa một bên là vấn đề mưu sinh và một bên là trật tự, mỹ quan đô thị.