Oằn mình chống lũ chồng lũ
Quảng Trị là địa phương thiệt hại nặng nề nhất với 2 người tử vong và 7 người mất tích; chính quyền, ngành chức năng cũng được yêu cầu tiếp tục tìm kiếm nạn nhân. Tỉnh nghèo đang đối diện áp thấp nhiệt đới, nguy cơ lũ quét, lũ ống trên diện rộng.
Người dân tỉnh Quảng Trị khắc phục cây đổ ngã do mưa lũ, để đảm bảo giao thông.
Quảng Trị vẫn mưa rất to, liên tục. Sáng 10-10, lũ ở hầu hết các sông lên rất nhanh, nhiều nơi trên mức báo động 3, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng nghiêm trọng; đã xuất hiện đỉnh lũ vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1983 trên sông Hiếu.
Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, đặc biệt là các huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng. Ngập úng cục bộ ở vùng thấp trũng, ven sông suối, ngập úng đô thị TP.Đông Hà, TX.Quảng Trị...
Các hồ chứa đã tích đầy nước và trong tình trạng xả lũ. Nhiều vùng ở đồng bằng vẫn chìm trong biển nước. Tại các huyện miền núi, mưa lớn liên tục gây thiệt hại rất nặng nề. Hàng ngàn ngôi nhà bị ngập; đường Hồ Chí Minh, QL9, đường Xuyên Á… bị chia cắt nhiều điểm… Hơn 36.000 hộ/hơn 113.000 người bị ảnh hưởng; các địa phương đã di dời, sơ tán hơn 6.700 hộ với gần 20.000 người ra khỏi vùng nguy hiểm. C
ác huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa sạt lở rất nghiêm trọng gây chia cắt, ách tắc giao thông trên nhiều tuyến đường huyết mạch; nhiều khu vực dân cư bị cô lập.
Tại Thừa Thiên – Huế, mực nước các sông đã vượt báo động II, đạt báo động III; nhiều đường bộ, đường sắt sạt lở nghiêm trọng; nhiều xã, phường, các tuyến đường ngập sâu khiến nhiều vùng mênh mông trong biển nước.
Đường sắt tại km656 xã Phong Thu, huyện Phong Điền ngập đến thân ray, nền đá bị trôi rửa đến tà vẹt, dài hơn 10m, có đoạn ngập sâu gần 4m khiến tàu Bắc – Nam bị kẹt nhiều giờ; ngành chức năng khẩn trương khắc phục sự cố.
Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế hỗ trợ người dân có nhà bị ngập nước.
Các tuyến đường QL49A, đường Hồ Chí Minh ở huyện A Lưới sạt lở rất nặng những ngày qua đang được khắc phục để đảm bảo giao thông. Tuyến QL1A qua đèo Hải Vân bị cây đổ ngã, đất đá tràn ra mặt đường gây cản trở giao thông. Dọc bờ biển ở tỉnh bị sạt lở nghiêm trọng, biển xâm thực sâu vào bờ gây nguy hiểm đến nhà cửa, tính mạng người dân; đe dọa các công trình ở gần…
Lãnh đạo UBND các tỉnh chỉ đạo chính quyền các địa phương, các ngành chức năng; Giám đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục triển khai các phương án ứng phó mưa lũ trên diện rộng; rà soát, huy động các lực lượng tại chỗ di dời khẩn cấp các hộ dân; vận động người dân chủ động di dời, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng; tiếp tục tìm kiếm người còn mất tích; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bố trí chỗ tạm cho các hộ di dời, không để người dân thiếu đói, rét…
Công an căng mình giúp dân
Suốt 4 ngày qua, lực lượng Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng... các tỉnh miền Trung nỗ lực bám địa bàn, bám dân. Trong đó, công an được huy động tối đa để giúp dân với phương châm đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất về thiệt hại về người và tài sản.
Công an huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) cứu giúp, di dời người dân mắc kẹt trong ngôi nhà ngập sâu trong nước.
Công an huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) di dời người dân.
Công an tỉnh Quảng Trị ngày đêm dầm mình trong dòng nước lũ, ứng trực ở những vị trí xung yếu để ứng cứu, sơ tán, di dời nhân dân và tài sản đến nơi an toàn. Hàng nghìn lượt CBCS cùng các phương tiện thiết bị về các vùng thấp trũng, ngập sâu, vùng sạt lở để giúp dân, túc trực 24/24 giờ sẵn sàng nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Hàng trăm CBCS Công an huyện Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, Hướng Hóa… và Công an các xã, công an viên đã về tận các khu dân cư, vùng ngập nặng để di dời, sơ tán người dân.
Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng huy động hàng trăm CBCS về cơ sở. Công an phối hợp chính quyền địa phương tổ chức triển khai lực lượng di dời dân ở các khu dân cư thấp trũng, bị ngập nước đến nơi an toàn.
Công an túc trực 24/24 giờ tại các vị trí nước ngập sâu để điều tiết, hướng dẫn giao thông, ngăn chặn người và phương tiện qua lại những khu vực nguy hiểm; ca nô của công an liên tục chạy trên các tuyến sông để ứng cứu nhân dân, hướng dẫn tàu thuyền, ghe qua lại, vào nơi tránh trú an toàn.
Ở TP.Huế, TX.Hương Trà, Hương Thủy và các huyện trên địa bàn tỉnh, các CBCS công an các địa phương còn đến từng khu phố, nhà dân để di dời, sơ tán nhân dân và tài sản đến nơi an toàn.
Công an huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) di dời người dân:
Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế di dời, hỗ trợ khẩn cấp người dân vũng lũ:
Quảng Trị đến Quảng Ngãi có nơi đặc biệt mưa to
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ kết hợp với hoạt động của không khí lạnh, ngày và đêm 10/10, các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to với tổng lượng mưa 100-150mm, có nơi trên 300mm; Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 40-80mm, có nơi trên 100mm.
Tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế vẫn tiếp tục diễn ra và kéo dài trong những ngày tới. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất vùng núi các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Nam.
Sáng 10/10, lũ trên sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị), sông Kiến Giang (tỉnh Quảng Bình) dao động ở mức cao, sông Ngàn Sâu (tỉnh Hà Tĩnh), các sông ở Thừa Thiên-Huế như sông Bồ, sông Hương xuống dần, sông Vu Gia-Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam) lên chậm. Tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, đề phòng lũ trên các sông có khả năng lên lại.
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét, nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét đến nơi có vị trí cao hơn, sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền, đảm bảo an toàn tính mạng.