Nhà xe Thành Bười trên đường Vĩnh Viễn và Lê Hồng Phong (Quận 5 - TP.HCM) có lượng khách đi đông, do một số thành viên Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đi xe hãng này đến
Lâm Đồng dương tính Covid-19 nên hiện nhà xe này đang bị phong toả
TPHCM là đô thị lớn nhất của phía Nam và là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước thực hiện giãn cách xã hội 2 tuần từ 0h ngày 31/5/2021, trở thành sự kiện đáng lưu tâm với nhiều người; nhưng nói như Bí thư Thành uỷ TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên: "Chúng ta phải hy sinh ngắn hạn để bảo vệ lợi ích dài hạn".
Rời khỏi vùng giãn cách
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhất là tại TPHCM, từ chiều 30/5, trong khi bến xe Thành Bưởi (đường Vĩnh Viễn và Lê Hồng Phong - TPHCM) tạm thời bị phong toả (do có ca COVID-19 từng đi xe hãng này), tại các cửa ngõ thành phố, nhiều xe ô tô chở khách, xe con (xe gia đình), xe máy toả đi các ngả, đến nhiều tỉnh, thành.
Từ ngày 31/5, nhiều tỉnh, thành ra các văn bản kiểm soát chặt chẽ, khai báo y tế, phân loại cách ly với tất cả các trường hợp đến từ TPHCM và một số địa phương có dịch diễn biến phức tạp.
Lực lượng chức năng chốt trực tại một điểm cách ly ở TPHCM
Tại tỉnh Lâm Đồng, theo số liệu thực hiện công tác kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, từ 7h ngày 30/5 đến 7h ngày 31/5/2021 của Tổ công tác số 1 (Chốt kiểm soát dịch) đặt tại khu vực đèo Chuối (TT.Madaguôi, H.Đạ Huoai - Lâm Đồng), trên tuyến Quốc lộ 20 (nối TPHCM qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai - Lâm Đồng), trong vòng 24h có 8.919 lượt người đi các phương tiện ô tô, xe máy từ TPHCM và các tỉnh, thành khác vào Lâm Đồng qua đây tiến hành khai báo y tế.
Tất cả các tờ khai y tế sẽ được chuyển về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Lâm Đồng để triển khai việc sàng lọc, truy vết, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid -19. Trong đó, khoảng 1/3 trường hợp kê khai qua Website của Bộ Y tế, còn lại được các lực lượng chức năng phối hợp tại chốt lấy mẫu kê khai y tế; 7 trường hợp được đưa đi cách ly tại TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng).
UBND huyện Đạ Huoai cũng tăng cường thêm lực lượng hỗ trợ cho Tổ Công tác số 1 thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch. Bên cạnh việc kiểm tra thân nhiệt, thống kê lượng người, phương tiện qua chốt, lực lượng chức năng bố trí hơn 30 bàn tại khu vực dành cho xe ô tô gia đình, xe máy và xe vận tải hàng hóa để người dân khai báo y tế ngay tại chốt.
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường - Trạm trưởng Trạm CSGT Mađaguôi (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng), Trưởng chốt số 1 chia sẻ: “Tại chốt kiểm dịch có 105 cán bộ với đầy đủ các lực lượng liên ngành phối hợp chia thành 3 ca, túc trực làm nhiệm vụ 24/24h; mỗi ca 35 người. Khi lượng người đông, chốt xin tăng cường cán bộ để đảm bảo công tác phòng chống dịch, đảm bảo an ninh trật tự; an toàn giao thông người và phương tiện qua đây.
Do UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản cấm các loại phương tiện vận chuyển hành khách từ TPHCM về Lâm Đồng từ 0h ngày 30/5 nên không có các phương tiện xe khách, xe hợp đồng vận chuyển khách mà chỉ có các xe con 4-7 chỗ, xe tải, container qua đây. Không loại trừ một số phương tiện trá hình chở khách đi du lịch. Nhiệm vụ của chốt là buộc tất cả mọi người đi qua đều phải khai báo y tế để phục vụ công tác truy vết, truy nguyên phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Đến thời điềm này, tại đây chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với Covid-19 hay có biểu hiện ho, sốt. Còn từ 7h sáng đến tối ngày 31/5, do chốt chưa thống kê nên chưa xác định lượng người, phương tiện qua đây. Theo đánh giá của Thiếu tá Cường là "cũng không đông".
Tài xế, hành khách khai báo y tế tại chốt kiểm dịch Madaguôi
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch madaguôi
Trước đó, từ 14h ngày 30/5 đến 2h ngày 31/5, Đại tá Lê Hồng Phong - Phó giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng và Trưởng phòng CSGT Công an Lâm Đồng, Trưởng Công an H.Đạ Huoai đã có mặt tại đây, theo dõi, chỉ đạo Tổ công tác làm nhiệm vụ; đảm bảo công tác ứng phó, an toàn mọi mặt.
Từ chiều 31/5, trên một số trang facebook cá nhân của một số người ở tại TPHCM xuất hiện một số đoạn clip, hình ảnh quay, chụp cảnh lượng người đông đúc ở bến xe miền Tây đang lên các phương tiện xe khách rời TPHCM. Phóng viên báo Công an TPHCM và đồng nghiệp nhận nhiều cuộc điện thoại của khá nhiều người ở TPHCM hỏi han, chia sẻ về việc họ sẽ đến tỉnh Lâm Đồng du lịch, thuê nhà hoặc ở nhà người quen, tại các vùng ven để "trốn dịch" đang diễn biến phức tạp.
Cách ly 21 ngày với tất cả các trường hợp từ vùng giãn cách về Lâm Đồng
Chiều 31/5, UBND tỉnh Lâm Đồng ra công văn hỏa tốc về việc tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, thắt chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó kể từ 17h ngày 31/5, yêu cầu tất cả các trường hợp đi, về từ vùng dịch, vùng thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đều phải áp dụng biện pháp cách ly tập trung 21 ngày; xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ chấp hành cách ly, khai báo y tế, đi về từ vùng dịch theo quy định.
Lực lượng liên ngành làm việc xuyên đêm tại các chốt kiểm dịch
Văn bản nêu rõ: Dừng vận chuyển hành khách từ TPHCM về Lâm Đồng (kể cả xe hợp đồng trá hình hoặc xe hợp đồng ở các tỉnh khác, xe taxi mà có hành khách đi từ vùng dịch). Tạm dừng tổ chức các tiệc cưới hỏi, sinh nhật, thôi nôi, đám tang thực hiện nghiêm quy định 5K không tập trung quá 30 người tại một thời điểm; tổ chức vận động 100% người dân cài đặt phần mềm khai báo y tế (Blue zone, Vietnam health declaration...); tổ chức xét nghiệm nhanh cho 100% công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh và Công ty Nhôm Lâm Đồng; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên trong cộng đồng, cơ quan đơn vị...
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu UBND các huyện: Đạ Huoai, Cát Tiên, Bảo Lâm, Di Linh, Đơn Dương, Lạc Dương, Đam Rông trên các tuyến quốc lộ 27, 27C, 28, 28B, tỉnh lộ... tiếp tục duy trì các chốt liên ngành phòng, chống dịch Covid-19 (hoạt động từ các ngày 29, 30/5).
Đặc biệt, giao Sở Y tế Lâm Đồng khẩn trương truy vết các trường hợp F1, F2 liên quan đến bệnh nhân 6437 (thành viên Hội thánh truyền giáo Phục Hưng), trong thời gian ở TP.Đà Lạt (từ 0h ngày 22/5 đến 0h ngày 23-5) để thực hiện cách ly theo quy định, tuyệt đối không để bỏ sót; rà soát, truy vết các trường hợp đi về từ vùng dịch trong vòng 14 ngày qua để tiến hành các biện pháp cách ly, phòng chống dịch theo quy định.
Bất kể đêm hôm, những chuyến xe chở cán bộ liên ngành đi truy vết những người nghi liên quan dịch bệnh để kịp thời cách ly, phòng ngừa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng
Cả nước căng mình chống dịch
Đây là thời điểm tình hình diễn biến dịch Covid-19 phức tạp nhất, kể từ năm 2020 đến nay. Từ nhiều tháng qua, trải qua nhiều đợt dịch, từ chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ; tất cả các lực lượng tuyến đầu chống dịch gồm: Y tế, công an, quân đội, thanh tra giao thông, dân quân, cán bộ chính quyền các cấp đang phải căng mình làm nhiệm vụ bất kể ngày đêm, nắng gắt hay mưa gió; đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh được hiệu quả, đúng quy định, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Nhiều cán bộ y tế, người dân, công an, quân đội, cán bộ Đoàn... trở thành tình nguyện viên đi đến các vùng có dịch để chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp, cộng đồng. Ai cũng nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, cộng đồng cũng phản ứng, bất bình trước một số trường hợp ý thức kém, tự do di chuyển, du lịch đến nhiều địa điểm, tụ tập đông người, gây ảnh hưởng, cản trở đến công tác phòng, chống dịch bệnh đang diễn biến khó lường.
Theo khuyến cáo của cơ quan y tế: Hầu hết những người nhiễm virus Covid-19 sẽ có triệu chứng bệnh từ nhẹ đến trung bình và có thể hồi phục mà không cần nhập viện. Các triệu chứng thường gặp nhất với những trường hợp bị nhiễm Covid-19: sốt, ho khan, mệt mỏi. Các triệu chứng ít gặp hơn: đau nhức, đau họng, tiêu chảy, viêm kết mạc, đau đầu, mất vị giác hoặc khứu giác, da nổi mẩn hay ngón tay, ngón chân bị tấy đỏ hoặc tím tái. Do đó, khi phát hiện có các biểu hiện trên, người dân cần liên hệ đến các cơ quan nhà nước, cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi điện theo đường dây nóng: 19003228 và 1900 9095 của Bộ Y tế.