Thống kê của Bộ Y tế nước ta cho thấy, mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng VS, hiếm muộn (HM), tỉ lệ khoảng 7,7%, trong đó ở độ tuổi dưới 30 chiếm 50%. Đặc biệt, tỉ lệ VS thứ phát (VS sau 1 lần có thai) đang tăng từ 15 - 20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% số cặp vợ chồng VS. Tỉ lệ VS do nam giới là 40%, do nữ giới 40%, 10% do cả hai vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân. Cùng với béo phì, nghiện rượu, các thuốc gây nghiện, thắt ODT, khối u tinh hoàn... thì thuốc lá (TL) là yếu tố hàng đầu mang đến nguy cơ gây ra chứng này, đặc biệt ở nam giới.
Thói quen hút TL thường xuyên, liên tục không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, mà còn làm giảm khả năng sinh sản của người sử dụng. Trong những năm gần đây, tỉ lệ VS do nguyên nhân này ngày càng tăng.
WHO: Cứ 6 người trưởng thành có 1 người vô sinh
Tại một hội nghị chuyên đề diễn ra trong tháng 7 vừa qua, khi báo cáo tham luận về "Thực trạng sử dụng TL, tác hại của TL và mục tiêu giảm sử dụng TL tại VN", bà Nguyễn Thị Thu Hương thuộc Quỹ Phòng, chống tác hại của TL - Bộ Y tế đã nêu lên thực trạng đáng báo động. Theo đó, tại VN mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến TL.
Bà Hương cho biết, nghiên cứu của Bệnh viện (BV) K cho thấy, tỉ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút TL chiếm đến 96,8%; kèm theo đó số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở VN.
Điều đáng lo là tác hại nghiêm trọng đối với việc sử dụng TL đã được cảnh báo nhiều, nhưng trên thực tế lượng tiêu thụ mặt hàng này vẫn chưa giảm. Những năm gần đây, thêm tác hại nặng nề từ việc hút TL đang trở thành vấn đề đặc biệt được quan tâm là hút TL lâu dài, thường xuyên có khả năng gây VS cho cả hai giới.
Các BV lớn trên cả nước không ít lần tiếp nhận những ca VS nam không rõ nguyên nhân, ngay cả khi đã làm xét nghiệm tầm soát và những yếu tố liên quan đến chứng này, cho đến khi bệnh nhân thừa nhận hút gần chục điếu TL mỗi ngày và đây chính là nguồn cơn góp phần gây VS ở nam giới. Những năm trước, theo thống kê của khoa Nam học, có trên 70% nam giới VS do hút TL, trung bình từ 10 - 15 điếu/ngày. Con số ấy đến thời điểm hiện tại đã tăng lên đến mức báo động.
Theo các tài liệu y khoa, trong TL chứa hơn 7.000 loại hóa chất, trong đó có trên 200 loại có hại cho sức khỏe, bao gồm chất gây nghiện và các chất gây độc. Thuốc lá ảnh hưởng rất nhiều đến cơ thể người hút trực tiếp và người hút thụ động. Bên cạnh vấn đề tuổi thọ trung bình của người hút TL ngắn hơn so với người không hút từ 5 - 8 năm, hoặc làm tăng tỉ lệ tử vong từ 30 - 80% (chủ yếu là do các bệnh ung thư, nhất là ung thư phổi), việc hút TL còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sinh sản cho cả nam lẫn nữ, đặc biệt là nam giới.
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe đối với người lớn, trẻ em hít phải khói TL sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh hen. Thống kê của ngành Y tế cho thấy, trong gia đình có người mẹ hút TL sẽ làm tăng 72% nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ, nếu cả bố lẫn mẹ cùng hút TL sẽ làm tăng 48% nguy cơ viêm tai giữa tái phát ở trẻ.
TS. Rita Bakshi của Trung tâm sinh sản quốc tế (Ấn Độ) từng công bố, một số chất trong TL có thể ảnh hưởng đến chất lượng, khả năng sinh sản và hình dáng của tinh trùng. Cụ thể, nam giới hút TL sẽ làm giảm khả năng di chuyển của tinh trùng lên đến 13% so với người không hút; đồng thời sản sinh hàm lượng hormone bất thường gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Nguyên nhân chính: Do hút thuốc lá
Chia sẻ về vấn đề này với PV Chuyên đề Công an TPHCM, Thạc sĩ - bác sĩ (BS) Hồ Mạnh Tường - Đơn vị hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức (đã có hơn 23 năm kinh nghiệm trong điều trị HM tại VN) - cho biết: Tình trạng chất lượng tinh trùng suy giảm do nhiều nguyên nhân, thường liên quan trực tiếp đến môi trường sống, chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt của nam giới; trong đó, hút TL được xem là một trong những yếu tố chính dẫn đến VS nam. Thành phần nicotin từ khói thuốc có thể dẫn đến tình trạng liệt dương; nhẹ hơn, gây rối loạn cương dương. Quá trình thăm khám, điều trị HM, BS Tường nhận thấy tỉ lệ nam giới hút TL mắc rối loạn cương dương chiếm số lượng khá lớn, kéo theo việc giảm ham muốn tình dục do nồng độ hormone testosterone suy giảm từ việc hút TL. Ngoài ra, những ảnh hưởng của TL đối với phụ nữ, đặc biệt là thai phụ, cũng cực kỳ nghiêm trọng. Nếu phụ nữ đã hút TL trong nhiều năm hoặc nghiện thuốc nặng thì nguy cơ mắc phải các vấn đề về sinh sản sẽ tăng gấp đôi.
Thạc sĩ - Bác sĩ Hồ Mạnh Tường
Theo đó, tác hại của TL tới hệ sinh sản của nữ là gây tổn thương trực tiếp, thậm chí phá hủy noãn bào của buồng trứng, dẫn đến có thể gây VS. Bên cạnh đó, tần suất có thai ngoài tử cung, tỉ lệ thai nhi dị dạng ở những người hút thuốc cao gấp 2,2 - 4 lần so với người không hút. Việc sử dụng TL có khả năng gây sẩy thai tự phát, cao gấp 1,5 - 3,2 lần so với những người không hút, đe dọa tính mạng của thai phụ và thai nhi...
Thêm một điểm đáng chú ý, việc sử dụng TL cũng có thể dẫn đến sinh non. Trẻ em sinh ra từ những bà mẹ hút TL hoặc sống chung với người hút thuốc thường có trọng lượng thấp hơn khi sinh. Không những thế, các phụ nữ tiếp xúc với khói thuốc (chủ động hay thụ động) trong thời kỳ mang thai cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của buồng trứng bé gái sau này.
Hút thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn đến vô sinh ở cả hai giới
Trước thực trạng tỉ lệ VS ngày càng cao đã dẫn đến mức sinh hiện rất đáng lo ngại, chia sẻ tại Lễ phát động Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng mức sinh thấp diễn ra vào giữa tháng 7/2023, ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, trăn trở, mức sinh của TPHCM hiện ở mức rất thấp. Năm 2022, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là 1,39 con/người. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy, tạo ra những bất lợi do sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu dân số (DS), tốc độ già hóa DS sẽ diễn ra rất nhanh và đây cũng là nguyên nhân làm suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, làm ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng, cả nước nói chung.
Cũng trong chiến dịch này, BS chuyên khoa II Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho rằng, trong bối cảnh mức sinh thấp và đang giảm ở mức cảnh báo, ngành DS cần xem xét, điều chỉnh lại các hoạt động thích ứng với hiện tại, nỗ lực giải quyết tình trạng này. Bên cạnh các yếu tố bệnh lý, những thói quen xấu cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe sinh sản, trong đó việc hút TL thường xuyên là một trong những nguyên nhân chính cần được giải quyết triệt để nhằm giảm thiểu các trường hợp VS trong cộng đồng.
(Còn tiếp...)