Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5): “Chúng ta cần lương thực, không cần thuốc lá”

Thứ Năm, 25/05/2023 11:03

|

(CAO) Năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn thông điệp “Chúng ta cần lương thực, không cần thuốc lá” làm chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5).

Thông điệp này nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng.

Ngoài ra, WHO cũng khuyến khích người nông dân chuyển đổi, thay thế cây thuốc lá bằng cây trồng phù hợp; kêu gọi người dân nên hút bỏ thuốc lá để dành chi phí cho thực phẩm. Bởi lẽ, việc trồng, sản xuất và sử dụng thuốc lá có liên quan đến tình trạng mất an ninh lương thực và đói nghèo.

Trong khói thuốc lá có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh về tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ. Theo ước tính, cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người sẽ chết sớm, trong đó 1/2 số ca tử vong xảy ra ở tuổi trung niên.

Vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, việc sử dụng thuốc lá dẫn đến các bệnh mạn tính, phải điều trị tốn kém và tử vong sớm, không chỉ gây gánh nặng tài chính cho gia đình bệnh nhân mà còn gây tổn thất về kinh tế cho toàn xã hội.

Học sinh nhập viện cấp cứu vì sử dụng thuốc lá điện tử (ảnh minh họa)

Theo thống kê, mỗi năm, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra là 1.400 tỷ USD.

Nhằm hưởng ứng Ngày Thế giới nói không với thuốc lá; phòng chống tác hại thuốc lá; chúng ta cần phối hợp tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc hút thuốc, xây dựng môi trường không khói thuốc, tổ chức công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá, kiểm tra giám sát thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá...

Các cấp, ngành, địa phương trên cả nước cần quan tâm triển khai các quy định và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại các nơi công cộng; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tác hại thuốc lá.

Quyết liệt và kịp thời ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa…) đang “tấn công” giới trẻ.

Thành lập và tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành hoặc lồng ghép việc kiểm tra thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá vào chương trình, kế hoạch kiểm tra của các cơ quan, tổ chức; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng trái phép thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha…

Bình luận (0)

Lên đầu trang