Hằng ngày những thành viên trong hội quán “Đội xe ôm chở khách nước ngoài” đi du lịch “bụi” ở Việt Nam tại số 70, đường Phan Đình Phùng, phường 2, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vẫn đều đặn đón chở khách. Đối với họ công việc này không chỉ mang lại kinh tế cho gia đình mà ở đó họ kiếm được niềm vui, sự kỳ thú trên những chuyến hành trình chở Tây xuyên Việt.
Một buổi sáng ấm áp bên tách cà phê phố núi tại hội quán cùng trò chuyện với ông Nguyễn Nguyên (SN 1954, ngụ 68A Phan Đình Phùng), là một trong những lái xe ôm đầu tiên chở khách Tây tại Đà Lạt đi du lịch bụi ở Việt Nam, mới biết được sự kỳ thú của mỗi hành trình.
Ông Nguyễn Nguyên bên cạnh cuốn sổ nhật ký
Chuyến đi mang tính lịch sử
Nhắc đến công việc lái xe ôm chở khách Tây, ông Nguyễn Nguyên không bao giờ quên và vẫn thường kể cho những người mới vào nghề về những chuyến đi mang tính lịch sử của bản thân ông.
Học hết lớp 12, ông Nguyễn Nguyên đi lính, sau ngày giải phóng, ông xin làm bên lâm nghiệp từ trồng rừng đến lái xe, rồi chuyển sang thợ cưa... Đến những năm 1975 - 1990, ông nhận thấy công việc cực nhọc mà kinh tế chẳng được bao nhiêu nên chuyển sang nghề lái xe ôm.
Ông Nguyên cho biết: "Hồi đó tôi làm đủ công việc nặng nhẹ khác nhau nhưng không đủ sống, không có tiền để nuôi hai người con ăn học. Nhận thấy ở Đà Lạt có thể phát triển nghề xe ôm nên tôi đã mua chiếc xe SimSon của Đức với số tiền gần 5 chỉ vàng lúc bấy giờ. Lái xe ôm được một thời gian tôi quyết định tham gia câu lạc bộ xe ôm chuyên chở khách Tây đi du lịch”.
Câu lạc bộ xe ôm chuyên chở khách Tây đi du lịch tại Đà Lạt
Do công việc đòi hỏi phải biết tiếng Anh, am hiểu lịch sử... nên ông Nguyễn Nguyên đã tự học tiếng anh bằng cách học từ thầy Toản (thầy dạy học tiếng Anh tại Đà Lạt), đọc sách báo để tìm hiểu về lịch sử Việt Nam. Hơn một năm miệt mài, ông Nguyên đã nói tiếng Anh lưu loát, nắm bắt hầu hết kiến thức về lịch sử.
Vị khách đầu tiên trong hành trình chở khách xuyên Việt của ông Nguyên là bà Marie Hube, một nữ bác sĩ người Đức.
“Năm 1993, tôi tình cờ gặp bà Marie Hube trong một lần bà lên Đà Lạt chơi. Chuyến đi đầu tiên là vòng quanh khắp các vùng đất của Đà Lạt. Kết thúc cuộc hành trình, bà trả tôi 5 đô la, tương đương 50.000 đồng lúa bấy giờ. Thấy được tôi nhiệt tình, am hiểu nhiều về lịch sử cũng như giao tiếp tiếng Anh tốt, bà Marie Hube đề nghị tôi chở bà đi một chuyến Hà Nội bằng mô tô”, ông Nguyễn Nguyên nhớ lại.
Ông Nguyễn Nguyên bên hình lưu niệm chụp cùng khách Tây
Sau một đêm suy nghĩ và tìm hiểu hành trình, ông Nguyên quyết định nhận lời. Hai người bắt đầu chuyến hành trình “đi bụi” từ Đà Lạt ra Hà Nội và kéo dài 25 ngày.
Trong chuyến hành trình này, điều thú vị là điểm dừng chân của họ không phải là các khu du lịch với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, hay thành phố sầm uất với đầy đủ dịch vụ thiết yếu mà là những vùng nông thôn hẻo lánh, nơi ít người, đời sống còn thiếu thốn đủ đường, thiên nhiên còn hoang dại.
“Chúng tôi đi qua mọi cung đường hiểm trở băng qua đồi cao, dốc thẳm phía Tây Tổ quốc. Tôi và bà Marie Hube cùng ăn, ở, ngủ tại nhà dân để cảm nhận được hết nét hoang chất của những con người nơi đây. Sau chuyến đi, không chỉ riêng bà Marie Hube mà ngay chính tôi cũng đã có được một trải nghiệm đặc biệt thú vị, mới lạ”, ông Nguyễn Nguyên cho biết thêm.
Bao nhiêu chặng đường, bấy nhiêu kỷ niệm là ăm ắp những cung bậc cảm xúc. Mỗi tên đất, tên miền đã để lại trong họ và du khách những dấu ấn không thể nào quên.
Những cuốn sổ cầm tay
Trong hành trình chở khách Tây đi xuyên Việt không chỉ riêng ông Nguyễn Nguyên mà hầu như tất cả thành viên xe ôm khác điều mang trong mình những hành trang cần thiết cho chuyến đi. Ngoài trang bị những đồ dùng cá nhân, phải mang thêm thuốc men. Điều đặc biệt tất cả những bác tài xế xe ôm đều có kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản. Thứ không thể thiếu đó là cuốn sổ cầm tay ghi lại những cảm nhận của khách Tây qua mỗi chuyến đi.
Hành trình của ông Nguyễn Nguyên cùng vị khách Tây
Ông Nguyễn Nguyên chia sẻ: “Hiện nay tôi đang lưu giữ hàng chục cuốn sổ nhật ký ghi lại những suy nghĩ, cảm nhận của du khách Tây về đất nước, con người việt năm và đánh giá của họ về tôi trên mỗi hành trình".
Nhẹ nhàng lật từng trang của cuốn sổ nhật ký đã nhuộm bạc vì thời gian nhưng những nét chữ vẫn còn rõ, ông Nguyên cho biết: “Trong chuyến đi Hội An vào năm 2010, bà Eva BaLeer ghi lại trong sổ nhật ký, bà chia sẻ 'đất nước của các bạn rất tuyệt, con người rất thân thiện. Tôi rất thích và mong muốn được sống tại Việt Nam khi về già'. Con anh Ryan (quốc tịch Mỹ) thì ghi 'tôi yêu đất nước Việt Nam của các bạn, nó rất bình yên và đẹp tuyệt vời. Tôi cảm ơn Nguyễn Nguyên vì đã đồng hành cùng tôi, nhưng điều tôi muốn nói với ông ấy là chiếc xe Sim Son của ổng khiến cho tôi ê mông”.
Đối với ông Nguyễn Nguyên và các anh em trong đội xe ôm chở Tây, ngoài những dòng tâm sự nhận xét về bản thân mình, sự đánh giá về quê hương đất nước và con người Việt Nam là những lời gửi gắm hứa hẹn của khách Tây sẽ trở lại và tiếp tục cuộc hành trình những lần kế tiếp. Điều đặc biệt, khánh hàng của họ sẽ giới thiệu họ đến bạn bè khắp năm châu, mỗi khi có người cần đến để khám phá đất nước Việt Nam.
Đội xe ôm chở khách Tây
Tại Đà Lạt, xe ôm chở khách Tây mới đầu hoạt động rất lẻ tẻ, khách Tây tìm đến rất ít. Có thể nói bước ngoặt của đội xe ôm chở khách Tây ở Đà Lạt phải mãi tới năm 1999 mới diễn ra, khi cả nhóm quyết định thành lập một website bằng tiếng Anh. Khách quốc tế mới biết về đội xe ôm Đà Lạt nhiều hơn. Khi có website, công việc của cả đội hoạt động sôi nổi hẳn, lượng khách liên hệ đi du lịch bằng xe ôm khi đến Đà Lạt du lịch tăng vọt. Có rất nhiều du khách đã liên hệ trước khi tới Việt Nam cả tháng để đội sắp xếp người chở và lên tour phù hợp.
Hiện nay, rất nhiều khách nước ngoài (Mỹ, Canada, Úc…) đến Việt Nam đi du lịch. Đà Lạt chính là vùng đất mà nhiều khách Tây lựa chọn đầu tiên khi đến nước ta. Và đây là khởi đầu của việc khách Tây tìm đến “Đội xe ôm chở khách nước ngoài” đi du lịch “bụi” ở Việt Nam.