Nghĩ về anh – nỗi đau chưa bao giờ nguôi ngoai

Chủ Nhật, 29/11/2015 05:56  | Mai Hà

|

(CAO) Trong căn nhà nhỏ yên tĩnh được dựng xây bằng nghĩa đồng chí, tình đồng đội, những ngày này chị Tòng Thị Khoong, vợ Anh hùng liệt sĩ (AHLS) Lù Công Thắng cùng con trai đang sống những ngày yên bình. Mọi sự bù đắp đều không thể so sánh được với sự mất mát của người vợ mất chồng, người con mất cha…

Nhưng giờ đây, được khoác trên người máu xanh áo lính biên phòng, chị càng hiểu hơn sự hy sinh anh dũng của anh.

Nhiều năm trôi qua nhưng hình ảnh chị Tòng Thị Khoong cùng con trai duy nhất của AHLS Lù Công Thắng vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Vẫn khuôn mặt tròn trĩnh, đôi mắt như biết nói và nước da trắng ngần. Duy chỉ có sự từng trải và bản lĩnh hơn. Cùng lúc phải làm hai thiên chức cả cha và mẹ khiến chị mạnh mẽ hơn. Nỗi đau biến thành nghị lực sống, chị Khoong chia sẻ: “Năm 2011, tôi được Bộ đội biên phòng (BĐBP) Sơn La bố trí làm y tá điều dưỡng ở Bệnh xá Biên phòng Sơn La. Căn nhà ở bản Nà Ngùa, P.Chiềng An, TP Sơn La, Sơn La - được xây dựng khang trang bằng quỹ của Cục Phòng chống tội phạm ma túy BĐBP, anh em đồng đội của đơn vị và một số nhà hảo tâm, được hai mẹ con dọn về ở hơn 1 năm”.

Chị Khoong mở đầu câu chuyện: Ở cùng trong làng nhưng phải đến năm thứ tư của Đại học biên phòng, trong dịp về nghỉ hè, chị Khoong và anh Thắng mới biết nhau. Hôm đó, chị Khoong cùng bạn xuống bản bán mướp đắng. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, chàng lính biên phòng lúc đó 27 tuổi đã có cảm mến cô gái Thái nhỏ nhắn, xinh xắn. Tối hôm đó, anh đã xuống nhà gặp bố chị rồi nói rằng “Cháu muốn được tìm hiểu em Khoong!”.

Hai mẹ con chị Khoong

Lúc đó, bố chị chỉ nói rằng: “Em Khoong còn nhỏ, muốn tìm hiểu thì cứ đến thôi” (chị Khoong tròn 18 tuổi). Bẵng đi một thời gian, Tết nguyên đán năm đó, họ gặp lại nhau. Năm 2003, anh chị nên duyên vợ chồng. Vẫn biết làm vợ lính, đặc biệt là lính biên phòng vất vả… nhưng tình yêu khiến chị quên hết âu lo.

Năm 2004, cậu con trai Lù Trọng Hiếu chào đời trong niềm vui mừng của hai vợ chồng trẻ. Nhưng phải đến khi con trai được 5 tháng tuổi, anh Thắng mới biết mặt con. Nói đến đây, chị Khoong nghẹn ngào, trong suốt 5 tháng ấy, cháu Hiếu đêm nào cũng quấy khóc… dỗ dành thế nào cũng chẳng được. Khi có bố về thăm, tự nhiên cháu hết khóc đêm. “Chửa là cửa mả” những lúc vác bụng rồi sinh con một mình, chị cũng cảm thấy tủi thân, nhớ chồng. Bao nhiêu tình cảm, đều dồn vào những lá thư… Thời gian đó, chị Khoong ở nhà chồng rồi lại về nhà bố đẻ sinh sống. Thương vợ đi lại vất vả. Năm 2005, trong một lần về phép, anh chặt che ngâm, năm 2006 dựng được căn nhà cho hai mẹ con.

Năm năm đã trôi qua kể từ ngày định mệnh ấy, ngày 31-7-2010, nhưng những ký ức vẫn không xóa mờ trong tâm trí người vợ liệt sỹ anh hùng. Chị bảo, hôm đó chị có một cảm giác không an lòng. Đang ngồi xem ti vi, chị nói với người cháu ruột cùng bóc lạc, chị linh cảm nhà sẽ có khách… Khoảng nửa giờ sau đó, chị nhận được điện thoại của chị chồng bảo rằng “Thắng bị bắn chết rồi…”. Nghe tin ấy, chị bàng hoàng chẳng tin vào tai mình, chị nói như gào lên: Nhầm rồi, Thắng nào chứ không phải là Thắng nhà em đâu… Rồi chị lao qua cánh đồng, chạy lên nhà chị gái. Và rồi không nhớ mình đã làm gì, cho đến khi có mặt tại trụ sở ở đơn vị anh. Khi ngồi bên xác của chồng, lòng chị như hóa đá, chị chẳng thể khóc được nữa. Nhìn những viên đạn chằng chịu trên thi thể chồng, chị cứ lặng người đi lúc nào không hay!...

Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu niềm chất chứa, chị cất gọn trong lòng dồn mọi tình yêu thương cho con trai, giọt máu duy nhất còn lại của AHLS Lù Công Thắng trên cuộc đời. Chia sẻ với tôi về một kỷ niệm ấn tượng nhất, chị nói đó là việc đặt tên cho con, mà tên cũng đặt qua thư. Anh bảo rằng, anh sẽ lấy họ Lù, còn đệm thì do chị chọn nhưng muốn lấy tên con là Lù Khoong Hiếu. Nhưng chị lại muốn đặt tên con là Lù Trọng Hiếu.

Kể đến đây, đôi mắt chị Khoong như có lửa, chị bảo: Vợ chồng xa nhau đằng đằng lên có khi về cũng cảm thấy ngại ngùng, e thẹn… Anh ở trong nhà thì chị ở bên ngoài. Từ khi có cháu Hiếu, mỗi chuyến công tác tranh thủ về thăm nhà là hai cha, con quấn quýt với nhau như hình với bóng. Đôi lúc, chị Khoong chạnh lòng… Chị bảo, bao năm nên nghĩa vợ chồng nhưng chưa một lần anh to tiếng với chị. Nếu có giận thì chị cũng chỉ im lặng. Những lúc ấy, anh thường hóm hỉnh trêu chị rằng, nếu giận thì anh đi công tác, rồi lại cười xòa. Nụ cười của anh khiến bao nhung nhớ vơi đi.

Những ngày ấy, niềm tin và tình yêu với người chồng khiến chị có nghị lực để vượt lên tất cả. Bây giờ cuộc sống tuy đã vơi bớt phần khó khăn. Cũng không ít người cho rằng, sau sự hy sinh của anh, chị được bù đắp quá nhiều. Khi nghe chuyện ấy, chị buồn lắm: Chị thà đổi tất cả để lại được như xưa, được có anh ở bên cạnh, được cả nhà xum vầy thì hạnh phúc biết bao…

Rời mái trường biên phòng, AHLS Lù Công Thắng được phân công về Đồn Pa Khôm, đây là địa bàn phức tạp về tội phạm ma túy. Ở nơi đây, có hơn 20,5km đường biên giới, lợi dụng địa hình hiểm trở các đối tượng vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ nước ngoài vào Việt Nam. Với sự mưu trí, dũng cảm, AHLS Lù Công Thắng cùng đồng đội triệt phá thành công nhiều vụ án ma túy, bắt giữ hàng chục đối tượng nguy hiểm, thu trên 80 bánh heroin, 6,5 kg thuốc phiện, hàng ngàn viên ma túy tổng hợp và hàng loạt vũ khí nóng. Trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với những kẻ reo rắc cái chết trắng, không ít lần Liệt sỹ Thắng và đồng đội phải đối mặt với hiểm nguy thậm chí cả sự mua chuộc và dụ dỗ… Nhưng chưa bao giờ người trinh sát ấy nản lòng.

Ngày 31-7-2010, Liệt sỹ Lù Công Thắng được giao nhiệm vụ bóc gỡ đường dây mua bán ma túy lớn. Nhiệm vụ lần này của anh là chỉ đạo và cùng đồng đội mật phục tại khu vực biên giới Mốc thuộc địa phận bản Đin Chí, xã Chiềng Tương, H.Yên Châu, tỉnh Sơn La. Đúng như phán đoán, một toán gồm 3 đối tượng nghi vấn xuất hiện ở địa bàn… Sau khi báo cáo lãnh đạo đơn vị, anh Thắng cùng đồng đội bất ngờ ập vào khống chế, bắt giữ 1 đối tượng, cùng tang vật là 6 bánh heroin, 1 khẩu súng k59 cùng 6 viên đạn... Hai đối tượng còn lại bỏ chạy. AHLS Lù Công Thắng cùn tổ công tác tiếp tục truy đuổi hai đối tượng đến khu vực sát biên giới Việt-Lào thì tên phía sau bất ngờ xả súng... Trong tình huống đó, AHLS Lù Công Thắng đã lao mình về phía đối tượng, gạt nòng súng sang hướng khác tránh thương vong cho đồng đội.

Ghi nhận công lao đóng góp to lớn của anh Lù Công Thắng đối với quân đội, lực lượng BĐBP và sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, ngày 9-11-2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định số 1902 truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho AHLS Lù Công Thắng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang