Hành trình 40 năm chiếc khăn dù kỷ vật: Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

Chủ Nhật, 19/07/2015 22:20  | Nguyễn Giang

|

(CAO) Một chiếc khăn dù của người cận vụ đã hy sinh được Trung tướng Lư Giang cất giữ và mang theo mình trong khắp các chiến trường khói lửa với nguyện ước đau đáu là trao được kỷ vật đó đến tay gia đình của liệt sĩ năm xưa. Đã hơn 40 năm trôi qua, giờ đây, tâm nguyện đó của ông mới thành hiện thực.

Câu chuyện về hành trình của chiếc khăn dù được bà Hàn Thị Trang, vợ của Tư lệnh Lư Giang kể lại với Thượng tá Trần Thanh Hằng, cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN đã mười mấy năm. Những ký ức ùa về bắt đầu từ gương mặt sáng sủa, trắng trẻo, đẹp trai của chàng thanh niên tên Thành, quê ở Hà Bắc được giao làm cần vụ cho ông Lư Giang, khi ấy đang là chỉ huy Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 đóng tại Bình Định. Thành nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, khéo léo, chu đáo, lại là đồng hương Hà Bắc nên được ông Lư Giang rất yêu quý. Thành luôn sát cánh và lo toan mọi việc, từ bữa ăn, thuốc men, đến liên lạc, hậu cần… cho vị chỉ huy của mình. Dù trước đó và sau này, ông Lư Giang có rất nhiều cận vệ, nhưng Thành vẫn là người ông yêu quý, thương mến nhất.

Thời đó, mỗi khi bắn được giặc lái, thu được chiếc dù làm chiến lợi phẩm, cả đơn vị lại chia nhau mỗi người một mảnh để làm khăn, chăn, võng và những công dụng đa năng khác. Anh Thành cũng được chia một mảnh khăn dù và trong hoàn cảnh thiếu thốn ấy, anh coi chiếc khăn dù như một tài sản vô giá.

Năm 1968, chiến sự ở Bình Định vô cùng ác liệt. Địch xiết chặt vòng vây, bom đạn rải thảm dày đặc. Thực phẩm, thuốc men trở thành vấn đề khó khăn nhất mà Sư đoàn 3 phải đối mặt hàng ngày. Việc đi lấy gạo tiếp tế cho quân đội trở thành nhiệm vụ khó khăn nhất của các chiến sĩ, bởi mỗi lần tiễn một đồng chí lên đường đi lấy lương thực là một lần gạt nước mắt cho người nằm xuống mãi mãi ra đi không về. Và rồi một ngày đến lượt Thành, cận vệ của Tư lệnh. Anh cũng không tránh khỏi số phận chung với các đồng đội của mình, cũng phải đổi tính mạng để lấy gạo về cho anh em, đồng chí.

Trong số các vật dụng ít ỏi thuộc về anh Thành, ông Lư Giang giữ lại một chiếc khăn dù màu xanh lá. Ông gói ghém cẩn thận, viết tên Thành vào chiếc khăn ấy và mang theo mình trong suốt cuộc đời quân ngũ, dù hành trình của ông bôn ba từ chiến trường Bình Định ra đến Bộ Tư lệnh Thủ đô. Vị tướng tài ba cũng từng kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao trong quân đội và những trọng trách quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao phó, nhưng lúc nào cũng canh cánh bên lòng muốn tìm về quê hương của người lính ấy để trao tặng cho gia đình. Thế nhưng, chiến tranh quá khốc liệt, công việc bộn bề, lại không có được địa chỉ cụ thể của anh Thành cận vụ ở quê nhà, nên ông cũng chỉ biết giữ lại chiếc khăn ấy…

Sau này, khi đã về hưu, có đôi khi ông Lư Giang vẫn trầm tư nhớ về người cận vệ yêu quý của mình và trong những buổi sum họp gia đình, Thành và chiếc khăn dù vẫn trở đi trở lại trong những câu chuyện của ông. Ông vẫn chia sẻ với vợ, con về Thành, về những kỉ niệm trong chiến trường, lúc no, lúc đói cũng như khi ốm đau. Chị Lê, con gái của ông kể lại câu chuyện qua những lời xúc động của bố: nhiều khi đói quá, hai thầy trò rủ nhau ra khỏi hầm trú ẩn, đi hái rau, kiếm thêm cái ăn để tăng cường sức khỏe. Trong mưa bom bão đạn, khi vị chỉ huy của mình tránh dưới hầm, anh Thành cũng là người đứng ở cửa hầm để cản bom rơi đạn lạc, đất đá rơi vào người của Tướng Lư Giang. Chiếc khăn dù cũng trở thành chiếc chăn ủ ấm cho vị tư lệnh mỗi khi ông gặp cảnh trái gió, trở trời. Những câu chuyện xúc động ấy, ông Lư Giang không bao giờ quên được.

Tuổi cao, sức yếu, biết mình không còn sống được bao lâu, ông Lư Giang quyết định trao lại chiếc khăn kỷ vật cho vợ mình, bà Hàn Thị Trang với lời nhắn nhủ: “Hãy tìm gia đình của Thành để trao lại cho họ”. Năm 1994, ông đã ra đi mãi mãi. Năm 2003, bà Hàn Thị Trang tìm đến Bảo tàng Lịch sử Quân sự chia sẻ về di nguyện của chồng mình.

Hành trình trở về của kỷ vật thiêng liêng

Trao đổi với chúng tôi, đại tá Nguyễn Xuân Năng và Thượng tá Trần Thanh Hằng vẫn rưng rưng xúc động và mong muốn ngành Ngân hàng đồng hành trong quá trình đi tìm gia đình đồng chí Thành.

Căn cứ theo những thông tin ít ỏi có được từ Tư lệnh Lư Giang: Liệt sĩ Thành, quê ở An Thịnh, Gia Lương, Hà Bắc, thuộc sư đoàn 3, Quân khu 5, chiến đấu và hy sinh trong giai đoạn 1967 - 1970, nhóm tìm kiếm chúng tôi đã gõ cửa Cục Chính sách. Từ danh sách những chiến sĩ tên Thành, từng chiến đấu tại Sư đoàn 3, Quân khu 5, quê ở Hà Bắc, đoàn tìm kiếm loại trừ dần những cái tên không trùng khớp về đơn vị chiến đấu, thời gian và địa điểm hy sinh, cộng thêm tư liệu và giấy báo tử từ Sở Lao động - Thương binh – Xã hội tỉnh Bắc Ninh, danh sách còn lại 02 liệt sĩ Nguyễn Văn Thành, một người có quê ở xã Yên Thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh và một người quê ở xã An Thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, cùng chiến đấu và cùng hy sinh tại một địa điểm với cùng một lý do. Tuy nhiên, theo các cán bộ cũng như người dân ở đây, chưa từng có địa danh nào là Yên Thịnh, mà chỉ có An Thịnh. Còn huyện Gia Lương giờ đây được tách ra thành 02 huyện Gia Bình và Lương Tài. Trên cơ sở đó, nhóm tìm kiếm đã đi đến kết luận: 02 hồ sơ này đều là của một người là liệt sĩ Nguyễn Văn Thành.

Tuy nhiên, tên của cả hai liệt sĩ Nguyễn Văn Thành này lại không hề có trong hồ sơ lưu lại của cả Ban Chính sách của Sư đoàn 3 cũng như danh sách liệt sỹ của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Ninh. Công cuộc tìm kiếm tưởng như đang đi vào bế tắc thì Ngân hàng Công thương tỉnh Bắc Ninh cùng Sở Lao động- Thương binh- Xã hội tỉnh Bắc Ninh vào cuộc hỗ trợ. Chúng tôi về đến UBND xã An Thịnh, may mắn lại gặp được cháu ruột liệt sĩ Nguyễn Văn Thành và được đưa đến ngôi nhà của ông. Trên bàn thờ, bức ảnh truyền thần của liệt sĩ được bày rất trang trọng. Ở đây, câu chuyện về người lính trẻ năm xưa được kể lại qua lời bà Thảo, chị dâu liệt sỹ và bà Cao Thị Bé, vợ liệt sỹ Nguyễn Văn Thành: “Ông Thành là người khéo tay, đảm đang, việc nhà đều chu tất, từ công to việc lớn cho đến những việc nhà nông như sàng gạo, bó rau, cấy lúa”.

Chiếc khăn dù kỷ vật

Bà Bé hồi tưởng: Tháng 10 năm 1967, anh nhập ngũ. Ba tháng sau, trước khi vào chiến trường miền Nam, anh được về nhà ăn tết. Khi trở lại đơn vị, anh dặn dò gia đình: “Cả nhà yên tâm, con đi chiến đấu, khi nào đất nước hết giặc, con sẽ về. Các cháu ngoan, học giỏi, chú về sẽ có nhiều quà cho các cháu”. Riêng với người vợ mới cưới, anh Thành trao gửi: “Em ở nhà chăm sóc mẹ thay anh, chiến thắng anh sẽ về, khi ấy dù em có già, có xấu thế nào, anh vẫn yêu em…”. Thế là anh đi, không ngày trở lại”.

Vẫn chưa dám khẳng định anh Thành của gia đình bà Bé có phải anh cần vụ của ông Lư Giang hay không, chúng tôi mang theo bức ảnh của liệt sĩ tìm tới bà Hàn Thị Trang, vợ ông Lư Giang. Vừa nhìn thấy tấm hình, bà Trang ôm chầm vào ngực: “Thành ơi, đúng là Thành đây rồi! Con ơi, con hy sinh rồi, tao thương mày quá Thành ơi!”. Bà Trang khẳng định: Đây đúng là Thành cần vụ của ông Lư Giang, bởi bà không bao giờ có thể quên những ngày tháng ngắn ngủi khi vào thăm chồng trong vùng chiến sự, ông Lư Giang quá bận bịu, Thành là người đưa bà về lán để ở. Bà bảo: “Thành tốt bụng vô cùng. Cậu ấy nhỏ nhắn, rất trẻ, đẹp trai, quê ở Bắc Ninh, khéo tay, nhanh nhẹn, được anh Lư Giang quý như con. Thành kể cho tôi nghe chuyện những lúc thiếu đói dài ngày, thày trò cùng nhau đi hái rau tàu bay, đào môn thục, củ chuối rừng thêm vào bữa ăn”. Thời gian thăm chồng không được lâu, trước khi bà về, cận vụ Thành đứng sẵn ở gốc cây chờ, tay xách hai gói nhỏ bọc ni lon và nói:“ Sư đoàn nghèo lắm, chỉ có vài lạng đường và ít gạo rang tặng chị. Chúc chị và các cháu mạnh khỏe, chị đi đường an toàn”.

Bà Hàn Thị Trang nhận ra Liệt sỹ Nguyễn Văn Thành qua ảnh

Bà Trang đề nghị chúng tôi in cho bà một bức ảnh nhỏ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thành để bà lồng vào bức ảnh của ông Lư Giang trên bàn thờ cho tiện việc hương khói. Bà bảo, sức khỏe bây giờ tuy rất yếu, nhưng muốn đi taxi tìm về tận nhà của anh Thành để gặp thân nhân anh Thành và muốn trích một phần lương hưu để gửi gia đình lo cúng giỗ cho anh.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bìnhtrao lại cho thân nhân gia đình liệt sỹ Nguyễn Văn Thành tấm chăn kỷ vật.

Ngày 18/7/2015, trong đêm truyền hình trực tiếp an sinh xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình thay mặt cho ngành Ngân hàng và Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã trao lại cho thân nhân gia đình liệt sỹ Nguyễn Văn Thành tấm chăn kỷ vật thiêng liêng ấy.

Bình luận (0)

Lên đầu trang