Bị ngăn chặn tài sản vì nợ tiền chu cấp nuôi con?
Báo Công an TPHCM nhận được đơn của ông Huỳnh Trung Ân (SN 1967, trú H.Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) bức xúc trình bày về việc TAND H.Đức Trọng ra Quyết định số 1/2021-BPKCTT, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) phong tỏa tài sản không đảm bảo pháp luật, gây hậu quả nghiệm trọng cho ông. Bị gây áp lực, xúc phạm vì không chuyển nhượng được tài sản theo cam kết, phải lâm nợ vì bồi thường, ông Ân đã 5 lần có đơn khiếu nại đến TAND hai cấp. Qua làm việc với các ngành chức năng liên quan, chúng tôi nhận thấy, việc giải quyết khiếu nại, không thừa nhận sai phạm của thẩm phán là chưa thoả đáng với người dân trên tinh thần cải cách tư pháp mà Quốc hội đã đề ra.
Theo các tài liệu, hồ sơ liên quan, vụ việc như sau: ông Huỳnh Trung Ân (SN 1967) kết hôn với bà Nguyễn Thị Diệu (SN 1979), có 2 con chung là Huỳnh Thị Tố N. (SN 2000) và Huỳnh Trung Ng. (SN 2003). Ngày 5-6-2017, họ ly hôn, khi N. 17 tuổi, Ng. 14 tuổi. Cả hai thoả thuận, bà Diệu nuôi 2 con; ông Ân cấp dưỡng theo Luật hôn nhân và gia đình. Ngày 1-8-2017, cả hai đến phòng công chứng, tự thỏa thuận phân chia tài sản. Cả bà Diệu, ông Ân đã nhận phần tài sản của mình trong số tài sản chung.
Hồ sơ liên quan vụ án
Ngoài ra, ông Ân có nghĩa vụ thanh toán cho con trai là Huỳnh Trung Ng. số tiền 3 tỷ đồng, trong vòng 15 năm, mỗi năm chuyển 200 triệu đồng vào tài khoản của bà Diệu để bà Diệu nhận thay cho con trai. Cũng trong ngày 1-8-2017, giữa bà bà Diệu và ông Ân ký 1 giấy mượn tiền. Nội dung ông Ân cho bà Diệu vay 3,5 tỷ đồng, thời hạn 12 tháng. Theo ông Ân trình bày, là do bà Diệu nói ông thanh toán luôn 3 tỷ cho cháu Ng. để bà gửi ngân hàng lấy tiền lãi nuôi con. 500 triệu bà Diệu vay thêm ông Ân. Vì không muốn liên quan đến nhau nữa, ông Ân nhận đặt cọc bán một phần đất của mình, đưa bà Diệu số tiền trên.
Thẩm phán giải quyết vụ án chưa thấu tình đạt lý
Ngày 23-2-2021, bất ngờ ông Ân nhận được quyết định áp dụng BPKCTT, phong tỏa tài sản của TAND H.Đức Trọng đối với 6 thửa đất đang đứng tên ông, trị giá trên 10 tỷ đồng. Quyết định này do Phó chánh án, thẩm phán Nguyễn Thành T. ký ngày 4-2-2021, sau khi thụ lý vụ án "Tranh chấp tài sản sau hôn nhân" do bà Diệu là nguyên đơn. Nội dung cho rằng, do ông Ân không thực hiện thoả thuận thanh toán 200 triệu đồng hàng năm cho cháu Ng. Nay bà Diệu yêu cầu tòa án giải quyết, buộc ông Ân có nghĩa vụ thanh toán cho cháu Ng., (do bà Diệu đại diện nhận thay) số tiền 3 tỷ đồng, thanh toán 1 lần.
Theo ông Ân và luật sư của ông trình bày: bà Diệu (đã lập gia đình riêng) đã không giữ lời sau khi đã nhận tiền đủ 3 tỷ đồng, còn mượn thêm 500 triệu, nay lại cho đó là tiền vay mượn riêng (dù ký nhận trong cùng ngày ra công chứng). Ông Ân yêu cầu tòa giải quyết cho cấn trừ nợ, nhưng bà Diệu không chấp nhận, tòa án không đề cập, hòa giải các bên. Việc TAND H.Đức Trọng thụ lý đơn của bà Diệu và ra quyết định phong tỏa tài sản của ông Ân là không có cơ sở, vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Nếu cho rằng ông Ân chưa thanh toán 200 triệu đồng hàng năm cho cháu Ng., thì đến năm 2021, ông Ân mới chỉ thiếu nợ bà Diệu 800 triệu đồng. Tại Khoản 11, Điều 114 và Khoản 4, Điều 133 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định, "chỉ được phong tỏa tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng BPKCTT có nghĩa vụ phải thực hiện". Do đó, việc tòa án H.Đức trọng phong tỏa tài sản vượt mức nhiều lần số tiền hai bên tranh chấp rõ ràng là không đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, tại Điều 69 Bộ luật Tố tụng dân sự cũng quy định về năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự; theo quy định thì người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi đã có đủ năng lực, hành vi là chủ thể khởi kiện. Do đó, trong trường hợp này, cháu Ng. có thể khởi kiện, bà Diệu chỉ là người có liên quan trong vụ án. Toà không thể dựa vào đơn kiện của bà Diệu để ngăn chặn tài sản vượt mức giá trị tranh chấp nhiều lần của ông Ân, gây thiệt hại cho ông và bên mua tài sản của ông.
Trong các đơn khiếu nại gửi lãnh đạo Toà án tỉnh Lâm Đồng và Ban Nội chính Tỉnh ủy, ông Ân nêu bức xúc về việc, khi Toà Đức Trọng thụ lý đơn của bà Diệu, ra quyết định phong tỏa tài sản của ông, cùng ngày, Chi cục thi hành án H.Đức Trọng đã cho thi hành quyết định trên của tòa án, phong tòa tài sản, cấm chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê, thế chấp, tặng, cho, thừa kế đối với số tài sản trên của ông Ân; trong khi trước đó, ông đã bán một phần tài sản cho người khác. Vì việc ngăn chặn này, ông Ân không thể chuyển nhượng khiến bên mua đất liên tục gây áp lực, buộc ông bồi thường gấp nhiều lần. Trong khi phía Toà án không có biện pháp giải quyết dứt điểm việc khiếu nại của ông.
Ban Nội chính Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có văn bản yêu cầu Toà án tỉnh Lâm Đồng xem xét việc khiếu nại của ông Ân. Toà án tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo Chánh án tòa Đức Trọng thực hiện các giải pháp giải quyết khiếu nại của công dân về việc ra quyết định áp dụng BPKCTT trên. Phía Toà Đức Trọng có văn bản trả lời "đối chiếu các quy định của pháp luật, việc thẩm phán ra quyết định áp dụng BPKCTT trên là có căn cứ, đúng quy trình, thủ tục quy định tại Điều 126 Bộ luật dân sự, không chấp nhận khiếu nại hủy bỏ quyết định áp dụng BPKCTT, phong tỏa tài sản trên". Trong khi đó, Điều 126 này quy định chung về việc áp dụng BPKCTT, phong tỏa tài sản phải có căn cứ, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
Rõ ràng, Toà án H.Đức Trọng đã giải quyết vụ việc thiếu thuyết phục, gây bức xúc cho công dân. Việc bà Diệu đã nhận 3,5 tỷ đồng, chấp nhận đóng thêm 600 triệu đồng lệ phí tạm ứng với Toà án để phong tỏa tài sản của ông Ân, tiếp tục đòi thêm 3 tỷ đồng là không thỏa đáng. Mong rằng TAND H.Đức Trọng và TAND tỉnh Lâm Đồng cần sớm giải quyết sự việc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.