TPHCM: triển khai cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC

Thứ Hai, 10/05/2021 19:54  | A. Quân

|

(CAO) Để tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy nhằm hạn chế đến mức thấp nhất về số vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, UBND TPHCM ban hành kế hoạch số 1436/KH-UBND triển khai thực hiện đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Theo đó, để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các khu dân cư, đặc biệt là các khu dân cư tập trung nhiều nhà làm bằng vật liệu dễ cháy, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ và thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra, Chủ tịch UBND cấp xã, trưởng thôn, trưởng ấp, trưởng bản, tổ trưởng dân phố cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân nêu cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa cháy, nổ cũng như ý thức trách nhiệm vì cộng đồng trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy.

Xây dựng các nội quy, quy định về phòng cháy, chữa cháy, các mô hình “cụm dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy”; “khu tự quản bảo đảm an ninh, trật tự và phòng cháy, chữa cháy”, quy định chế độ kiểm tra, nhắc nhở lẫn nhau giữa các gia đình trong cụm, tạo nên phong trào hoạt động phòng cháy, chữa cháy có hiệu quả tại khu dân cư.

Cảnh sát PCCC nhanh chóng có mặt dập tắt ngọn lửa, chống cháy lan tại căn nhà ở quận 11 vào ngày 7/5, tuy nhiên hậu quả của vụ cháy đã khiến 8 người tử vong, trong đó có 4 trẻ em

Tổ chức kiểm tra và yêu cầu các hộ gia đình, nhất là nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy nằm trong khu dân cư cam kết thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Hướng dẫn, phổ biến các biện pháp phòng cháy trong hộ gia đình, đặc biệt là việc sử dụng điện, đun nấu và thắp hương thờ cúng; quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, điện, chất cháy vào thời điểm có nguy cơ cháy cao và trước khi đi ngủ tới từng gia đình để thực hiện.

Phối hợp với đơn vị điện lực kiểm tra, khắc phục ngay những sơ hở thiếu sót trong cung ứng, truyền tải điện tại khu vực dân cư và đến các hộ tiêu thụ điện, đề phòng chập, cháy từ đường dây lan vào nhà ở. Đồng thời, tổ chức tuần tra canh gác vào ban đêm để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp cháy, nổ, không để xảy ra cháy lớn, bị động.

Đối với nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, chủ hộ gia đình cần chủ động tìm hiểu để có kiến thức và kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy; đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong hộ gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và nắm vững kiến thức cơ bản về phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu người trong đám cháy, sơ cứu ban đầu.

Bố trí mặt bằng, sắp xếp vật dụng, hàng hóa bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Sắp xếp vật dụng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt như tủ điện, ổ cắm điện… tối thiểu 0,5m. Không tích trữ, chứa xăng, dầu, khí đốt, chất lỏng dễ cháy ở trong nhà; trường hợp cần thiết thì chỉ nên dự trữ số lượng tối thiểu đáp ứng nhu cầu sử dụng trong thời gian ngắn và bảo quản nơi thông thoáng, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt.

Quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt an toàn. Khi lắp đặt thêm thiết bị tiêu thụ điện, cần tính toán tránh gây quá tải; không nên sử dụng nhiều thiết bị điện trên cùng một ổ cắm; khi lắp đặt các thiết bị điện sinh nhiệt lớn như đèn sưởi, quạt sưởi, lò nướng... cần có khoảng cách an toàn đến các vật dụng dễ cháy. Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà. Thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, thay thế thiết bị điện bị hư hỏng hoặc không bảo đảm an toàn.

Chủ động đầu tư lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy sớm như đầu báo cháy tự động, camera; trang bị, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như: nước, chăn, bình chữa cháy xách tay… để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh; trang bị dụng cụ phá dỡ (xà beng, kìm cộng lực…), đèn pin, mặt nạ phòng độc, khăn mềm để phòng chống ngạt khói... để mở cửa và thoát nạn. Quy định rõ vị trí đặt phương tiện này, bảo đảm yêu cầu dễ thấy, dễ lấy và gần lối thoát nạn.

Hướng dẫn thoát nạn khi có cháy:

Thành viên hộ gia đình cần nắm rõ lối ra thoát nạn tại tầng 1, lối ra khẩn cấp (lối ra thứ 2), vị trí để chìa khóa, dụng cụ phá dỡ trong nhà; tại khu vực sản xuất, kinh doanh, cần phổ biến cho người lao động, sinh sống trong nhà về nội quy, biện pháp thoát nạn, nhận biết chỉ dẫn thoát nạn (biển chỉ dẫn hay đèn chỉ dẫn thoát nạn), sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn để kịp thời thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.Khi phát hiện có cháy, nổ xảy ra cần:

- Bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình biết để mau chóng di chuyển ra ngoài qua lối thoát nạn an toàn hoặc qua lối lên mái, ban công, cửa sổ sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống bằng thang dây, đồng thời báo ngay cho Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số điện thoại 114.

- Trong quá trình di chuyển qua đám cháy nên dùng khăn thấm ướt che kín miệng, mũi và cúi thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến nơi an toàn.

- Trường hợp cửa chính bị lửa bao trùm hãy nhanh chóng tìm và mở lối thoát nạn khác (lối thoát nạn thứ 2) qua ban công, cửa sổ, sân thượngsang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống bằng thang dây hoặc bố trí lối thoát lên mái nếu mái nhà có kết cấu bằng các tấm lợp; tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh. Trường hợp, không còn lối thoát nào khác hãy dùng chăn thấm ướt, trùm kín người, cố gắng thoát qua đám cháy nhanh nhất có thể.

- Trường hợp lối và đường thoát nạn bị nhiễm khói, lửa mà không thể thoát từ gian phòng ra ngoài theo lối cầu thang bộ, cửa chính; nhanh chóng sử dụng khăn vải, băng dính để chèn, dán kín vào khe cửa để ngăn khói, khí độc vào phòng đang ở, di chuyển ra ban công để báo hiệu cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy hỗ trợ biết, ứng cứu kịp thời.

Bình luận (0)

Lên đầu trang