Số liệu thống kê của Bộ Công an, trong số hơn 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của cả nước, dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16-30 tuổi chiếm 48%, nếu tính đến độ tuổi 35 thì tỷ lệ này lên tới 76%.
Đáng báo động, có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 – 25 tuổi. Thực tế có nhiều chủng loại ma túy giá rẻ, dễ sử dụng, nhiều trẻ em từ 13 – 14 tuổi đã sử dụng ma túy dẫn đến hoang tưởng, rối loạn tâm thần, nhịp tim… như người nghiện ma tuý lâu năm.
Ma túy học đường tiềm ẩn nhiều hiểm họa. Ảnh minh họa
Lý giải về nguyên nhân ma túy dễ dàng thẩm lậu vào trường học, Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho rằng, hiện nay tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng, nghiện ma túy gia tăng vì tội phạm ma túy đủ độ tinh ranh để biết học sinh, sinh viên đang ở độ tuổi hình thành nhân cách, dễ bị kích động, lôi kéo.
Trong đó nổi lên gần đây là việc mua bán ma túy qua mạng và đa cấp. Hình thức đa cấp nguy hiểm ở chỗ phát tán nhanh, người bán ma túy là học sinh, sinh viên, do đó sự rủ rê, lôi kéo và đưa bạn của mình vào con đường ma túy rất nhanh.
Theo Đại tá Hậu, nếu tính về số lượng ma túy liên quan đến học sinh, sinh viên thì không lớn, song tính chất, mức độ thì rất nguy hiểm bởi học sinh, sinh viên là đối tượng trẻ, là lực lượng cốt lõi, lâu dài, là nguồn lực tương lai của đất nước.
“Nếu như trước kia là heroin, tiêm chích, hút hít thì ngày nay ma túy tổng hợp ngày càng đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ, dễ cất giấu, dễ sử dụng, chúng len lỏi vào học đường dưới những cái tên mỹ miều, gây tò mò, kích thích giới trẻ như uống "nước vui", dùng "bùa lưỡi", "khô gà", "nước xoài"…
Đặc biệt, ma túy tổng hợp khi sử dụng lại có xu hướng thích sử dụng tập thể, khi có thêm chút rượu, bia sẽ đạt được độ “phê”, khoái cảm rất cao. Qua đó, mức độ nguy hiểm cao về cả sức khỏe, đạo đức, độc hại và nhất là sự mất kiểm soát về hành vi, hay còn gọi là ngáo đá”- Đại tá Hậu nói thêm.
Thực tế cho thấy, tình hình tệ nạn ma túy trong học đường ngày càng có xu hướng gia tăng về mức độ và số lượng vụ vi phạm. Theo Đại tá Hậu, đa số học sinh, sinh viên khi đã nghiện thì sẽ dần trở thành tội phạm. Lý do vì họ cần tiền, cần ma túy, do đó dễ bị kích động, lôi kéo, ép buộc, cưỡng bức, và trở thành nguồn lây tệ nạn xã hội vào các trường học.
Thậm chí có những học sinh, sinh viên nghiện, đã ra trường rồi nhưng có những những mối quan hệ bạn bè cũ, họ lại tìm cách đưa ma túy vào trong môi trường đó để mua bán, móc nối. Ma túy thâm nhập, len lỏi vào học đường có lý do rất quan trọng là rào chắn giữa gia đình - nhà trường - xã hội chưa tốt.
“Trách nhiệm để ma túy vào trường học, để học sinh, sinh viên nghiện và trở thành tội phạm ma túy trước hết, đó là trách nhiệm của người lớn, gia đình, nhà trường, xã hội. Trong đó, gia đình rất quan trọng. Khi gia đình đó có con, cháu đi sinh hoạt không có giờ giấc, tiền tiêu không biết là bao nhiêu thì sẽ làm con hư hỏng, và con đường dẫn đến ma túy là dễ hiểu”- Đại tá Hậu phân tích.
Vì vậy, Đại tá Hậu cho biết, để ngăn chặn ma túy học đường, đầu tiên phải nhận thức và nhận diện đúng, đầy đủ về ma túy. Lực lượng công an đang tăng cường triệt xóa các đường dây, tụ điểm buôn bán, tổ chức, sử dụng ma túy, không để ma túy sản xuất trong nước, đồng thời quan tâm quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng ma túy, cũng như chỉ đạo toàn lực lượng vào cuộc cùng cấp ủy, chính quyền, địa phương, nhà trường ngăn chặn ma túy học đường.
Trong đó, lực lượng công an đã, đang và sẽ sát cánh với Bộ GD&ĐT, các hệ thống giáo dục, từ công tác tuyên truyền pháp luật đến các giải pháp trong phòng ngừa cũng như thường xuyên kiểm tra, rà soát và triển khai các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, đấu tranh, xử lý các vi phạm về sử dụng trái phép chất ma túy trong khu vực trường học, trong quán bar, karaoke, vũ trường… để làm sao nhà trường phải trở thành pháo đài ngăn chặn ma túy, học sinh, sinh viên, giáo viên phải là những người nhận diện đúng, nhận thức đầy đủ và tự có sức đề kháng, không bị cám dỗ về ma túy và đặc biệt vai trò của phụ huynh, gia đình là rất quan trọng.