Từ đơn thư bạn đọc:

Mòn mỏi xin công nhận liệt sĩ cho con

Thứ Ba, 08/06/2021 09:12  | Thu Hiền

|

(CATP) Suốt 25 năm gõ cửa khắp nơi xin công nhận liệt sĩ cho con gái, 2 lần đi kiện đều được tòa án chấp nhận yêu cầu, đến nay người mẹ 83 tuổi vẫn đau đáu chờ các cơ quan chức năng xem xét giải quyết thỏa đáng.

Gặp nạn khi làm nhiệm vụ

Đơn của cụ Nguyễn Thị Siêng (ngụ ấp Bình Thới, xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) gửi đến Báo Công an TPHCM giãi bày: Cụ có người con gái tên Lê Thị Chiến (SN 1961), thoát ly gia đình tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi, làm giao liên thuộc biên chế Phòng An ninh (AN) huyện Mỏ Cày (nay là huyện Mỏ Cày Nam). Ngày 21-12-1974, cấp trên phân công chị Chiến mang mật thư và truyền đạt ý kiến của lãnh đạo AN huyện đến ông Võ Văn Thôi (tên khác Võ Văn Đấu, Út Đấu) ở khu phố Thom, xã An Thạnh.

Khi phân công chị Chiến đi công tác, lãnh đạo phòng biết gia đình chị đóng đáy tại sông Kinh Mới (ngay trên đường đi) nên chỉ đạo chị Chiến thực hiện nhiệm vụ xong về ghé thăm nhà xin một số tép, cá cho đơn vị cải thiện. Khoảng 9 giờ tối cùng ngày, giao thư cho ông Út Đấu xong, chị Chiến ghé sào đáy của gia đình đổ đục lấy tép, cá như lời dặn, chẳng may sào đáy sập đè chìm xuồng, tóc vướng vào đục đáy và dây chì gai khiến chị tử vong. Vì nhà gần đồn bót địch nên khi làm tang lễ, gia đình không dám nói chị Chiến làm giao liên. Đơn vị có phân công người đến chia buồn, nhưng để giữ bí mật công tác và bảo vệ người thân của chị, tổ chức chỉ đạo đưa tin chị Chiến đi đóng đáy bị chìm xuồng chết.

Trường hợp hy sinh của chị Chiến, ông Đoàn Thanh Gắng (tự Chín Gắng, nguyên Trưởng ban AN huyện), ông Trần Văn Sáu (bí danh Trần Tiến Công hay Năm Công, nguyên Phó ban AN huyện) và nhiều người cùng hoạt động tại AN huyện Mỏ Cày Nam đều xác nhận: "Lê Thị Chiến là chiến sĩ giao liên công khai. Em Chiến lanh lẹ, khôn ngoan, quá trình công tác đều hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ngày 21-12-1974, em Chiến được giao nhiệm vụ liên lạc với cánh B, trên đường về nhà tấp vào sào đáy nên Chiến chết. Cơ quan chúng tôi đến động viên chia buồn chớ chưa giải quyết chính sách vì lúc đó chiến tranh ác liệt cài răng lược...".

Ông Nguyễn Văn Tùng (bí danh Minh Hùng, nguyên cán bộ Văn phòng Ban AN huyện, sau này là Trưởng công an (CA) huyện Mỏ Cày, Trưởng phòng bảo vệ chính trị CA tỉnh Bến Tre, đã nghỉ hưu) là người trực tiếp viết lá thư mật gửi ông Út Đấu, có 5 bản xác nhận ghi rõ: "Ngày 21-12-1974, Ban AN huyện giao nhiệm vụ cho Chiến đi đưa thư, trên đường về ghé sào đáy của gia đình lấy mớ tép cải thiện cho đơn vị, sau đó nghe tin Chiến đổ đục đáy bị chìm xuồng chết". Tại bản xác nhận ngày 16-9-2020, ông Tùng bổ sung thêm: "Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, thường khi Chiến về cơ quan nhận nhiệm vụ đều mang cá tép cho đơn vị, đảm bảo vỏ bọc người đóng đáy để hoạt động. Ai đã từng sống trong chiến khu đều biết người dân nơi đóng quân cũng như gia đình cán bộ chiến sĩ là kho hậu cần không nhỏ giúp cho kháng chiến...".

Cụ Siêng trước di ảnh chị Chiến

Cần sớm giải quyết công nhận liệt sĩ

Sau nhiều năm xác minh hồ sơ, các cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre cho rằng chị Chiến đi đóng đáy chìm ghe chết là tai nạn rủi ro nên không chấp nhận đề xuất công nhận liệt sĩ. Cụ Siêng kiên trì khiếu nại, Thanh tra tỉnh đã 2 lần báo cáo kết quả xác minh, khẳng định Lê Thị Chiến chết là do lấy cá tép về cho đơn vị cải thiện đời sống, đủ điều kiện công nhận danh hiệu liệt sĩ theo Nghị định (NĐ) 28/NĐ-CP và NĐ31/2013/NĐ-CP: "Người hy sinh trong trường hợp do ốm đau, tai nạn trong khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật được xem xét xác nhận là liệt sĩ”.

Ngày 16-10-2018, UBND tỉnh ban hành Công văn (CV) 4837, áp dụng điều 27 của NĐ31/2013/NĐ-CP (hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng) từ chối yêu cầu công nhận liệt sĩ cho chị Chiến. Gần 1 năm sau, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục có CV2803/UBND-NC thay thế CV4837, lý do vì áp dụng luật chưa chính xác.

Quyết tâm đi tìm công lý cho người đã khuất, cụ Siêng khởi kiện UBND tỉnh Bến Tre đề nghị hủy CV2803, công nhận liệt sĩ cho chị Chiến. Tại tòa, cụ Siêng trình bày, khi nộp hồ sơ công nhận liệt sĩ cho con có gửi giấy báo tử từ ngành CA nhưng UBND xã Đa Phước Hội làm thất lạc. Sau đó, UBND xã lại có bản kiến nghị cho rằng "trường hợp chết trong giấy báo tử không đúng sự thật"(!).

Trong khi đó, theo xác nhận của các ông Lê Minh Trung (nguyên Phó giám đốc CA tỉnh Bến Tre), ông Nguyễn Minh Hùng (nguyên Trưởng CA huyện Mỏ Cày) là cán bộ văn phòng tại thời điểm chị Chiến được phân công nhiệm vụ thì ngoài công việc giao liên, chị Chiến còn được phân công về nhà lấy cá, tép cho đơn vị. Nếu đúng như vậy thì đây được coi là trường hợp hy sinh trong khi làm nhiệm vụ và được công nhận liệt sĩ theo quy định tại điểm g khoản 1 điều 17 Nghị định 31/2013/NĐ-CP.

Nhận thấy UBND tỉnh chưa xác minh làm rõ việc thất lạc giấy báo tử của chị Chiến và lý do vì sao UBND xã xác định giấy báo tử không đúng sự thật mà ban hành CV2803 với nội dung chị Chiến không đủ điều kiện được công nhận liệt sĩ là phiến diện, không đảm bảo cơ sở pháp lý, tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên hủy CV2803 của Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre để cơ quan này xác minh, giải quyết yêu cầu của cụ Siêng.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực từ tháng 12-2020, đến nay cụ Siêng vẫn mong cơ quan chức năng thu thập đầy đủ chứng cứ để công nhận liệt sĩ cho con gái mình. Thời gian đối với người mẹ 83 tuổi như ngọn đèn dầu sắp cạn, cụ Siêng ứa nước mắt bảo còn sống không bao lâu nữa, trước khi nhắm mắt cụ hy vọng sự cống hiến, hy sinh của con gái được Nhà nước chính thức công nhận.

Bình luận (0)

Lên đầu trang