Một vụ thu hồi đất nhiều khuất tất

Thứ Năm, 05/03/2020 16:49

|

(CATP) Bà Lê Thị Xâm nay đã gần 100 tuổi, bà tham gia cách mạng từ trước năm 1945 và người Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh ký tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Sau ngày giải phóng, bà về cư trú tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM; nay là số D19/522 Nguyễn Văn Linh, ấp 4, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Các con cháu của bà gồm: Lưu Thị Thu, Trần Thanh Hoàng... cũng về sinh sống tại đây.

Dù đã cư trú cả chục năm trong căn nhà bê-tông cốt thép kiên cố, nhưng khi dự án Trường đại học Kinh tế TPHCM xuất hiện, cả gia đình bà bị thu hồi đất, bị buộc cưỡng chế giao nhà. Việc thu hồi đất này có quá nhiều khuất tất.

Trong đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng, bà Xâm cho biết, trong khu đất nhà bà, con bà là Lưu Thị Thu sử dụng thửa đất có diện tích thực tế là 384,6m2, nhưng bản vẽ thể hiện chỉ có 317m2, diện tích xây dựng thực tế hơn 400m2 nhưng bồi thường chỉ 62,7m2. Phần đất của cháu ngoại bà là Trần Thanh Hoàng sử dụng đất thực tế là 133,7m2 nhưng bồi thường chỉ 43,2m2, diện tích xây dựng thực tế 105m2 nhưng bồi thường chỉ 60,15m2.

Phần nhà đất của cháu bà là Lê Thị Duyên (ở cạnh nhà bà) sử dụng đất thực tế 256,8m2 nhưng bồi thường chỉ 248,3m2, diện tích xây dựng nhà thực tế là 146m2 nhưng khi bồi thường chỉ tính có 108m2. Cháu Lê Thị Đẹt (ở gần nhà bà, sát vách nhà bà Duyên), có diện tích sử dụng đất thực tế 288,2m2 nhưng chỉ tính bồi thường 256m2, diện tích xây dựng nhà thực tế là 250m2 nhưng tính bồi thường chỉ 230,82m2.

Không những đo vẽ diện tích đất ít hơn so với thực tế mà còn không đúng với thực trạng kết cấu nhà ở (nhà bê-tông cốt thép nhưng ghi tường gạch) và diện tích nhà... Điều gây bức xúc hơn là cả 4 căn nhà liền kề nằm ở vị trí mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh (có bản vẽ kiểm tra nội nghiệp của UBND huyện Bình Chánh khi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất) nhưng khi đền bù, UBND huyện Bình Chánh lại xác định nhà đất là vị trí 4 hẻm (?!).

Lê Thị Xâm trình bày những bức xúc với phóng viên.

Gởi đơn đến các cơ quan chức năng ở huyện Bình Chánh đề nghị xem xét lại nhưng UBND huyện phớt lờ, bà Thu bức xúc: "Gia đình tôi có diện tích đất hơn 400m2 nhưng ngày 7-10-2019 UBND huyện Bình Chánh ra thông báo số 5994/TB-BBT đề nghị tôi nhận tiền bồi thường 948 triệu đồng cho 317m2 và bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trường đại học Kinh tế TPHCM. Tôi thấy trái khuấy nên làm đơn khiếu nại, yêu cầu UBND huyện Bình Chánh xem xét lại, nhưng UBND huyện không kiểm tra lại mà ngay sau đó, ngày 26-12-2019 lại tiếp tục ra thông báo số 113/ TB-UBND đề nghị tôi sắp xếp và thu dọn đồ vật ra khỏi căn nhà và đất ảnh hưởng dự án (?!)". Bà Đẹt, bà Duyên và ông Hoàng cũng bày tỏ bức xúc tương tự như thế.

Quá bức xúc vì bị thu hồi đất còn nhiều khuất tất, bà Thu, bà Đẹt, bà Duyên và ông Hoàng đã làm đơn khiếu nại UBND huyện Bình Chánh, yêu cầu xem lại việc bồi thường không đúng vị trí, không đúng diện tích, không đúng kết cấu nhà và không thỏa đáng. Thế nhưng, UBND huyện Bình Chánh không kiểm tra làm rõ mà quyết định cưỡng chế. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình, 4 hộ gia đình trên cũng đã làm đơn khởi kiện các quyết định của UBND huyện Bình Chánh. Và, từ ngày 24-12-2019 đến 10-1-2020, TAND TPHCM đã thông báo thụ lý vụ án việc những người này "khiếu kiện quyết định hành chính" của UBND huyện Bình Chánh.

Trao đổi với phóng viên Báo Công an TPHCM, bà Thu cho biết: "Gia đình tôi là cách mạng, luôn chấp hành chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Việc UBND huyện Bình Chánh đo vẽ sai diện tích đất, không đúng diện tích và kết cấu nhà. Nhà tôi mặt tiền sờ sờ vậy mà ghi đền bù vị trí 4, giá đền bù hơn 400m2 đất mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh mà chỉ có hơn 948 triệu đồng thì gia đình tôi biết mua đất ở đâu? Việc bồi thường bất hợp lý của UBND huyện đã khiến gia đình tôi rất bức xúc. Tôi đã làm đơn xin UBND huyện kiểm tra lại, tạm dừng việc thu hồi đất để làm rõ những khiếu nại của tôi, nhưng UBND huyện không làm nên tôi mới khởi kiện và tôi tin là công lý sẽ bảo vệ tôi".

Chiều 3-3-2020, phóng viên Báo Công an TPHCM đã xuống hiện trường tìm hiểu vụ việc. Tại đây, Đoàn công tác của UBND huyện Bình Chánh do ông Nguyễn Văn Hồng - Phó chủ tịch UBND huyện cũng đã xuống khu vực nhà đất của bà Thu, bà Đẹt, bà Duyên và ông Hoàng để kiểm tra thực tế. Đến hiện trường, ông Hồng và đoàn công tác cảm nhận được những bức xúc các gia đình này. Ông cho biết "sẽ kiểm tra lại".

Rõ ràng, khi tiếp cận, gần gũi với dân, nắm bắt những bức xúc của họ thì chính quyền sẽ hiểu hơn. Rất mong UBND huyện Bình Chánh có sự điều chỉnh phù hợp để sớm giải quyết dứt điểm vụ việc, tránh việc kiện tụng kéo dài.

Bình luận (0)

Lên đầu trang