Khu vực Đông Nam bộ: Mưa lớn trái mùa, nhiều nơi bị ngập úng nghiêm trọng

Thứ Sáu, 14/02/2025 11:44  | Minh Thắng

|

(CATP) Rạng sáng 13/02, bất ngờ xảy ra cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ đã gây ngập úng nghiêm trọng ở nhiều nơi tại TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai. Tại các địa bàn trên, nhiều tuyến đường ngập cục bộ ngay giờ cao điểm nên cũng xảy ra ùn tắc giao thông, ảnh hưởng giờ đến trường của các em học sinh và người lao động.

Theo ghi nhận, từ khoảng 4 giờ sáng 13/02, trên Quốc lộ 51 hướng từ cụm nút giao Cổng 11 đi ngã tư Bến Gỗ (thuộc TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) xuất hiện tình trạng ngập sâu từ vỉa hè ra tới tim đường. Có nhiều vị trí nước ngập sâu khoảng 50cm, vượt qua dải phân cách giữa làn xe máy và làn xe ô tô khiến người đi xe máy không thể di chuyển, buộc phải dừng chờ nước rút mới có thể tiếp tục di chuyển. Do nước bắt đầu ngập từ rạng sáng nên các xe ôtô di chuyển qua QL51 gặp khó khăn.

Liên quan đến cơn mưa trên, tại địa bàn huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai nhiều tuyến đường bị ngập, đáng chú ý là đường Nguyễn Văn Ký (trước cổng Trường tiểu học Long Thọ, xã Long Thọ), nước ngập sâu khiến phụ huynh đưa học sinh đến trường cũng gặp không ít khó khăn. Còn tại khu vực vòng xoay Bến Cam (xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch), nước ngập từ rạng sáng 13/2 cuốn trôi nhiều mảnh gạch lát vỉa hè ra đường, gây ảnh hưởng đến việc di chuyển của các phương tiện.

Riêng tại TPHCM, cơn mưa trái mùa này được đánh giá có cường độ mạnh, kéo dài và gây ngập lụt tại nhiều khu vực trong thành phố. Sự xuất hiện của mưa lớn ngoài mùa mưa làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, khi các hệ thống thoát nước chưa được thiết kế để ứng phó với tình huống mưa lớn trái mùa, tình trạng ngập úng càng trở nên nghiêm trọng. Các chuyên gia khí tượng giải thích cơn mưa trái mùa xảy ra do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm sự xuất hiện của rãnh áp thấp, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và khối không khí lạnh từ phía Bắc.

Một đoạn đường ở Bình Dương bị sạt lở do cơn mưa lớn trái mùa vào rạng sáng 13/02

Những yếu tố này đã tạo ra sự nhiễu động trong khí quyển, gây mưa lớn trái mùa. Những hiện tượng này không phải là điều thường xuyên xảy ra vào thời điểm đầu năm, khiến mưa trái mùa càng trở nên bất thường. Ngoài ra, các chuyên gia khí hậu cũng nhận định rằng hiện tượng mưa trái mùa có thể liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu. Sự thay đổi của các điều kiện khí tượng và biến động nhiệt độ có thể làm cho mùa mưa và mùa khô thay đổi thời điểm, thậm chí gây ra những hiện tượng bất thường như mưa trái mùa. Theo dõi trên ảnh mây vệ tinh, ảnh ra đa thời tiết và định vị sét lúc 5 giờ 30 sáng 13/2, cho thấy vùng mây dông đang phát triển và gây mưa kèm dông, sét trên các khu vực, gồm: huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Quận 6, TP. Thủ Đức, quận 7, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi.

Tại Bình Dương, cơn mưa cũng làm ngập một số tuyền đường, đặc biệt là xảy ra vụ sạt lở một đoạn đường tại phường Chánh Phú Hòa, TP.Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Theo đó, khoảng 4 giờ 30 cùng ngày tại tuyến đường ray xe lửa cũ, đoạn đường từ ĐH-604 đến ĐH-605, phường Chánh Phú Hòa, một đoạn mặt đường bị sụp thành hố sâu. Thời điểm này có một người đàn ông đi xe máy và một người đi xe lôi tự chế đã bị rơi xuống dưới hố sâu, cả hai đều bị thương và được người đi đường đưa đi cấp cứu kịp thời.

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ dự báo hiện nay không khí lạnh đang tăng cường trở lại. Rãnh áp thấp xích đạo ở phía Nam có trục khoảng từ 5-7 độ Vĩ Bắc nối với vùng áp thấp trên khu vực Nam biển Đông di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc. Dự báo trong 10 ngày tới, vùng áp thấp trên khu vực Biển Đông di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc sau suy yếu và tan đi trong khoảng ngày 14/2. Rãnh áp thấp xích đạo suy yếu và lùi về phía Nam. Không khí lạnh suy yếu, khoảng ngày 16-17/2 được tăng cường trở lại. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục qua Trung bộ hoạt động mạnh. Lượng mưa phổ biến từ 10-20mm, có nơi trên 30mm. Trong cơn dông đề phòng lốc, mưa đá và gió giật mạnh khoảng cấp 5-7 (8-17m/s), mưa lớn gây ngập úng cục bộ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang