"Nghệ thuật" quái dị lan tràn khắp Sài Gòn

Thứ Bảy, 31/08/2019 10:28

|

(CAO) Lấy màn đêm làm tấm chắn che chở, chọn những bức tường đẹp nhất để làm “bia” tấn công, hành tung ẩn dật, những kẻ ẩn mình này đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều cơ quan, trụ sở và người dân Sài Gòn vi lo sợ bị họ vẽ bậy lên tường.

Những hình thù kỳ dị, đại diện cho một thứ nghệ thuật lai căng đang ngập tràn khắp mọi nếp cửa, góc tường ở TP.HCM khiến xã hội khó lòng chấp nhận. Vì cái gọi là “đam mê”, nhiều đối tượng cho mình cái quyền được “làm đẹp” cho thành phố, bất chấp đây là một hành vi sai trái, đáng bị lên án.

Nếu cơ quan chức năng không mạnh tay xử lý những “hoạ sĩ” thích “bôi bẩn” phố phường, thì bức tranh tổng thể về đô thị sẽ trở nên vô cùng nhếch nhác. 

Những bức tường ám ảnh

Nhiều tuyến đường Hồ Tùng Mậu, Hàm Nghi, Nguyễn Thị Minh Khai, Công Chúa Huyền Trân.... ở Q.1 từ lâu đã trở thành địa điểm tấn công ưa thích của những "hạo sĩ" thích vẽ vời.

“Chỉ cần dạo quanh một vòng khu vực này, không khó để tìm thấy những bức tường loang lổ vết sơn vẽ bậy”, chỉ vào những cánh cửa sổ trở thành mục tiêu “bôi bẩn”, ông Nguyễn Văn H. - bảo vệ của Viện Đào tạo quốc tế ĐH Ngân hàng TP.HCM (số 39, Hàm Nghi, Q.1) - bày tỏ thái độ bức xúc.

Cửa sổ của Viện Đào tạo quốc tế ĐH Ngân hàng TP.HCM bị vẽ bậy không thương tiếc

Cũng như nhiều nhân viên khác đang công tác tại viện đào tạo này, chuyện phải “chiêm ngưỡng” những bức tranh nguệch ngoạc theo kiểu bất đắc dĩ đã khiến họ phải “gai mắt” chấp nhận. Những lời đề nghị đã được gửi đến lực lượng chức năng nhưng sự việc vẫn đâu vào đấy. Cánh cửa được sơn mới ngay sau đó tiếp tục khoác lại chiếc áo lem luốc. Cần lắm sự vào cuộc quyết liệt của các ban ngành chức năng!

Một cánh cửa sổ trụ sở nhà nước bị các "hoạ sĩ đường phố" tấn công

Cách đó không xa, nhiều căn nhà trên đường Hàm Nghi cũng phải chịu chung số phận. Hướng ánh nhìn khó chịu vào cánh cửa vừa bị kẻ xấu bôi bẩn, anh Tuấn Hải tiếp chuyện với phóng viên khi đang chuẩn bị sơn lại cánh cửa nhà lần thứ 3 trong một năm.

“Mình làm dịch vụ nên chỉ cần mặt tiền xấu là phải khắc phục ngay. Từ ngày bị các “hoạ sĩ” bôi bẩn nhắm đến, vị chủ nhà này đã phải liên tục chi tiền để khắc phục. Thậm chí, anh còn gắn cả camera theo dõi nhưng cũng như nhiều “khổ chủ” khác, nhà anh vẫn thường xuyên trở thành mục tiêu nhắm đến.

Graffiti hay còn có tên gọi khác là tranh phun sơn và hiểu nôm na là “hình vẽ trên tường” có nguồn gốc từ Châu Mỹ. Dần dần loại hình này được nhiều bạn trẻ đón nhận và trở thành trào lưu ở Việt Nam vào năm 2000. Từ đó, những hình vẽ trên tường xuất hiện với tần suất dày đặc. Vô tình biến bộ mặt thành phố trở nên vô cùng nhếch nhác.

Mượn danh nghệ thuật bôi bẩn phố phường

Anh Trần Trung Hiếu, ngụ quận Bình Thạnh vừa mới xây xong căn nhà khang trang theo quy hoạch chung. Để căn nhà mình trông đẹp hơn, anh chăm chút bờ tường bằng màu sơn sang mắt. Phải mất gần 2 ngày, thuê 2 người thợ đến sơn và tiêu tốn số tiền hơn chục triệu đồng thì mới hoàn thành xong tường nhà mà anh ưng ý.

Nhưng sau một đêm thì trên đó xuất hiện những hình vẽ loằng ngoằng, hình thù kì dị với đủ màu sơn mà anh không thể nhận ra điều “tác giả” muốn truyền tải.

“Chỉ thấy trong đó là hành động vô ý thức, làm mất mĩ quan đô thị. Việc tẩy xóa và sơn lại vừa tốn thời gian và tiền bạc, và cái đáng ngại nhất là khi sơn lại rồi, tường nhà tôi có trở thành nơi để các “họa sĩ đường phố” trổ tài nữa hay không” – anh Hiếu bức xúc.

Những hình thù kỳ dị khiến xã hội khó lòng chấp nhận

Không chỉ viết, vẽ trên tường trong khu dân cư, lướt qua những tuyến đường ở T.HCM thì hầu như nơi nào cũng thấy những hình vẽ này. Các trạm biến điện, tủ điện, trạm chờ xe buýt, bảng quảng cáo công cộng… trên đường phố đều thấy những dấu ấn của những “họa sĩ đường phố”.

Chị Hiền, chủ một quán nước gần cầu Sài Gòn cho biết, đoạn cao tốc metro đi qua khu vực này vừa hoàn thành phần móng thì chỉ sau vài hôm đã mọc lên những hình vẽ chằng chịt với đủ loại màu sơn.

“Đa phần là các cô cậu trẻ tuổi đến đây và lén lút vẽ vào ban đêm. Vì lúc đó vắng người, không có bảo vệ nên những người này tha hồ hành động. Có những cậu thanh niên còn leo hẳn lên những trụ điện gần đó và xịt sơn lên bình điện, nguy hiểm vô cùng” chị Hiền ngán ngẩm kể.

Vẽ bậy trên đường Huyền Trân Công Chúa

Nhiều bạn trẻ yêu thích hoạt động này cho rằng, họ làm vậy vì muốn lưu lại kỷ niệm, đánh dấu rằng mình đã đến đây. Và cũng không ít người nhìn nhận hành động của mình gây ảnh hưởng đến mĩ quan thành phố.

Tuy nhiên, vì yêu thích và nghĩ hành động này cũng không gây ảnh hưởng quá mức nên vẫn vô tư thể hiện. Mặc dù ngày càng có nhiều câu lạc bộ, hội nhóm, cuộc thi được tạo ra, nhằm tạo điều kiện cho các bạn có sân thể hiện tài năng và cọ xát. Song, đó cũng chỉ là những sân chơi thỉnh thoảng mới được tổ chức một lần.

Thâm chí có nơi tại TP.HCM chào đón những bạn trẻ thích vẻ Graffiti đến thể hiện. Và trong suốt nhiều năm nay, con hẻm 15B nằm trên đường Lê Thánh Tôn, Q.1 vẫn là địa điểm truyền tai nhau của những người trong các nhóm, hội đam mê Graffiti.

Tuy nhiên, những nơi như thế này con rất ít, bấy nhiêu đó là chưa đủ để thỏa mãn óc sáng tạo, đam mê với môn nghệ thuật này của các “họa sĩ”. Nên các bức tường dọc theo thành phố đã và sẽ đang là nơi những bức vẽ này hiện lên mỗi khi có một “họa sĩ” Graffiti muốn trổ tài.

Các “nghệ sĩ bôi bẩn” đườgn phố Sài Gòn khiến người dân rất bức xúc nhưng không làm gì được

Với những nhà dân từng là “nạn nhân” của Graffiti, việc phát hiện và ngăn chặn hành động này của các bạn trẻ là rất khó. Hầu hết các bạn trẻ này đều hành động vào ban đêm, gia chủ phát hiện thì chạy mất. “Do họ không phải trộm cướp, nên việc đuổi theo để giữ các bạn lại và bắt phục hồi lại hiện trạng cũng không quá cần thiết.

Chỉ mong sao chính quyền thành phố có những biện pháp ngăn chặn các hành động này. Một phần là giữ gìn mĩ quan thành phố, một phần để các bạn ý thức hơn trong việc thể hiện đam mê của bản thân mà không gây ảnh hưởng đến người xung quanh” ông Ngô Văn Phương, 60 tuổi ngụ Q.1, TP.HCM cho biết.

Đến hiện tại, có rất ít những vụ việc bắt quả tang những bạn trẻ tham gia vẽ bậy trên tường. Trong năm 2016, UBND P. Phạm Ngũ Lão (Q.1, TP.HCM) đã từng có quyết định xử phạt hành chính, yêu cầu làm sạch mỹ quan đối với Dương Minh Tường An (quê Đồng Tháp) về hành vi làm hoen bẩn công trình công cộng tại công viên 23-9. Sau vụ việc này, mọi thứ cũng không có gì thay đổi vì theo nhiều người hình thức xử lý cũng không đủ tính răn đe.

Cần nhìn nhận nghiêm khắc

Nhiều bạn đọc đã thể hiện sự đồng tình trước quan điểm của Báo Công an TP.HCM trong việc bài trừ vấn nạn bô bẩn thành phố của một bộ phận giới trẻ. Cần nhìn nhận vấn đề nghiêm khắc dưới góc độ luật pháp. Hành vi vẽ bậy lên tường nhà, trụ sở nhà nước cũng được xem là hành động cố tình huỷ hoại tài sản.

Việc vẽ hình lên tường nhà người khác mà chưa được sự đồng ý của họ là hành vi vi phạm pháp luật, bởi tường nhà, hàng rào nhà ở của người dân là tài sản thuộc sở hữu cá nhân cần phải xin phép trước khi làm bất cứ hành vi nào tác động lên đó. Vẽ bậy lên tường nhà người dân, tổ chức là hành vi xâm phạm, phá hoại tài sản người khác cần phải xem xét xử lý theo quy định pháp luật.

Theo luật sư Lê Ngọc Lam Điền, Đoàn luật sư TP.HCM, hình thức vẽ bậy lên tường nếu như là những công trình công sẽ bị ghép vào hành vi phá hoại mĩ quan đô thị. Và trên những tường, công trình tư nhân có thể coi đó là hành vi phá hoại tài sản công dân vì những đoạn tường người dân đều phải bỏ tiền ra để làm.

Khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của  Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Lần đầu bị phát hiện và mức thiệt hại giá trị từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng, mức xử phạt hành chính là từ 10 triệu đến 50 triệu đồng. Và nếu tại phạm có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Không chỉ tường nhà, những tủ điện cũng bị “hoạ sĩ" bôi bẩn

Ngoài ra, hành vi lợi dụng danh nghĩa "nghệ thuật" khi bôi bẩn đường phố, đô thị bằng các hình vẽ loằng ngoằng, vô nghĩa, không có tính nghệ thuật nào gây cảm giác khó chịu, bức bối cho người dân, du khách. Điều này ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, gây khó khăn cho việc phát triển du lịch, xây dựng nền văn hóa đậm đà, bản sắc riêng của dân tộc.

Các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng bôi bẩn đường phố, đô thị và nhà riêng người dân tràn lan như hiện nay. Theo đó, cần xác minh, xử nghiêm các cá nhân vi phạm nhằm góp phần mang lại mỹ quan, văn minh, sạch đẹp cho đường phố, đô thị. Đồng thời còn nhằm bảo vệ nhà ở, cơ sở kinh doanh của người dân khỏi vấn nạn bôi bẩn của những kẻ mượn danh nghệ thuật gây ra.

Bình luận (0)

Lên đầu trang