Đối với họ dù đi kiếm sống xứ người, nhưng căn nhà là tổ ấm để quay về, nên ráng cất cho vững chãi. Nào ngờ trong lúc đi vắng, căn nhà bất ngờ bốc cháy. Dùng hết sức dập lửa nhưng cuối cùng nhà và tài sản bên trong cũng thành tro, khiến hơn trăm nhân khẩu rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.
Trở lại “xóm cháy”
Ngoài 4 vụ hỏa hoạn (từ ngày 16 đến 21-4) khiến 22 căn nhà bị thiệt hại ở huyện Chợ Mới, An Phú, TP.Châu Đốc và TP.Long Xuyên (An Giang), mới đây “bà hỏa” tiếp tục ghé thăm huyện Thoại Sơn. Theo đó, khoảng 6 giờ 45, ngày 24-4, tại ấp Vĩnh Trung, xã Vĩnh Trạch xảy ra hỏa hoạn làm 3 căn nhà bị thiệt hại.
Vào thời điểm trên, người dân phát hiện nhà của ông Nguyễn Văn Bình Tuy có lửa và khối bốc lên, nên liền tri hô. Đến 8 giờ 30 cùng ngày, ngọn lửa được khống chế, ước tính thiệt hại vụ cháy khoảng trên 200 triệu đồng.
Nơi 8 căn nhà ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu bị thiêu rụi
Sáng ngày 25-4, phóng viên trở lại ấp Phú Lợi (xã Phú Hữu, H.An Phú) – nơi có 8 căn nhà bị cháy vào tối ngày 21-4. Tại đây có rất nhiều người dân lom khom nhặt những tài sản cháy đen còn sót lại như: xe đạp, máy xăng, tole, nồi,… để bán ve chai. Thấy chúng tôi cụ ông tuổi ngoài 80 nói giọng buồn bã: “Cháy hết rồi, giờ lượm bán được chút nào hay chút ấy”.
Ngồi tựa vào số sắt vụn với vẻ mặt mệt mỏi, ông Đỗ Nhân Nhơn (85 tuổi, ngụ tổ 12, ấp Phú Lợi) kể: Hôm đó, vợ chồng ông ngồi ở băng ghế đá trước nhà uống nước. Bất ngờ vợ ông quay sang hỏi: “Ông có ngửi thấy gì khét khét không?”. Ngửi thấy như có vật gì đang cháy, ông Nhơn liền chạy vào nhà lấy chiếc chìa khóa mở cửa nhà của đứa con thứ mười (cạnh nhà ông).
Vừa mở xong, ngọn lửa bên trong bừng lên dữ dội. “Ngọn lửa sau đó “táp” qua nhà đứa đứa con thứ sáu, rồi lan sang nhà tôi. Ngoài tri hô ra vợ chồng chẳng biết làm gì khác. Một lúc sau, tôi thấy nhiều căn nhà bên cạnh bén lửa rồi sụm xuống. Hôm đó đứng gió chứ không thôi là cả xóm bị thiêu rụi”, ông Nhơn nhớ lại giây phút kinh hoàng.
Khi ngọn lửa bùng phát, lực lượng chữa cháy địa phương phối hợp người dân tiến hành dập lửa. Nhận được tin báo, Cảnh sát PCCC tại TP.Châu Đốc đã điều động 1 phương tiện và huy động gần chục chiến sĩ đến hiện trường tiếp ứng. Đến 21 giờ cùng ngày, ngọn lửa đã được dập tắt hoàn toàn. Được biết, vụ cháy khiến 7 căn nhà bị thiêu rụi, 1 căn cháy xém với tổng thiệt hại khoảng 1,2 tỷ đồng.
Ông Nhơn cho biết, căn nhà bị cháy hoàn thành năm rồi, với vốn đầu tư hơn 360 triệu đồng. Để có số tiền trên ngoài khoản vợ chồng dành dụm cả đời ông phải vay thêm của nhà nước 100 triệu đồng. Căn nhà là nơi để vợ chồng và 7 đứa cháu cả nội lẫn ngoại ở. Sau vụ cháy nhà bị nứt nhiều chỗ và có thể sập bất cứ lúc nào. Giờ nó được tận dụng để nghỉ trưa, chứa sắt vụn thu gom gần đó.
“5 chiếc xe đạp của mấy đứa cháu giờ cháy hết rồi, nên tụi nhỏ phải lội bộ đi học. Sợ nhà sập vợ chồng chỉ còn cách gửi cháu lên nhà người dì ở tạm. Số tiền vay giờ không biết tính sao, bởi tuổi đã cao”, ông Nhơn ngẹn ngào.
Người dân xóm nghèo nhặt tole, sắt vụn để bán ve chai
Ngồi cùng vợ nhặt số tole bị cháy xém bán ve chai với giá 2.000 đồng/kg, anh Đỗ Văn Sen (32 tuổi) kể lại, được em vợ mời đám đầy tháng đứa cháu, nên chiều ngày 21-4 xuống xã Đa Phước dự. Mới hơn 7 giờ tối, mẹ anh điện nhà bị cháy cả hai tức tốc chạy về. “Đến nơi vợ chồng chẳng thấy căn nhà đâu mà chỉ thấy lửa bao trùm cả xóm. Sau khi lửa được dập tắt toàn bộ tài sản trị giá hơn 1 tỷ đồng bị thiêu rụi”, anh Sen nói trong đau xót.
Được biết, vợ chồng anh Sen mở cửa hàng bán đồ điện, phụ tùng máy xăng. Ngoài số tài sản trị giá hơn tỷ đồng, số tiền mặt 300 triệu đồng cũng bị thiêu rụi. Anh Sen nói: “Gom được 300 triệu vợ chồng định ra đại lý trả tiền lấy hàng trước đó, nhưng nghĩ cuối tuần khách đông nên đợi đầu tuần.
Nào ngờ tối đêm nhận được tin báo cho đến nay vợ chồng chỉ còn “bộ đồ dính da”. Không chỉ cháy căn nhà mới cất, tài sản bên trong mà nhiều máy móc người dân đem đến sửa cũng thành sắt vụn. Sắp tới không biết cả nhà phải sống sao, bởi không đất vườn lấy gì thế chấp vay tiền, mọi dự định cũng thành mây khói”.
Sống cảnh “ăn nhờ, ở đậu”
Lặng lẽ ngồi nhìn căn nhà chỉ còn là đống tro tàn, anh Nguyễn Văn Thới (46 tuổi, ngụ ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu) mắt đỏ hoe: “Gia đình đi làm thợ hồ ở TP.HCM 8 năm trời mới tích lũy chút ít vốn cộng với vay ngân hàng 60 triệu mới đủ cất nhà. Người thân dưới quê gọi điện thoại cho hay mà tôi đứt từng đoạn ruột. Về tới quê nhà đã không còn. Hai chân bủn rủn không đứng vững nhưng phải bấm bụng mà chịu, chứ biết trách ai bây giờ”.
Tháng ngày lao động miệt mài tích cóp xây dựng căn nhà, nhưng chỉ trong phút chốc “bà hỏa” đã lấy đi của vợ chồng anh Thới tất cả. Do vậy, 5 thành viên trong gia đình chỉ còn cách ở đậu nhà hàng xóm. Điều họ lo lắng nhất là sắp vào mùa mưa, cuộc sống những ngày tiếp theo thế nào, tiền đâu cất nhà mới?
Chiếc dù và giường gỗ là nơi nương náu của gia đình ông Nguyễn Hiền
Được biết, ngọn lửa xuất phát từ nhà của anh Trương Minh Thi, gặp gió lớn đã cháy lan sang 8 căn lân cận. Nhận được tin báo, Công an TP.Châu Đốc đã có mặt tại hiện trường cùng người dân địa phương chữa cháy.
Tuy nhiên, khu vực xảy ra cháy nằm sâu trong hẻm, nên xe chữa cháy tiếp cận đám cháy rất khó khăn. Sau hơn 1 giờ nỗ lực chữa cháy, ngọn lửa đã được khống chế hoàn toàn. Các hộ dân có nhà bị thiệt hại đều thuộc diện khó khăn.
Trước cảnh “tiễn thoái lưỡng nan” nhiều hộ dân lấy số gỗ cháy đen và tole cháy xém che chòi để chứa đồ cũng như có chỗ nương náu. Do vậy họ rất cần sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để vượt qua nghịch cảnh.