Chớ vội tin 'bác sĩ Google' mà rước họa vào thân

Thứ Ba, 24/04/2018 11:31  | Ngô Đồng

|

(CAO) Tăng huyết áp là bệnh khá phổ biến vì vậy thông tin trên Internet cũng hết sức phong phú. Tuy vậy, theo khuyến cáo của bác sĩ, người bệnh chớ vội tin “bác sĩ google” mà có thể rước họa vào thân.

Khi có các triệu chứng như Hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi… thì người dân thời 4.0 có thể search Google và tự chẩn đoán bệnh. Khi “bác sĩ google” chẩn đoán là tăng huyết áp thì rất dễ dàng ra tiệm thuốc tây mua vài viên hạ huyết áp, uống vào thì thấy triệu chứng có thuyên giảm và dễ dàng đi đến kết luận là bệnh này đơn giản, dễ chữa.

Theo TS.BS Võ Thành Liêm, giảng viên Bộ môn Y học gia đình Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cần phân biệt hai khái niệm “tăng huyết áp” và “bệnh tăng huyết áp”. Không phải trường hợp nào “tăng huyết áp” cũng là “bệnh tăng huyết áp”.

TS.BS Võ Thành Liêm khuyến cáo người bệnh chớ vội tin “bác sĩ google” mà có thể rước họa vào thân.

Theo BS Liêm, trong chuyên khoa y học gia đình, tăng huyết áp được phân loại thành tăng huyết áp nguyên phát và thứ phát. "Tăng huyết áp nguyên phát" dùng để chỉ các trường hợp không xác định được bệnh nguyên gây tăng huyết áp rõ ràng; “tăng huyết áp thứ phát” có nguyên nhân là một số bệnh tác động lên thận, động mạch, tim, hệ nội tiết… và thậm chí do mất ngủ, căng thẳng tâm lý mà ra.

Đối với “tăng huyết áp thứ phát” thì không phải là bệnh lý. Giả sử, sau một đêm mất ngủ thì có thể tăng huyết áp. Trong trường hợp này, nếu vội vàng uống thuốc chữa bệnh tăng huyết áp thì mắc ít nhất 2 sai lầm: Thứ nhất, không chữa đúng gốc của triệu chứng; thứ hai, gây tụt huyết áp.

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tăng huyết áp như tuổi tác, giới tính, lối sống, stress,... tuy nhiên không phải trường hợp tăng huyết áp nào cũng là bệnh tăng huyết áp. Ảnh minh họa

Bản chất của bệnh tăng huyết áp là không có triệu chứng điển hình. Nếu không dùng máy để đo huyết áp thì hầu như rất khó phát hiện. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bệnh nhân có những triệu chứng do tăng áp lực máu lên não như nhức đầu nhiều, mặt đỏ, tai ù, mắt nhìn mờ, chóng mặt, nôn mửa. Tốt nhất nên kiểm tra huyết áp bằng máy hoặc tìm sự trợ giúp của nhân viên y tế gần nhà, nhất là những người có những yếu tố nguy cơ về tim mạch là hết sức cần thiết và quan trọng để phòng bệnh tăng huyết áp và các tai biến do bệnh này gây nên, giảm đáng kể tử vong do tai biến của bệnh tăng huyết áp.

Không phải trường hợp nào “tăng huyết áp” cũng là “bệnh tăng huyết áp”. Tốt nhất nên kiểm tra huyết áp bằng máy hoặc tìm sự trợ giúp của nhân viên y tế gần nhà.  Ảnh minh họa

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tăng huyết áp như tuổi tác, giới tính, lối sống, stress, béo phì, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu, bia,...

Tăng huyết áp nếu không phát hiện sớm, điều trị đúng có thể để lại những hậu quả xấu cho người bệnh. Những biến chứng đó có ảnh hưởng lớn đến người bệnh, gây tàn phế và trở thành gánh nặng về tinh thần cũng như vật chất của gia đình bệnh nhân và xã hội.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, không được quá vội vàng cho bệnh nhân uống thuốc hạ huyết áp khi mới đi ngoài nắng nóng về hoặc đang lúc nóng giận... sẽ rất nguy hiểm. Những trường hợp như vậy, chưa chắc huyết áp nền đã cao mà nhiều khi do yếu tố môi trường, thời tiết, tâm lý có thể gây tăng huyết áp giả tạo.

Kiểm soát chỉ số huyết áp và đường huyết giúp phòng ngừa đột quỵ
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang