Cảnh giác với bệnh gây đột quỵ não ở trẻ em

Thứ Hai, 23/04/2018 11:42  | Ngô Đồng

|

(CAO) Mỗi lần đột quỵ, não sẽ càng hư hại không thể nào hồi phục được, sẽ gây ra những khiếm khuyết, di chứng thần kinh ngày càng nặng, thậm chí tử vong.

Bé X. (13 tuổi, nhà ở quận 2, TP.HCM), thường xuyên bị đau đầu, nhập viện điều trị nhiều lần nhưng không cải thiện; thậm chí, em đã nghỉ học hơn 4 năm vì những cơn đau đầu như vậy.

Một lần nọ, cơn đau đầu trở nên nặng hơn, kèm theo yếu nữa người bên Trái, em nhập viện trở lại. Sau khi khảo sát MRI, phát hiện có nhiều tổn thương nhỏ rải rác ở 2 bên, đồng thời hẹp tắc động mạch cảnh trong đoạn trong sọ 2 bên.

Trường hợp khác, bé Q. (6 tuổi, quận 9, TP.HCM), nhập viện vì yếu nữa người bên phải. Đặc biệt, em có những cơn yếu nửa người bên phải thoáng qua khi quấy khóc, hoặc gắng sức, sau đó tự hồi phục lại nên gia đình không để ý.

Sau khi khảo sát, đánh giá, ghi nhận em bị nhồi máu não vùng đính trái, kèm hẹp đoạn động mạch cảnh trong sọ, não trước, não giữa 2 bên.

Theo BS Nguyễn Ngọc Pi Doanh, Khoa Ngoại thần kinh BV Nhi Đồng 2, đây là 2 trong số những bệnh nhân nhập Khoa ngoại thần kinh, được chẩn đoán bệnh Moyamoya. Moyamoya là bệnh lý mạch máu não hiếm gặp, đặc trưng bởi quá trình hẹp tiến triển động mạch cảnh đoạn trong sọ và đoạn gần của động mạch não trước và não giữa. Quá trình này sẽ tiến triển ngày càng nặng theo thời gian, đặc biệt ở trẻ em thường nhanh hơn người lớn.

Sở dĩ có tên gọi Moyamoya là vì được miêu tả đầu tiên tại Nhật, khi khảo sát mạch máu não, có hình dạng như làn khói thuốc (puff of smoke). Qua nhiều nghiên cứu đánh giá, ghi nhận tỉ lệ xuất hiện cao hơn ở Nhật bản và các nước Châu Á, với tỉ lệ 3,2-10,5/ 100.000 người, các nước phương Tây thấp hơn; ưu thế nữ gấp 2 lần nam, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Trong đó, lứa tuổi hay gặp ở trẻ em là từ 5-9 tuổi.

Đa phần, các cháu nhập viện với biểu hiện đột quỵ nhồi máu não, hoặc những cơn thiếu máu não thoáng qua. Đặc biệt ở trẻ em, bệnh thường khởi phát sau những hoạt động gắng sức. Ở trẻ nhỏ hơn, khi bú, quấy khóc hoặc ho cũng có thể gây ra những con thiếu máu não, hoặc khởi phát những cơn đột quỵ. Những triệu chứng khác bao gồm đau đầu, chóng mặt, co giật...

Vì bệnh tiến triển ngày càng nặng, nên nhu cầu cấp máu cho não ngày càng thiếu hụt, sẽ gây ra đột quỵ nhiều lần nếu không điều trị kịp thời. Mỗi lần đột quỵ, não sẽ càng hư hại không thể nào hồi phục được, sẽ gây ra những khiếm khuyết, di chứng thần kinh ngày càng nặng, thậm chí tử vong.

Trong nhiều năm qua, tại Khoa Ngoại thần kinh BV Nhi Đồng 2 đã tiến hành điều trị khoảng 30 bệnh nhi được chẩn đoán Moyamoya. Các cháu sẽ được đánh giá đầy đủ, khảo sát mạch máu não, sau đó sẽ tiến hành phẫu thuật để tạo nguồn cung cấp máu mới cho não. Chính vì hệ thống động mạch cảnh trong đã bị tổn thương, nên quá trình phẫu thuật sẽ đưa nguồn cấp máu từ hệ thống động mạch cảnh ngoài vào bên trong não, để tái lập lại cấp máu não.

Theo BS Pi Doanh, sau nhiều năm theo dõi, đánh giá mạch máu não, ghi nhận những kết quả rất tốt, nhiều trẻ không còn bị những cơn thiếu máu não tái diễn, khảo sát lại mạch máu não thấy sự thông nối rất tốt từ bên ngoài vào trong não, cấp máu cho não. Tuy nhiên, một số cháu do điều trị trễ, tổn thương từ lần đột quỵ trước quá nặng, nên sau mổ vẫn còn những di chứng thần kinh. Chính vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm có vai trò rất quan trọng, để ngăn ngừa những cơn đột quỵ, tổn thương não tái diễn, đồng thời tránh những di chứng thần kinh, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Để không 'gục ngã' vì đột quỵ
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang