Để không 'gục ngã' vì đột quỵ

Thứ Tư, 25/10/2017 06:20  | Ngô Đồng

|

(CAO) Đột quỵ, hay còn gọi là Tai biến mạch máu não, là căn bệnh rất phổ biến và nguy hiểm trong xã hội hiện đại. Theo số liệu của Hội Đột quỵ Thế giới, cứ mỗi 6 người sẽ có 1 người bị đột quỵ.

Ở Việt Nam, mỗi năm có 200.000 người bị đột quỵ, tỉ lệ tử vong do đột quỵ ở nam giới là 18% và ở nữ giới là 23%. Như vậy, đột quỵ chính là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở Việt Nam.

Đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kì ai

Vừa qua, BV Đại học y dược TP.HCM vừa tiếp nhận trường hợp của anh N.T. X. (39 tuổi, một nhân viên văn phòng ngụ quận 6, TP.HCM). Là lao động chính và trụ cột gia đình, anh X. đang hoàn toàn khoẻ mạnh, làm việc, sinh hoạt bình thường. Vào một buổi tối đầu tháng 10, anh đang đứng trong nhà bỗng thấy tay chân phải không điều khiển được. Người thân chạy lại đỡ và hỏi chuyện nhưng thấy anh lơ ngơ, không nói gì được, cũng không có phản ứng với lời người khác.

Vợ anh ngay lập tức đưa chồng đến cấp cứu tại BV Đại học y dược. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán anh X. bị đột quỵ cấp và khởi động quy trình báo động cấp cứu đột quỵ. Ngay lập tức, các bác sĩ cấp cứu, bác sĩ thần kinh, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, điều dưỡng và các kỹ thuật viên cùng phối hợp khám, đánh giá, làm xét nghiệm, chụp cắt lớp não, giải thích tình trạng người bệnh với gia đình và đưa ra phương án điều trị. Chỉ trong vòng 15 phút từ khi được đưa đến bệnh viện, anh đã được tiêm thuốc thông mạch.

Do kết quả chụp cắt lớp cho thấy anh X. bị tắc một mạch máu lớn lên não nên người bệnh được đưa ngay đến phòng can thiệp để được rút huyết khối thông mạch bằng dụng cụ. Tại đây, các bác sĩ tiếp tục tiến hành chụp mạch máu và dùng các dụng cụ chuyên dùng luồn trực tiếp vào động mạch, lấy ra cục máu đông đang làm tắc mạch máu của người bệnh. Sau thủ thuật, anh X. đã có thể nói chuyện, tuy tay chân cử động còn yếu. Ngày hôm sau, người bệnh hồi phục hoàn toàn và đã có thể xuất viện sau khi tìm rõ nguyên nhân và lên kế hoạch điều trị lâu dài để phòng ngừa tái phát.

TS BS. Nguyễn Bá Thắng thăm khám bệnh nhân đột quỵ

Không may mắn như anh X., chị G. (47 tuổi, làm nghề buôn bán tại TP.HCM) đột quỵ trong một chuyến du lịch Vũng Tàu. Sau khi quá chén cùng vài người bạn, chị G. về ngủ. Sáng hôm sau, khi người thân lay gọi dậy nhưng chị G. không có bất kì phản ứng gì nên đã đưa chị đến bệnh viện cấp cứu.

TS BS. Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Đơn vị đột quỵ, Phó Trưởng Khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học y dược TP.HCM cho biết: “Người bệnh được đưa đến cấp cứu tại BV Đại học y dược trong tình trạng lơ mơ, liệt nửa người, không phản ứng gì với lời nói người khác. Các bác sĩ cũng khẩn trương tiến hành khám, xét nghiệm, chụp cắt lớp và chẩn đoán chị G. bị đột quỵ thiếu máu não nặng do tắc một động mạch lớn trong lúc ngủ.

Tuy nhiên, người bệnh được đưa đến bệnh viện hơn 12 giờ sau khi bị tắc mạch máu não, vượt quá với quãng “thời gian vàng” trong điều trị đột quỵ, và hình chụp cắt lớp cho thấy gần một nửa bộ não của chị đã bị hư hại, khiến các bác sĩ không thể can thiệp tái thông mạch máu cho người bệnh, mà chỉ có thể cứu sống tính mạng và giảm thiểu tối đa mức độ nặng nề do đột quỵ để lại. Chị G. được cứu sống, nhưng bị liệt nửa người, suy giảm nhận thức và khả năng giao tiếp, cuộc sống phía trước chỉ gói gọn trên giường bệnh và chiếc xe lăn".

Đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kì ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe. Một người trẻ tuổi đang có vẻ rất khoẻ mạnh, không bệnh tật cũng có thể bị đột quỵ bất cứ lúc nào, mà không hề có những dấu hiệu báo trước. Hơn thế nữa, hậu quả mà đột quỵ gây ra rất trầm trọng. Người bệnh có thể bị liệt nửa thân, mất khả năng giao tiếp, mất khả năng kiểm soát tiểu tiện, thậm chí hôn mê sâu và tử vong.

Đột quỵ có rất nhiều nguyên nhân

Theo TS BS. Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Đơn vị đột quỵ, Phó Trưởng Khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, mỗi tháng BV Đại học y dược TP.HCM tiếp nhận 100-120 ca bệnh đột quỵ. Trong số đó, chỉ có 8% người bệnh được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng” để được áp dụng các biện pháp điều trị thông mạch máu. Con số này ở nhiều bệnh viện khác trong cả nước còn thấp hơn, chỉ từ 1 đến 3%. Người tuổi cao có nguy cơ đột quỵ cao nhưng hiện nay tỉ lệ người bị đột quỵ dưới 45 cũng khoảng 30%.

Đột quỵ có rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, ba nguyên nhân phổ biến nhất là tăng huyết áp làm thoái hòa tắc mạch hoặc làm nứt vỡ mạch máu não, bệnh lý xơ vữa gây hẹp và tắc động mạch não, rung nhĩ tạo cục máu đông trôi làm tắc mạch não. Ngoài ba nguyên nhân chính trên, người bị đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh tim, mạch vành, xơ vữa động mạch chân, béo phì, hút thuốc lá, ít vận động, uống nhiều rượu bia có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn.

Đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kì ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe. Ảnh minh họa

Đột quỵ là căn bệnh phổ biến, bất ngờ và gây ra hậu quả nghiêm trọng như vậy, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa nguy cơ và giảm thiểu hậu quả của nó. Người bệnh đột quỵ nếu được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng” thì cơ hội phục hồi trở lại chất lượng cuộc sống như trước rất cao.

Thời gian vàng để cấp cứu người bệnh đột quỵ là 6 giờ kể từ khi phát bệnh, 3 giờ đầu có thể coi là thời gian kim cương.

Với đột quỵ, mỗi giây đều quý, nghĩa là dù cùng được chữa trong thời gian vàng nhưng người sớm hơn sẽ có kết quả tốt hơn. Bản thân người bệnh hoặc người xung quanh cần nhận biết ngay các dấu hiệu khi đột quỵ xảy ra như bị méo miệng, nói ngọng hoặc không nói được, yếu tay chân một bên để đưa đi cấp cứu kịp thời. Nếu người bệnh đột quỵ không được cấp cứu trong quãng “thời gian vàng” thì hậu quả phải chịu rất nặng nề, có thể liệt nửa người, hôn mê sâu, thậm chí tử vong.

TS BS. Nguyễn Bá Thắng khuyến cáo, để phòng tránh nguy cơ đột quỵ, mọi người cần phải có lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, tăng cường vận động và tập thể dục thể thao, giảm ăn mặn, giảm mỡ béo, tăng cường rau xanh và trái cây. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần khám sức khoẻ định kỳ, phát hiện các bệnh lý nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim, xơ vữa động mạch…để chữa trị kịp thời. Người đã từng bị đột quỵ còn cần phải uống các thuốc phòng ngừa và điều trị bệnh căn nguyên.

Nhằm nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về cách nhận diện và cấp cứu đột quỵ, Đơn vị Đột Quỵ BV Đại học y dực TP.HCM sẽ tổ chức chương trình Tư vấn miễn phí cho tất cả mọi người về phòng chống đột quỵ, nhân ngày đột quỵ thế giới 29-10 với chủ đề "Đừng gục ngã vì đột quỵ". Chương trình bắt đầu lúc 8 sáng chủ nhật, ngày 29-10-2017 tại BV.

Bình luận (0)

Lên đầu trang