Chủ quan với bệnh dại coi chừng mất mạng

Thứ Bảy, 21/04/2018 14:58  | Ngô Đồng

|

(CAO) Dại là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây từ động vật sang người, chủ yếu là qua các vết cắn, cào do động vật mang vi rút dại gây ra. Tất cả các trường hợp đã lên cơn dại đều dẫn đến tử vong.

Theo BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tại Việt Nam, trên 90% ca bệnh dại do chó gây ra, một số ít lây qua mèo và các động vật khác.

Trong năm 2017, cả nước đã có 74 người chết vì bệnh dại, và trong 3 tháng đầu năm cũng đã có 16 người chết vì bệnh dại. Tại TP.HCM, từ năm 2017 cho đến nay, có 1 người tử vong vì căn bệnh này.

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).

BS Lê Hồng Nga khuyến cáo, đây là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhưng có thể phòng chống và điều trị dự phòng được.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, ngành Y tế khuyến cáo người dân tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó, mèo) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại. Ảnh minh họa

Là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thế nhưng nhiều người dân vẫn còn chủ quan, dù bị súc vật cắn nhưng không đi chích phòng bệnh dại, do nghĩ là chó nhà nuôi đã được tiêm phòng.

Các bác sĩ cảnh báo, dù chó, mèo đã được tiêm phòng bệnh dại đầy đủ thì khi bị cắn hoặc cào hoặc liếm trên vùng da bị trầy xước, người dân cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương, sau đó đến ngay Trung tâm Y tế gấn nhất để được tư vấn, xử trí vết thương và tiêm phòng dại kịp thời, theo đúng chỉ định.

Tiếp tục theo dõi sát tình trạng sức khỏe của con chó, mèo trong vòng 15 ngày kể từ ngày bị cắn, nếu con vật bị bệnh, bị mất hoặc bị chết thì thông báo ngay cho cơ sở tiêm phòng dại để được tư vấn. Trong trường hợp bị chó hoang, mèo hoang không rõ lai lịch cắn, thì cần đến cơ sở y tế ngay lập tức để tiêm phòng bệnh dại.

TP.HCM: Một phụ nữ tử vong sau một tháng bị chó nhà hàng xóm cắn
 
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang