(CAO) Một phụ nữ 52 tuổi, ngụ tại TP.HCM đã tử vong sau 1 tháng bị chó nhà hàng xóm cắn. Riêng con chó cắn người phụ nữ trên cũng đã tử vong sau khi cắn nạn nhân.
Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho hay, TP.HCM vừa ghi nhận 1 trường hợp tử vong do chó dại cắn.
Theo đó, người phụ nữ 52 tuổi, bị chó của một người hàng xóm cắn vào cuối tháng 3-2017 nhưng không được tiêm phòng. Sau 1 tháng ngày bị cắn, người phụ nữ không may mắn này đã qua đời vì bệnh dại.
Ngay sau khi nhận thông tin, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã tiến hành lập danh sách và những người có tiếp xúc nguy cơ với con chó bị bệnh (bị chó cắn, cào hoặc liếm) để hướng dẫn tiêm phòng dại; đồng thời phối hợp với Chi cục thú y TP.HCM điều tra tình trạng tiêm chủng của đàn chó trong khu vực xảy ra ca bệnh dại.
Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó, mèo) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại. Ảnh minh họa
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, đây là trường hợp tử vong do chó dại cắn đầu tiên kể từ năm 2010 đến nay.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong rất cao. Thời gian ủ bệnh thay đổi từ vài tuần đến hàng năm tùy theo vị trí vết cắn.
Để phòng tránh bệnh dại, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khuyến cái mọi người cần lưu ý: Người nuôi chó cần thực hiện tiêm phòng dại định kỳ cho chó. Nếu chó bị bệnh, chết không rõ nguyên nhân cần liên hệ cơ quan thú y để được hướng dẫn.
Riêng với người không may bị chó cắn hoặc cào hoặc liếm trên vùng da bị trầy xước cần rửa sạch vết thương bằng nước và xà phòng; sát trùng bằng dung dịch povidin; sau đó đến ngay cơ sở y tế có tiêm phòng dại để được tư vấn tiêm vắc xin. Theo dõi sát tình trạng sức khỏe con chó trong vòng 15 ngày kể từ ngày bị cắn, nếu con chó bị bệnh, bị mất hoặc bị chết thì thông báo ngay cho cơ sở tiêm phòng dại để được tư vấn.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Bệnh thường lưu hành ở các nước thuộc khu vực châu Á và châu Phi. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương.
Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó, mèo) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.