Những đứa trẻ mang 'hố sâu kỳ lạ' giữa ngực và những hệ lụy về sức khỏe

Thứ Hai, 29/05/2017 08:20  | Ngô Đồng

|

(CAO) Khi phụ huynh phát hiện con mình có một lõm sâu giữa lồng ngực thì nên đưa con trẻ đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Những đứa trẻ mang "hố sâu kỳ lạ" giữa ngực

BS Lê Hữu Phúc, Phụ trách Khoa Chấn thương chỉnh hình BV Nhi Đồng 1 cho biết, thời gian gần đây, khoa thường xuyên tiếp nhận điều trị cho những trường hợp trẻ bị lõm thành ngực trước. Đây là một bệnh lý bẩm sinh và thường xuất hiện ở các trẻ nam. Trên cơ thể những trẻ này, thành ngực không nở nang mà trái lại, chúng bị lõm sâu vào trong lồng ngực tạo nên một “hố” sâu.

Trước đây, mỗi năm bệnh viện chỉ tiếp nhận điều trị cho khoảng 80 ca/năm; tuy nhiên, gần đây số lượng trẻ tăng lên đáng kể, khoảng 150 ca/năm.

BS Lê Hữu Phúc thăm khám cho một trường hợp trẻ bị lõm ngực. Ảnh: NĐ

Đang chờ phẫu thuật cho con trai 13 tuổi, một bà mẹ ở Tiền Giang chia sẻ: "Phát hiện ngực con trai bị lõm khoảng 4 năm qua, và vết lõm ngày càng rõ nét, sâu dần. Lúc đầu không biết là con bị gì, thấy sức khỏe vẫn bình thường, con vẫn đi học, chơi đùa bình thường nên không đưa đi khám. Tuy nhiên, gần đây con hay than mệt, khó thở, sụt ký nên đưa con đi khám mới biết con mắc bệnh lõm ngực bẩm sinh".

Hiện tại, tại Khoa Chấn thương chỉnh hình của BV Nhi Đồng 1 TP.HCM đang điều trị cho vài trường hợp trẻ bị lõm ngực, hầu hết là trẻ nam.

Hiện tại, tại Khoa Chấn thương chỉnh hình của BV Nhi Đồng 1 TP.HCM đang điều trị cho vài trường hợp trẻ bị lõm ngực, hầu hết là trẻ nam. Ảnh: NĐ

Bản chất của bệnh là do sự phát triển bất thường của một số xương sườn và xương ức theo chiều hướng “đi” vào trong và ra sau. Chính vì thế mà tạo ra một vết lõm hiển hiện ngay trước ngực đúng như tên gọi của nó.

Thực tế nhiều phụ huynh quá bận rộn với công việc nên không thường xuyên để ý đến những vấn đề sức khỏe của con. Do đó dễ bỏ qua các triệu chứng liên quan đến căn bệnh bẩm sinh này.

Hệ lụy nguy hiểm

BS Đặng Khải Minh, Khoa Chấn thương chỉnh hình BV Nhi Đồng 1 cho biết, lõm ngực bẩm sinh có tỉ lệ mắc bệnh không cao nhưng là một bệnh có tỉ lệ biến chứng cao. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh lõm ngực bẩm sinh không chỉ gây biến dạng về mặt thẩm mỹ mà còn gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe và sự phát triển.

Bệnh lõm ngực bẩm sinh không chỉ gây biến dạng về mặt thẩm mỹ mà còn gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe và sự phát triển. Ảnh: NĐ

Biến chứng tác động mạnh nhất là những thay đổi về mặt thẩm mỹ. Bộ ngực bị biến dạng, càng lớn, càng dậy thì, càng đến tuổi làm đẹp thì ngực càng bị biến dạng mạnh. Ngực trở nên gù vẹo, lõm sâu, co kéo. Đa phần các đối tượng đều cảm thấy xấu hổ, mất tự tin và ngại giao tiếp.

Bên cạnh những biến đổi về mặt thẩm mỹ là những ảnh hưởng tiêu cực về mặt sức khỏe. Tùy vào thể lõm ngực là chính tâm hay lệch tâm mà nó tác động tới tim như thế nào. Nhưng thường thì tim sẽ bị di đẩy ra khỏi vị trí bình thường. Sự tác động này thường làm thiếu hụt khối lượng máu tuần hoàn. Tim có thể lệch trái, lệch phải hoặc có khi bị ép ở chính giữa. Hoạt động phát nhịp tim có thể bị nhanh lên hoặc chậm đi bất thường.

BS Minh chia sẻ: "Đã có trường hợp trẻ bị lõm ngực khiến tim lệnh hẳn sang phải, rồi có trường hợp bị chèn ém phổi. Những trường hợp này nếu không được điều trị, thì hệ lụy sau này rất khó lường".

BS Đặng Khải Minh, Khoa Chấn thương chỉnh hình BV Nhi Đồng 1. Ảnh: NĐ

Ngoài ảnh hưởng đến tim, lõm ngực còn ảnh hưởng đến phổi. Do dị tật lõm ngực nên thể tích lồng ngực bị giảm rất lớn. Hiện tượng này làm phổi không thể giãn ra được và do đó chức năng hô hấp không đảm bảo. Thường xuyên, người bệnh bị chứng thiếu khí thở, thiếu máu,... Thể lực bị suy giảm và hầu như bị giảm phát triển. Nạn nhân khó có sự phát triển thể lực vạm vỡ nếu như không được điều trị sớm.

Trước những biến chứng có thể xảy ra, việc điều trị là bắt buộc. Với bệnh lõm ngực bẩm sinh, phẫu thuật tạo hình là ưu thế lớn nhất.

Lõm ngực bẩm sinh có tỉ lệ mắc bệnh không cao nhưng là một bệnh có tỉ lệ biến chứng cao. Ảnh: NĐ

Bác sĩ Đặng Khải Minh cho biết, những trẻ bị lõm ngực thường được phẫu thuật đặt thanh nâng ngực để nắn xương phát triển theo hướng mới. Cho đến khi xương phát triển cứng, chắc thì trở lại bệnh viện để mổ lấy thanh nâng ngực ra. Khoảng thời gian chờ thường kéo dài khoảng từ 2 đến 3 năm tùy tình trạng phát triển của xương. Điều trị lúc trẻ còn nhỏ sẽ thuận lợi hơn và hiệu quả cao. Lúc này xương của bé mềm và tốc độ phát triển nhanh hơn nên xương vùng ngực bị lõm cũng dễ nắn chỉnh và mau cứng chắc hơn.

"Hiện trẻ phẫu thuật lõm ngực tại BV Nhi Đồng 1 cũng đã được Bảo hiểm y tế chi trả 80%, do đó chi phí phẫu thuật còn lại không quá nhiều, mang lại cơ hội phát triển bình thường cho trẻ", BS Đặng Khải Minh thông tin thêm.

Bệnh khó phát hiện với những trường hợp lõm nhẹ, ở trẻ nhỏ có dấu hiệu chậm tăng cân hay suy dinh dưỡng, dễ nhiễm trùng hô hấp: viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí hen suyễn... Trẻ lớn mắc bệnh thường triệu chứng kín đáo hơn, cảm thấy nhanh mệt, khó thở khi vận động gắng sức. Nếu thấy các dấu hiệu trên, cần đưa trẻ đến các bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị.

Với những trường hợp dễ thấy, có trẻ thì khi 3-4 tuổi đã thấy ngực bị lõm, nhưng có trẻ thì 7-8 tuổi mới hiện rõ, cũng có khi trẻ lên 13 tuổi. Tuy nhiên, với những trẻ dưới 5 tuổi, các bác sĩ thường không phẫu thuật ngay nếu không có bệnh lý đi kèm và việc lõm ngực không gây nguy hiểm tính mạng mà theo dõi, hướng dẫn phụ huynh cho trẻ tập thể dục với những động tác tăng sự hô hấp, mà tốt nhất là bơi lội. "Độ tuổi phẫu thuật tốt nhất là từ 8-12 tuổi, điều trị trước dậy thì sẽ đem lại cơ hội phát triển bình thường cho các em", bác sĩ Minh nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang