Miền Tây: Nhiều ổ dịch cộng đồng bùng phát tại 'vùng xanh'

Thứ Năm, 21/10/2021 13:50  | Thiện Thảo

|

(CATP) Tính đến ngày 20-10, các tỉnh khu vực (KV) Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thực hiện Nghị quyết (NQ) 128 của Thủ tướng. Hầu hết các địa phương đã bỏ “giấy phép con” đi thưa về trình, bỏ test nhanh Covid-19, nhưng vẫn giữ chốt để khai báo y tế (KBYT), kiểm soát (KS) người vào địa phương nhằm thực hiện công tác phòng chống (PC) dịch. 

Lãnh đạo các địa phương đang chờ Bộ Y tế (YT) phân bổ vắc-xin ngừa Covid-19 để tiêm cho doanh nghiệp, người dân nhằm miễn dịch cộng đồng. Điều đáng lo là những ngày gần đây, ca nhiễm cộng đồng trong KV tăng lên có diễn biến phức tạp.

Dịch diễn biến phức tạp

0 giờ ngày 20-10, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu có quyết định thực hiện NQ128. Theo đó, tỉnh này trở thành vùng xanh, vùng mức độ an toàn của KV. Nhưng đến trưa 20-10, nhiều người lo lắng khi số ca F0 trong cộng đồng tăng cao. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 24 giờ qua tỉnh ghi nhận 100 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 qua xét nghiệm (XN) RT-PCR. Trong số đó, 50 ca cộng đồng đều là công nhân Công ty TNHH thủy sản Tấn Khởi (Cty Tấn Khởi, ở P1, TX.Giá Rai), trong 50 ca còn có 2 trường hợp đang cách ly (CL) tại nhà và 48 người về từ các tỉnh, thành phố (TP): Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Bình Phước, Lâm Đồng.

Ông Bùi Quốc Nam - Giám đốc Sở Y tế (YT) Bạc Liêu - cho biết, ổ dịch ở Cty Tấn Khởi rất phức tạp vì có hơn 700 công nhân, trong khi công ty cũng không thực hiện “Ba tại chỗ”. Sở YT đề xuất nâng cấp độ (CĐ) dịch ở P1, xã Phong Tân và xã Phong Thạnh Đông, TX Giá Rai từ 1 lên 4; các xã, phường còn lại trên địa bàn tỉnh áp dụng cấp độ 2, toàn tỉnh áp dụng cấp độ 2.

Từ 18 giờ ngày 21-10, tỉnh này sẽ có 5 xã, phường của TX Giá Rai thuộc cấp 4 (màu đỏ, nguy cơ rất cao) gồm: P1, P.Láng Tròn, xã Phong Tân, xã Phong Thạnh, xã Phong Thạnh Đông; 59 xã, phường còn lại thuộc cấp 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình). Tỉnh có 7/7 đơn vị cấp huyện thuộc cấp 2 và cấp tỉnh thuộc cấp 2 do tỉ lệ tiêm vắc-xin thấp.

Sở YT tỉnh Hậu Giang thống kê, từ 18 giờ ngày 19 đến 6 giờ ngày 20-10 địa phương ghi nhận 15 ca mắc Covid-19 mới, gồm: 1 trường hợp về từ TPHCM, 9 ca F1 liên quan đến ổ dịch tại xã Long Thạnh (huyện Phụng Hiệp) và 5 trường hợp là ca mắc mới trong cộng đồng tại xã Vị Bình (huyện Vị Thủy). Địa phương đang khẩn trương phong tỏa tạm thời KV có trường hợp mắc Covid-19 và truy vết, CL, lấy mẫu XN để KS ổ dịch này. Trước đó, ngày 18-10, Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hậu Giang ghi nhận 2 trường hợp mắc Covid-19 tại khoa Nội thần kinh - Hô hấp và đã phong tỏa khoa này, lấy mẫu XN trên 1.130 người.

Thống kê của các tỉnh khu vực ĐBSCL, tình trạng F0 trong cộng đồng có chiều hướng gia tăng. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo PC Covid-19 tỉnh An Giang, ngày 19-10 địa phương có 194 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó gồm 43 ca cộng đồng tại TP.Long Xuyên, huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Phú Tân, An Phú...

Tối 20-10, tin từ Ban chỉ đạo PC dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng cho biết, qua truy vết, XN sàng lọc trong cộng đồng, khu CL tập trung và các KV phong tỏa, tỉnh ghi nhận thêm 148 ca dương tính Covid-19 trong ngày; trong số này có 48 ca được phát hiện qua XN sàng lọc cộng đồng tập trung ở H.Trần Đề, TX.Vĩnh Châu; 50 trường hợp là người dân ở các tỉnh, thành tự phát về quê và tất cả đã được cách ly trước đó; 34 ca là F1 trở thành F0 và 16 ca phát hiện trong các khu vực phong tỏa, khu cách ly y tế (CLYT).

Tỷ lệ tiêm vắc-xin của số người về từ vùng dịch rất thấp

Kiến nghị tiếp tục xét nghiệm, cách ly

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người dân lo tái diễn tình trạng siết chặt quản lý như những ngày đầu chống dịch. Trong khi đó, lãnh đạo địa phương cho rằng, Bộ YT chưa tăng cường phân bổ lượng lớn vắc-xin theo nhu cầu của địa phương thì nguy cơ tái bùng phát dịch khi thực hiện NQ128. UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản gửi Thủ tướng và Bộ YT kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện NQ trên.

Theo đó, UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, trong Quyết định (QĐ) 4800/QĐ-BYT, việc Bộ YT yêu cầu chỉ XN những người đi lại từ vùng có dịch ở CĐ 4 là chưa phù hợp với thực tế. Cụ thể văn bản nêu: “Thực tế, người dân đi từ địa phương này đến địa phương khác, có khi phải đi qua rất nhiều vùng có CĐ dịch khác nhau (trong đó có thể đi qua vùng có dịch CĐ 4); người dân di chuyển tự do (không có quy định KS trên đường đi) hoàn toàn có thể bị lây nhiễm trong quá trình di chuyển khi đi qua vùng có dịch (thực tế đã có rất nhiều tài xế xe luồng xanh đã bị lây nhiễm khi di chuyển qua nhiều vùng)”.

Ngoài ra, văn bản của UBND tỉnh Cà Mau cũng thể hiện đối tượng CLYT, thời gian CLYT với từng đối tượng chưa phù hợp với thực tế là chỉ CLYT đối với người đến từ vùng có dịch CĐ 4 hoặc từ vùng CLYT. Không thực hiện CLYT đối với người đến từ các vùng có CĐ dịch còn lại, thời gian CLYT 7 ngày đối với người tiêm 1 mũi, 14 ngày đối với người chưa tiêm vắc-xin, theo dõi sức khỏe 7 ngày đối với người tiêm vắc-xin 2 mũi hoặc F0 đã khỏi bệnh còn trong 6 tháng.

Thời gian qua, Cà Mau có 75 ca, chiếm tỷ lệ hơn 10% số F0 từ tỉnh ngoài về, đã khỏi bệnh. Thực tế địa phương có nhiều trường hợp thời gian ủ bệnh rất dài, bình quân 23,5 ngày. Tỉnh này cũng phát hiện nhiều ca dương tính, lây nhiễm cho người khác sau khi đã tiêm 2 mũi vắc-xin. Trong khi đó, tỉ lệ tiêm vắc-xin ở Cà Mau đạt thấp (người tiêm 1 mũi chỉ đạt hơn 35% dân số, trường hợp đã tiêm 2 mũi đạt hơn 6% dân số).

Mặt khác, năng lực thu dung, điều trị bệnh của tỉnh còn hạn chế nhiều mặt, cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn nguồn nhân lực. Tỉnh đã tổ chức thêm 7 bệnh viện dã chiến (BVDC), nhưng tổng số giường điều trị mới đạt 1.740 (với 130 giường ICD).

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhận định, với những khó khăn, hạn chế trên, nếu triển khai thực hiện các quy định XN, CLYT theo QĐ 4800 của Bộ YT, khả năng sẽ có nhiều người dương tính với Covid-19 không được KS, phát hiện kịp thời, làm lây lan dịch bệnh, khi đó có thể sẽ bùng phát nhiều ổ dịch ngoài cộng đồng, với số lượng F0 vượt khỏi khả năng thu dung, điều trị của tỉnh.

Do đó, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ YT xem xét sửa đổi các quy định XN, CL theo hướng từng bước nới lỏng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, nhưng phải đảm bảo yêu cầu PC dịch, phù hợp với tiến độ tiêm vắc-xin và khả năng thu dung, điều trị bệnh của các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.

“Cần ưu tiên, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ phân bổ vắc-xin cho các tỉnh ĐBSCL, trong đó có Cà Mau, để nhanh chóng tiêm phòng, đảm bảo tỉ lệ miễn dịch cộng đồng cho người dân, nhất là người già, người có bệnh nền, trẻ em. Xem xét phương án điều chuyển, bổ sung đội ngũ y bác sĩ, một số máy móc, thiết bị phục vụ điều trị Covid-19 từ những tỉnh, thành đã kiểm soát được dịch và nới lỏng giãn cách đến các địa phương có người dân về nhiều như các tỉnh ĐBSCL.

Đồng thời, UBND tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị, hỗ trợ địa phương vật tư YT, thuốc... để điều trị cho số bệnh nhân Covid-19 khả năng tăng cao trong những ngày tới...”, văn bản ghi rõ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang