Nhức nhối nạn phá rừng làm nương rẫy

Thứ Tư, 27/11/2024 13:40  | Chí Dũng

|

(CATP) Canh tác nương rẫy là một tập quán có từ lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở tỉnh miền núi Kon Tum. Những năm qua, cùng với sự gia tăng dân số, đất sản xuất bị thu hẹp là tình trạng phá rừng làm nương rẫy ngày càng "nóng".

Mới đây, TAND huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum tổ chức xét xử sơ thẩm công khai vụ án "Hủy hoại rừng" đối với 5 bị cáo A Sun, A Pher, A Lãi, A Nghĩ, A Thum (cùng ngụ xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà).

Theo cáo trạng, trong khi đi rừng, A Pher, A Sun, A Lãi, A Nghĩ và A Thum phát hiện tại tiểu khu 337 (địa bàn thôn Đăk Klong, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà) đất tương đối bằng phẳng, nên nảy sinh ý định phát rừng để lấy đất canh tác. Các đối tượng hẹn nhau đến chia phần diện tích đất rừng trên thành 5 phần rồi dùng dao rựa, cưa máy chặt phát cây rừng, đốt để trồng cây mì.

Trong quá trình tuần tra, lực lượng chức năng phát hiện vụ phá rừng trên. Qua kiểm tra, diện tích rừng tự nhiên trên thuộc cộng đồng dân cư thôn Đăk Klong (xã Đăk Hring) quản lý, bảo vệ. Tổng diện tích rừng bị các đối tượng phá là gần 11.400m2, khối lượng gỗ bị thiệt hại gần 44m2.

Qua xem xét hành vi, tính chất, mức độ vi phạm và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo A Sun và A Pher mỗi bị cáo 22 tháng tù, A Lãi và A Nghĩ cùng 24 tháng tù và bị cáo A Thum 20 tháng tù giam.

Rừng huyện Đăk Glei bị chiếm để trồng mì

Tại TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum, Hạt Kiểm lâm cũng vừa khởi tố vụ án hình sự về tội "Hủy hoại rừng" xảy ra tại xã Hòa Bình. Sau khi khởi tố, Hạt Kiểm lâm TP.Kon Tum đã chuyển hồ sơ vụ án và tang vật cho cơ quan Công an cùng cấp điều tra theo quy định.

Trước đó, lực lượng liên ngành do Hạt Kiểm lâm TP.Kon Tum chủ trì đã kiểm tra và phát hiện tại tiểu khu 571 (thuộc xã Hòa Bình, TP.Kon Tum) rừng bị đào, lấn chiếm. Qua kiểm tra, đất lâm nghiệp bị đào múc với diện tích hơn 5.000m². Trong đó, diện tích rừng phòng hộ hơn 3.000m2 và 810m² rừng quy hoạch mục đích khác. Rừng bị phá là loại rừng tự nhiên, chức năng phòng hộ.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện 102 cây gỗ từ nhóm III đến nhóm VII bị đào, đường kính từ 10cm trở lên. Diện tích rừng phòng hộ bị phá thuộc lâm phần Nhà nước giao cho cộng đồng thôn Plei Chor, xã Hòa Bình quản lý, bảo vệ.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng liên ngành phát hiện một đối tượng sử dụng máy múc để đào phá rừng. Ban đầu, đối tượng khai được một hộ dân tại xã Hòa Bình thuê đào trên diện tích rừng này. Lực lượng chức năng lập biên bản kiểm tra, thiết lập hồ sơ ban đầu và đưa xe máy múc về trụ sở Hạt Kiểm lâm TP.Kon Tum để tạm giữ, phục vụ công tác xác minh, xử lý theo quy định.

Tại huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum do địa hình phức tạp, địa bàn rộng, rừng nằm cạnh đất rẫy của người dân nên việc tuần tra, truy quét rất khó khăn. Lợi dụng tình hình trên các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng thường tổ chức phát, dọn, trồng tỉa... vào ban đêm hoặc sáng sớm, những thời điểm mà lực lượng chức năng khó tiếp cận hiện trường.

Hiện trường vụ phá rừng, lấy đất canh tác ở Đăk Pxi

Vào tháng 10/2024, lực lượng Kiểm lâm kiểm tra và phát hiện 11,6 héc-ta rừng trồng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Glei bị mất. Diện tích này nằm xen kẽ với rẫy của người dân. Trong số diện tích rừng bị mất có 5,3 héc-ta có hiện trạng là đất trống, 1,1 héc-ta hiện trạng là cây rừng tự nhiên tái sinh, 5,2 héc-ta người dân đang trồng các loài cây lúa, mì, cà phê.

Đại diện Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Glei cho biết, đơn vị đã xác định được 12 hộ dân đang canh tác trên diện tích 5,2 héc-ta rừng bị mất. Đơn vị đã làm việc với các hộ dân này và cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng để tiến hành trồng lại 11,6 héc-ta rừng bị mất. Về mặt lâu dài, ngoài tăng cường công tác tuần tra, truy quét, đơn vị sẽ cắm mốc phân định rõ ranh giới giữa đất rẫy và đất rừng để tránh bị xâm chiếm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang