Lâm Đồng: Có sự tiếp tay, bao che nạn phá rừng, chiếm đất!

Thứ Sáu, 08/07/2022 17:47

|

(CAO) Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, có sự tiếp tay, bao che, thông đồng của chính quyền, kiểm lâm, Ban quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) trong một số vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp quy mô.

Đó chính là lý do khiến các vụ phá rừng chậm được phát hiện, ngăn chặn, xử lý gây dư luận không tốt về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Thường vụ Tỉnh uỷ sẽ quyết liệt, mạnh tay xử lý tình trạng này.

Ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đi kiểm tra vụ phá rừng tại Tiểu khu 148B, phường 8, TP Đà Lạt; chỉ đạo Công an tỉnh vào cuộc điều tra, truy bắt thủ phạm vụ phá rừng

Ngày 8-7, phát biểu tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa X, ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, công tác QLBVR thời gian qua, mặc dù đã được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo nhưng vẫn còn xảy ra các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp nổi cộm, phức tạp, thủ đoạn tinh vi. "Có sự tiếp tay, bao che, thông đồng của chính quyền, kiểm lâm, Ban QLBVR ở cơ sở", ông Hiệp nói.

Ông Hiệp cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng đã phát hiện 132 vụ vi phạm (giảm 135 vụ, tương đương giảm 51% so với cùng kỳ năm trước); diện tích rừng bị phá 22,5 ha (tăng 5 ha, tương đương tăng 29% so với cùng kỳ).

Đối tượng vi phạm ngày càng manh động, liều lĩnh, thường xuyên đe dọa lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Thực tế hiện trường một số vụ phá rừng gần đây cho thấy, những cánh (mảng) rừng bị phá diễn ra không chỉ một mà nhiều ngày. Vậy, chủ rừng, các đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng khi đó ở đâu? Các vụ phá rừng chậm được phát hiện, ngăn chặn, xử lý, gây dư luận không tốt về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.

Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng tại Tiểu khu 613, xã Lộc Phú, H.Bảo Lâm

Ông Hiệp chỉ ra nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền cơ sở một số nơi chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; chính quyền địa phương cấp cơ sở, đơn vị chủ rừng ở những địa bàn trọng điểm chưa thực hiện hết vai trò, trách nhiệm được giao, chưa làm tốt công tác quản lý nhà nước trong công tác quản lý bảo vệ rừng, thụ động trong thực hiện…

Ngoài ra, việc giải tỏa diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và giải toả nhà lưới, nhà kính trên đất lâm nghiệp tại địa bàn các huyện, thành phố, mặc dù thường xuyên có chỉ đạo, nhắc nhở, nhưng tình trạng kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, cơ quan chức năng chỉ vận động tự tháo dỡ và cưỡng chế tháo dỡ được gần 51 ha/216 ha (đạt 23%) toàn tỉnh. Các báo cáo cũng chỉ ra rằng, các huyện Đức Trọng, Đơn Dương với diện tích nhà kính, nhà lưới ít hơn đã gần hoàn tất và cam kết thực hiện việc tháo dỡ diện tích còn lại trong tháng 7 này.

Còn lại, TP Đà Lạt (tháo dỡ được 29 ha/171ha), H.Lạc Dương (3 ha/24 ha) cần đôn đốc, quyết liệt hơn để trả lại các mảng xanh, chống biến đổi khí hậu.

Phan Văn Thanh (đội nón bìa phải) bị khởi tố bắt tạm giam để điều tra về tội “hủy hoại rừng”

Thông tin từ các cơ quan chức năng, được biết, 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Lâm Đồng xử lý kỷ luật 5 tập thể và 22 cá nhân do thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật; khởi tố vụ án, khởi tố bị can 7 đối tượng để điều tra về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản.

Trước đó, tại một số địa bàn thuộc tỉnh Lâm Đồng xảy ra những vụ phá rừng nghiêm trọng. Điển hình như mới đây, ngày 16-5, tại Tiểu khu 148B, phường 8, TP Đà Lạt, diện tích lớn thông ba lá, thuộc rừng phòng hộ (đường kính từ 20 đến 60cm) do BQLR Lâm Viên quản lý đã bị lâm tặc cưa hạ tan hoang, gỗ còn nằm ngổn ngang ở hiện trường. Ngày 17-3, lực lượng chức năng phát hiện tại Tiểu khu 613 xã Lộc Phú, H.Bảo Lâm, toàn bộ 1,9 ha rừng bị phá hủy hoàn toàn.

Rừng thông bị phá tan hoang

Theo điều tra ban đầu của cơ quan Công an, có 76 m3 gỗ thông và các loại gỗ rừng tự nhiên bị đốn hạ, hiện trạng rừng bị đào bới, cày nát. Diện tích rừng này trước đây thuộc lâm phần quản lý, bảo vệ của DN tư nhân Anh Hải, đã bị tỉnh Lâm Đồng thu hồi. Nhưng do sai sót của cơ quan quản lý, chỉ thu hồi dự án rừng trên giấy khiến có kẻ "nhảy" vào phá rừng chiếm đất.

Liên quan đến vụ phá rừng này, ông Nguyễn Đình Cường - Chủ tịch UBND xã Lộc Phú và ông Hồ Văn Khang - Kiểm lâm địa bàn phụ trách quản lý, bảo vệ rừng tại khu vực Tiểu khu 613 đã bị tạm đình chỉ công tác.

Chủ tịch UBND tỉnh còn đề nghị kiểm điểm người đứng đầu cấp ủy địa phương. Sau thời gian tiến hành điều tra, truy tìm thủ phạm, ngày 6-4, Công an huyện Bảo Lâm đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với Phan Văn Thanh (tên thường gọi là Thanh Hương Rừng – trú xã Tân Lâm, Di Linh) để điều tra về tội “hủy hoại rừng”. Đối tượng Thanh được cho là kẻ chủ mưu vụ phá rừng này. 

Trước đó, ngày 31-3, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc xử lý nạn phá rừng tại tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của các cấp chính quyền tại địa phương, các Ban QLR phòng hộ, Ban QLR đặc dụng, các công ty nông, lâm nghiệp, các cá nhân trong công tác QLR và đất rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại tỉnh Lâm Đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang