(CAO) Thời gian qua, tại rừng phòng hộ Sông Tranh (xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) lại phát hiện nhiều cây gỗ lớn trong rừng bị đốn hạ, gỗ được tập kết ra bìa rừng rồi mang đi tiêu thụ.
Từ điểm trường mẫu giáo Trà Giác (thôn 1, xã Trà Giác), PV men theo con đường mòn bên trái trường này để vào sâu trong rừng. Đi được khoảng chừng 1km đến một rừng keo của người dân, PV phát hiện 16 phách gỗ dài khoảng 3m, rộng 40cm đang được tập kết dưới tán rừng keo, gỗ còn tươi và dấu cưa xẻ rất mới.
Một số gốc cây trong rừng phòng hộ Sông Tranh bị đốn hạ.
Ngoài ra, tại khu vực này còn có 5 phách gỗ dài 5m, rộng 15cm được tập kết, trong đó có 2/5 phách gỗ nhỏ còn mắc nối trong dụng cụ trâu kéo.
Từ điểm tập kết gỗ này, tiếp tục men theo con đường mòn đầy dấu chân trâu và dấu vết của việc kéo gỗ đi về phía rừng già, từ nơi bìa rừng phòng hộ, PV đã phát hiện dấu vết gỗ cưa còn mới, một số cây gỗ lớn đã bị cưa hạ, gỗ đã được xẻ mang đi chỉ còn lại trơ gốc.
Từ đây, có rất nhiều con đường mòn có dấu trâu kéo đi sâu vào rừng. Lần theo dấu vết kéo gỗ còn mới, PV tiếp tục phát hiện những cây gỗ có đường kính lớn đã bị cưa hạ, trong đó có một số cây đã nằm dưới đất nhưng chưa bị xẻ gỗ lấy đi.
Nhiều phách gỗ bị lâm tặc xẻ bỏ nằm lại trong rừng sâu.
Trước tình hình này, ông Phạm Xuân Bách, Chủ tịch UBND xã Trà Giác cho biết, tổng diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn xã hơn 15 nghìn ha. Thời gian qua, địa phương phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh, 4 tổ cộng đồng quản lý bảo vệ rừng tiến hành tuần tra, bảo vệ rừng.
Trong năm 2018 - 2019, trên địa bàn xã Trà Giác có xảy ra một số khai thác rừng nhưng chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, khi phát hiện địa phương tiến hành xử lý ngay. Tuy nhiên, những vụ phá rừng quy mô lớn không xảy ra trên địa bàn, trên địa bàn không có xưởng cưa…