20 giáo viên một trường học đăng ký hiến tạng

Thứ Tư, 27/11/2019 08:24  | Ngô Đồng

|

(CAO) Để gieo mầm thiện cho học sinh của mình, lan tỏa phong trào 'cho đi là còn mãi', 20 giáo viên của một ngôi trường ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã đi đăng ký hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.

Chiều ngày 26-11, TS.BS. Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã đến Trường THPT Nguyễn Du, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để trao 22 thẻ hiến tạng cho các thầy cô giáo và phụ huynh học sinh.

TS.BS. Dư Thị Ngọc Thu trao thẻ hiến tạng cho các thầy cô giáo. Ảnh: NĐ

BS. Dư Thị Ngọc Thu cho biết, đây là lần đầu tiên có một số lượng lớn các thầy cô giáo đăng ký hiến tạng. Đây là điều vô cùng quý giá và tuyệt vời.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy, giáo viên môn công nghệ của trường cho biết, cô có ý định này từ rất lâu rồi và được gia đình đồng ý nên cô đã tìm hiểu. Cô Thúy và một số học trò của mình đã đi nhờ xe của một phụ huynh đến tận Bệnh viện Chợ Rẫy để tìm hiểu về hoạt động hiến tặng mô tạng sau khi qua đời.

Sau khi hiểu được ý nghĩa nhân văn này, cô đã nhiệt tình vận động các thầy cô khác cùng tham gia và cũng muốn gieo mầm thiện này đến các em học sinh của trường.

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Tâm cũng cho biết: “Thầy mong muốn khi chết đi vẫn còn được giúp đỡ người khác. Việc hiến tạng không những nối dài sự sống cho những người bị bệnh mà còn lan tỏa mạnh mẽ những tấm lòng thiện nguyện, bùng lên ngọn lửa nhân văn sâu sắc trong mỗi con người. Với các em học sinh, tuy chưa đủ tuổi, nhưng khi biết được ý nghĩa nhân văn này, có thể giúp lan tỏa ý nghĩa nhân văn này".

Có những cái chết hóa thành bất tử, đó là câu chuyện vô cùng cảm động của bé Hải An 7 tuổi, đã hiến tặng giác mạc của mình cho những bạn nhỏ khác sau khi em qua đời vì căn bệnh u cầu não xâm lấn. Đó là câu chuyện của thiếu tá Lê Hải Ninh để lại sự sống cho 6 người khác bằng việc hiến tặng nội tạng của mình. Là câu chuyện của bé Vân Nhi 12 tuổi mỉm cười hiến giác mạc sau 50 lần phẫu thuật không thành. Là câu chuyện của anh Dương Hồng Quý không may chết não đã cứu sống 5 người như ước nguyện của mình lúc sinh thời,...

Các thầy cô giáo cho biết, tình hình lan tỏa và thay đổi nhận thức về việc hiến tặng mô, tạng đã được thực hiện tại trường THPT Nguyễn Du trong gần một năm nay. Thầy trò trường Nguyễn Du đã tổ chức các cuộc thi kể chuyện, hùng biện, kịch hóa những nhân vật điển hình, lan tỏa trong cộng đồng mạng qua các Video, Youtube với nhan đề “Nghĩa cử cao đẹp của thiếu tá Lê Hải Ninh và gia đình”, “Lan tỏa việc hiến tặng mô tạng”,... và đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ thầy cô, học sinh.

Từ đó, có không ít thầy cô của trường với trái tim nhân ái, ấm nóng yêu thương đã đặt bút tình nguyện đăng kí hiến tặng mô, tạng của mình sau khi không may qua đời.

Nhận lời mời của nhà trường, TS.BS. Dư Thị Ngọc Thu cũng đã tham gia buổi nói chuyện vào chiều 26-11 cho các em học sinh tại Trường THPT Nguyễn Du, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc hiến mô tạng.

TS.BS. Dư Thị Ngọc Thu tham gia buổi nói chuyện vào chiều 26-11 cho các em học sinh tại Trường THPT Nguyễn Du, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc hiến mô tạng. Ảnh: NĐ
Toàn thể học sinh đã lắng nghe buổi nói chuyện về việc hiến mô tạng. Ảnh: NĐ

Đây cũng là lần đầu BS. Thu tham gia hoạt động như thế này tại trường học, với hi vọng gieo được mầm thiện trong tâm hồn các em.

Em Nguyễn Quang Duy, học sinh lớp 12A3 của trường chia sẻ, là một người có cơ thể khỏe mạnh và đầy đủ, khi đã biết đến và tìm hiểu sâu sắc về việc hiến tạng, em cũng phần nào thấu hiểu về sự bất hạnh, nỗi đau và khát khao được sống tiếp của những người bệnh đang chờ được ghép tạng.

Em Quang Duy cho biết: "Em thích câu nói 'Hãy sống như ngày cuối cùng chúng ta được sống và yêu như ngày cuối cùng chúng ta được yêu', và khi nghĩ chỉ còn hôm nay để sống thì em luôn làm những điều tốt nhất, hết khả năng của mình,... Bản thân em cũng đã chuẩn bị tâm lý và sẵn sàng đăng ký hiến tạng khi bước qua tuổi 18, sẵn sàng hiến tặng một phần cơ thể của mình nếu chẳng may em phải tạm biệt cuộc sống này".

Em Nguyễn Thị Thanh Ngân, học sinh lớp 12A4 cũng chia sẻ, em đã được biết những câu chuyện hiến tạng cứu người vô cùng cảm động. Những câu chuyện hiến tạng đến từ những công dân Việt Nam mãi là những minh chứng sống cho lý tưởng sống 'cho đi là còn mãi'.

Các em học sinh tuy chưa đủ tuổi, nhưng đã rất quan tâm đến hành động nhân văn cứu người về việc hiến tạng khi qua đời.Ảnh: NĐ
Những hạt mầm nhân văn đã thật sự lan tỏa mạnh mẽ trên mảnh đất đỏ Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: NĐ

Theo số liệu thống kê từ Đơn vị Điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, tính đến ngày 11-11-2019, đã có 12.450 người đăng kí hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy với các độ tuổi. Trong đó, chiếm tỉ lệ cao nhất là độ tuổi từ 40 tuổi trở lên. Và ngược lại, tỉ lệ thấp nhất là độ tuổi từ 18-20.

BS. Thu cho biết: “Chúng tôi từng nghĩ rằng phải trong một tương lai rất dài mới có thể thực hiện được việc thay đổi trong nhận thức của học sinh. Không ngờ, bây giờ các em đã quan tâm đến việc này".

Theo BS. Dư Thị Ngọc Thu, ở các nước phát triển, trẻ em dưới 18 tuổi được phép hiến tạng. Ở Việt Nam, luật vẫn chưa cho phép điều đó, chỉ chấp nhận khi người hiến tạng từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, nếu theo xu hướng chung của thế giới, sẽ giúp được cho nhiều bệnh nhi có cơ hội sống.

Những hạt mầm nhân văn đã thật sự lan tỏa mạnh mẽ trên mảnh đất đỏ Bà Rịa - Vũng Tàu, không chỉ có 20 thầy cô giáo đăng ký hiến tạng khi chẳng may qua đời mà còn có 2 phụ huynh quyết định đăng ký hiến tạng từ lời chia sẻ sự hiểu biết của con em mình về vấn đề hiến tạng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang