(CAO) Mỗi học sinh ở huyện H’Drai (Kon Tum) nằm trong chế độ hỗ trợ gạo được nhận mỗi tháng 15kg gạo. Tuy nhiên, khi gia đình các em nhận gạo về thay vì nấu cơm lại đem đi bán, hoặc cho gà ăn vì cơm nấu ra rất khô và cứng.
Ia Tơi (huyện H’Drai) là xã đặc biệt khó khăn, nơi có đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Phần lớn học sinh nơi đây đều được nhận chế độ hỗ trợ gạo. Nhưng khi được hỏi, các bậc phụ huynh cho biết, gạo nhận về chủ yếu đem bán cho mấy cơ sở nấu rượu trong xã hoặc đem cho gia cầm ăn.
Chị Đinh Thị Phương (mẹ của cháu Nguyễn Đình Hoàng, học lớp 1, trường Tiểu học Lê Quý Đôn, xã Ia Tơi) khi được hỏi về gạo hỗ trợ cho con chị, chị Phương vội lấy ra nồi cơm mới nấu còn đầy. Chị cho biết gạo hỗ trợ nấu 2 thằng nhỏ không ăn, chỉ 2 vợ chồng ăn.
Hai đứa nhỏ không chịu ăn cơm nấu từ gạo hỗ trợ nên mua gạo khác về nấu cho chúng ăn. Còn 2 vợ chồng chị làm công nhân chưa nhận được lương nên không đủ tiền mua gạo nên dùng gạo hỗ trợ để nấu cơm. Trước đó, khi nhận được gạo từ nhà trường về, chị đã bán cho cơ sở nấu rượu ở thôn 4, một ít để lại. Chị bán 1 bao gạo 50kg được 400.000 đồng, số tiền này chị sau đó mua gạo khác về cho gia đình, chị Phương chia sẻ.
Còn tại nhà em Triệu Duy Linh (học sinh lớp 9, Trường THCS Trần Quốc Tuấn), gia đình em Linh không đem bán đi mà mua gạo mới về trộn để nấu cơm ăn. Chị Triệu Thị Sỹ (mẹ em Linh) – cho biết: Năm học vừa rồi, con chị nhận gạo hỗ trợ 2 lần được 135 kg gạo. Phần lớn gạo chị dùng nấu rượu để bán. Do gia đình khó khăn, số gạo còn lại chị dùng trộn với gạo mua ở tạp hóa theo công thức 1 gạo hỗ trợ, 2 gạo mua trước khi nấu.
Chị Sỹ phản ánh về gạo nấu cơm không ăn được - Ảnh: Bảo Bình
“Gạo hỗ trợ cho học sinh nấu cơm lên rất cứng, khô và nhạt. Nói chung nếu nấu một mình gạo đó khó ăn lắm. Phần lớn người dân nơi đây, nhận được về không nấu cơm ăn mà đem đi đổi gạo khác về ăn. Giá 1 kg gạo bán được 8.000 đồng, rồi mua lại gạo khác với giá cao hơn về ăn”, chị Sỹ tâm sự.
Tương tự nhà chị Phương và chị Sỹ, gia đình em Cao Xuân Trường (lớp 9, Trường THCS Trần Quốc Tuấn) cũng - cho hay gạo nhận về lần đầu nấu ăn thử nhưng không ăn nổi, gia đình đành đem đi bán. Từ khi con đi học được nhận gạo hỗ trợ, gia đình đều đem bán cho cơ sở nấu rượu trong xã rồi lấy tiền đó đem mua gạo khác.
Cô Nguyễn Thị Hồng Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn - cho biết: “Nhà trường học kỳ I có 96 em được nhận gạo hỗ trợ, học kỳ II có 99 em. Mỗi em, 1 tháng được nhận 15 kg gạo trong vòng 9 tháng học. Năm học này, gạo được chở bằng xe tải lên nhà trường 2 lần. Khi có gạo, nhà trường thông báo cho các phụ huynh lên nhận ngay. Nhà trường chỉ là nơi tiếp nhận nên không nắm nguồn gốc gạo, cũng không có chuyên môn kiểm tra chất lượng gạo”.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum tổng số học sinh được xét duyệt hưởng chính sách hỗ trợ gạo năm học 2015 -2016, kỳ I là 19.071 học sinh, kỳ II là 18.559 học sinh. Đối với học sinh thuộc diện được cấp gạo nhưng không được nhà trường tổ chức ăn bán trú trong trường sẽ cấp phát trực tiếp cho các em học sinh. Còn ở bán trú, nhà trường giữ gạo được cấp để tổ chức nấu ăn cho học sinh.
Số gạo hỗ trợ cho con, gia đình chị Phượng để một phần để dùng cho gà ăn.- Ảnh: Bảo Bình
Trả lời về nội dung gạo hỗ trợ cho học sinh bị người dân phản ánh về chất lượng, ông Lưu Văn Quân, Trưởng phòng Kế hoạch Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bắc Tây Nguyên - cho hay gạo hỗ trợ cho học sinh là loại gạo IER 50404, sản xuất tại vụ Đông xuân khu vực Nam bộ năm 2015. Gạo có tỷ lệ 15% tấm, chất lượng theo tiêu chuẩn chung của Nhà nước. Năm học 2015 -2016, cục đã xuất cho tỉnh Kon Tum 2.300 tấn gạo hỗ trợ học sinh, Gia Lai là 1.300 tấn.
Phía Cục dự trữ thường xuyên tổ chức kiểm tra tới các huyện và trường. Phần lớn nhà trường và học sinh đánh giá gạo tốt. Có một số ở cấp huyện và Sở GD&ĐT cũng có kiến nghị nâng cao thêm về chất lượng gạo.
Người dân ở xã Ia Tơi không hài lòng về chất lượng gạo hỗ trợ cho học sinh - Ảnh: Chí Dũng
Ông Nguyễn Quốc Phong, Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bắc Tây Nguyên bổ sung thêm, gạo dự trữ được bảo quản trong môi trường tiêu chuẩn nên không thể ảnh hưởng đến chất lượng. Có thể do các gia đình có nhiều con trong chế độ, nhận 1 lần nhiều gạo rồi để dưới nền nhà lâu ngày bị ẩm ướt nên ảnh hưởng đến chất lượng. Trong tuần tới đây, chúng tôi sẽ làm việc với Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum và các đơn vị liên quan để kiểm tra ý kiến của người dân về gạo hỗ trợ cho học sinh.
Quy định nhận gạo hỗ trợ là học sinh tiểu học và trung học cơ sở đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú; học sinh bán trú đang học tại các trường tiểu học và trung học cơ sở công lập ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; học sinh là người dân tộc thiểu số có bố, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp có hộ khẩu thường trú tại xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, không hưởng chế độ nội trú, có nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày đang học tại các trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học công lập. Trong suốt 9 tháng đến trường, mỗi học sinh được hưởng hỗ trợ 15 kg gạo/tháng từ nguồn gạo dự trữ quốc gia. |