(CATP) Mặc dù đã bán đất, nhận tiền nhưng chủ đất lại tiếp tục chuyển nhượng miếng đất trên cho một người khác. Sự việc càng trở nên phức tạp khi tranh chấp giữa hai người mua được xử lý bằng... bạo lực. Việc này xảy ra ở phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TPHCM đã gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
MỘT CĂN NHÀ BÁN CHO HAI NGƯỜI
Theo đơn phản ánh của ông Phạm Đình Khương (SN 1971, ngụ Q.Bình Tân, TPHCM), năm 2005, ông mua một phần đất tại số 109 đường 36, P.Bình Trị Đông B với diện tích 40m2 (được tách ra từ một phần thửa đất tại số 109) của ông Lê Văn Minh (SN 1971) với giá 400 triệu đồng.Quá trình mua bán được xác nhận bằng giấy mua bán viết tay do ông Minh và bà Lê Thị Thanh Nguyệt (SN 1969, vợ ông Minh) cùng ký tên và hai người này hứa sẽ tách sổ cho ông Khương sau khi nhà được xây dựng.
Sau đó, ông Khương đã nhờ ông Minh đứng tên xin giấy phép xây dựng xây nên căn nhà kết cấu 2 tầng (sát bên nhà ông Minh, cùng nằm trên thửa đất tại số nhà 109). Xây dựng xong nhà, gia đình ông Khương cư trú ổn định từ đó đến nay và có đăng ký tạm trú từ năm 2006. Thời gian có nhà ở, ông Khương thúc giục ông Minh, bà Nguyệt tách sổ, nhưng họ không có động thái làm. Đến năm 2012, bà Nguyệt thông báo cho ông Khương đất ông có một phần thuộc quy hoạch đường dự phóng của quận Bình Tân nên cơ quan chức năng chưa cấp được sổ.
Đến giữa năm 2019, ông Khương biết được, ông Minh và bà Nguyệt sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở tại số 109 cho người khác, trong đó bao gồm phần căn nhà mà gia đình ông Minh đang ở và căn nhà gia đình ông Khương đang ở. Lập tức, ông Khương gửi đơn ngăn chặn tẩu tán chuyển dịch tài sản lên Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh văn phòng đất Đai quận Bình Tân... đồng thời gửi đơn giải quyết vụ tranh chấp tài sản lên Tòa án nhân dân (TAND) quận Bình Tân để giải quyết.
Tuy nhiên, quá trình thụ lý hồ sơ, TAND quận Bình Tân hai lần mời ông Minh, bà Nguyệt lên giải quyết nhưng cả 2 người đều vắng mặt. Gần đây, một số người xưng là chủ nhà đến yêu cầu gia đình ông Khương giao nhà nhưng ông không đồng ý và giải thích căn nhà có tranh chấp, tòa đang thụ lý giải quyết.
Tuy nhiên, từ ngày 29-5-2020 đến nay, những người xưng được chủ nhà ủy quyền liên tục đập phá dỡ bên nhà ông Minh, bà Nguyệt và cố ý đập vỡ tường, xuyên thủng tường nhà ông Khương. "Tôi giải thích căn nhà này tôi đã mua nhưng bị tranh chấp nên tòa đang thụ lý. Thế nhưng, những người này đe dọa gia đình tôi, đập phá nhà tôi dẫn tới rạn nứt, thủng lỗ lớn. Trước hành vi trên chúng tôi đã báo Công an P.Bình Trị Đông đến giải quyết thì họ dừng lại. Tuy nhiên, những ngày sau họ lại tiếp tục đập phá nhà tôi", ông Khương bức xúc.
Những người đến đập phá tường nhà, đe dọa ông Khương
Ông Khương cho biết thêm, tài sản nhà đất này hiện nay đang được cầm cố tại Ngân hàng Agribank - Chi nhánh An Phú, nhưng chủ mới lại được phép ủy quyền cho những người này tới hủy hoại tài sản và xâm phạm chỗ ở hợp pháp của gia đình ông.
CƠ QUAN CHỨC NĂNG NÓI GÌ?
Liên quan đến vụ việc, UBND P. Bình Trị Đông B cho biết đã có buổi làm việc với các bên liên quan vụ tranh chấp. Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Như Ý (chủ mới căn nhà 109 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cho biết: "Việc mua bán giấy tay giữa ông Minh, bà Nguyệt và ông Khương không có giá trị pháp lý, tôi không đồng ý việc chờ phán quyết của tòa vì nếu xảy ra thiệt hại cho tôi thì ai sẽ chịu trách nhiệm. Nếu trong 5 ngày (ngày làm việc 5-6-2020) ông Khương không liên hệ tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tôi sẽ tiếp tục sửa chữa tháo dỡ căn nhà trên".
Bà Lê Thị Thanh Nguyệt (vợ ông Minh) cho biết: "Một phần đất ông Khương mua bằng giấy tay do diện tích đất không đủ điều kiện để tách sổ cấp sổ hồng nên tôi đã thế chấp ngân hàng căn nhà 109. Thời gian sau tôi không còn khả năng thanh toán, ngân hàng phát mãi bán cho ông Nguyễn Thế Cường". Đại diện TAND quận Bình Tân cho biết, hiện nay tòa đang thụ lý vụ việc.
Tòa sẽ đưa ông Huỳnh Như Ý và ngân hàng vào tham gia tố tụng với tư cách người có nghĩa vụ liên quan: "Nếu ông Khương yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm thời để đảm bảo giữ nguyên hiện trạng tài sản, việc yêu cầu trên đúng quy định pháp luật thì tòa sẽ ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời", đại diện TAND quận Bình Tân thông tin.
Trao đổi với phóng viên Báo Công an TPHCM, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, hành vi của vợ chồng ông Minh đã chuyển nhượng đất cho ông Khương, rồi nhưng tiếp tục thế chấp ngân hàng và chuyển nhượng cho người khác phần đất là hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo. Cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra hành vi này nếu có dấu hiệu hình sự thì phải khởi tố vụ án.
Vợ chồng ông Khương mặc dù mua nhà bằng giấy viết tay nhưng đã sinh sống ổn định, đã thực hiện xong hơn 2/3 hợp đồng, xây nhà trên đất nên vợ chồng ông Khương làm đơn ra tòa yêu cầu tòa án công nhận hợp đồng này là hợp pháp.
Những người đập phá nhà ông Khương có hành vi vi phạm pháp luật, nếu tài sản nhà ông Khương bị thiệt hại đủ cơ sở thì có thể bị truy tố tội hủy hoại tài sản. Vợ chồng Khương nên làm đơn tố cáo các đối tượng nêu trên về hành vi đe dọa giết người (nếu có), hành vi hủy hoại tài sản, tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản (nếu có)... ra cơ quan công an.