(CAO) Liên quan đến bài viết trên Tạp chí điện tử Ngày nay, ngày 16/3/2022, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM đã có văn bản để phản hồi thông tin trên bài báo về đề án liên kết chuyên môn giữa Bệnh viện Ung Bướu (BVUB) và Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức (BVĐK Hồng Đức).
Theo đó, ngày 14/3/2022, Tạp chí Điện tử Ngày nay có đăng bài “Bệnh viện Ung Bướu TPHCM: “Câu” bệnh nhân ra bệnh viện tư mổ… dưới mác “liên kết chuyên môn”.
Bệnh viện Ung Bướu TPHCM
Phản hồi về nội dụng này, BVUB cho biết, năm 2014, xuất phát từ tình hình quá tải của BVUB, số lượng bệnh nhân chờ mổ lâu ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, BVUB đã xin chủ trương Sở Y tế và UBND TP về việc liên kết chuyên môn với BVĐK Hồng Đức trong việc tổ chức phẫu thuật cho các bệnh nhân. Đến ngày 14/1/2015, UBND TP có công văn số 140/UBND-VX chấp thuận chủ trương này.
Trong đề án và thực tế công tác, BVUB đã xây dựng và tuân thủ chặt chẽ các quy trình: chuyển viện, tham gia phẫu thuật, khám sau mổ, xử lý khi xảy ra tai biến/biến chứng, cũng như quy định rất rõ về trách nhiệm của mỗi bên tham gia đề án.
Khi bệnh nhân có yêu cầu được mổ tại BVĐK Hồng Đức, bác sĩ điều trị sẽ tư vấn cho bệnh nhân/thân nhân về các quyền lợi, mức chí phí dự kiến và bệnh nhân/ thân nhân sẽ ký xác nhận về việc đã được thông tin và tự nguyện lựa chọn được điều trị ở BVĐK Hồng Đức.
Qua 7 năm hoạt động, tuy số ca lựa chọn dịch vụ liên kết chuyên môn với BVĐK Hồng Đức chỉ chiếm một số nhỏ so với khoảng 26.000 ca phẫu thuật hàng năm thực hiện tại BVUB, nhưng luôn nhận được sự phản hồi tích cực từ phía bệnh nhân.
Dựa vào các thông tin được nêu trong bài viết đăng trên Tạp chí Điện tử Ngày Nay, BVUB và BVĐK Hồng Đức đã phối hợp xem lại các trường hợp chuyển qua BVĐK Hồng Đức từ ngày 9/3/2022 đến nay thì chỉ thấy có 01 trường hợp có các thông tin tương tự về chẩn đoán, chỉ định phẫu thuật và số tiền tạm ứng đã nộp như bài viết đã nêu.
Bệnh nhân này được BVUB chuyển BVĐK Hồng Đức phẫu thuật ngày 9/3/2022, do bác sĩ chuyên khoa của BVUB thực hiện và xuất viện vào 14g00 ngày 11/3/2022. Tổng chi phí bệnh nhân phải thanh toán là 17.156.057 đồng, trong đó chi phí phẫu thuật chỉ khoảng 1/3, còn lại là chi phí xét nghiệm, vật tư, thuốc, tiền giường và các chi phí dịch vụ chuyên môn khác, số tiền 28.852.000 đồng mà bài viết nêu chỉ là tiền tạm ứng. Phần tiền chênh lệch giữa tiền tạm ứng so với chi phí thực tế đã được BVĐK Hồng Đức hoàn trả lại cho bệnh nhân.
Mặt khác, trong hồ sơ bệnh án lưu tại BVĐK Hồng Đức, bệnh nhân cũng ghi rõ; "Tôi: Đ.H.N. thống nhất, tự nguyện đăng ký mổ tại Bệnh viện Hồng Đức. Bản thân không có ý kiến gì thêm.”
BVUB đề nghị, nếu đúng trường hợp báo đã nêu là trường hợp này, đề nghị Tạp chí Điện tử Ngày Nay cân nhắc lại về việc bài viết đưa ra các nhận định như “móc túi”, “cắt cổ”, “lại quả”, “sân sau”, “phải thanh toán chênh lệch đến 17,5 triệu đồng” cho khách quan và chính xác.
Liên quan đến bài viết trên, trước đó Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế cho biết đã đề nghị Sở Y tế TPHCM khẩn trương xác minh, làm rõ các thông tin, phản ánh trên, có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, nếu có vi phạm.
Đồng thời, khẩn trương báo cáo về Bộ Y tế và công khai trên các cơ quan báo, đài. Kết quả phải báo cáo về Cục Quản lý khám, chữa bệnh trước ngày 24/3/2022.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng đề nghị Sở Y tế TPHCM tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền giáo dục về pháp luật cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân, thực hiện đúng quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định 109/2016/NĐ-CP, Nghị định 155/2018/NĐ-CP và các văn bản liên quan.