(CATP) Dù hầu hết các bệnh viện (BV) tại TPHCM đều bắt đầu khám vào lúc 6 giờ sáng, nhưng từ 1 - 3 giờ nhiều nơi bệnh nhân (BN) đã đến vật vạ ngồi chờ hoặc xếp hàng "xí chỗ" lấy số thứ tự, vô cùng mệt mỏi.
Tại BV Đại học Y dược (đường Hồng Bàng, Q5) mới hơn 1 giờ sáng, người đến chờ lấy số đã nhốn nháo trước cổng. Anh Hoàng Đình Thanh (quê Đắk Nông) cho biết vừa đi xe đò tới, giờ ngồi đợi đến 3 giờ mới xếp hàng lấy số thứ tự.
"Tôi hy vọng sẽ nằm trong tốp khám đầu tiên, vì trễ một chút thôi có khi đứng xếp hàng cũng đủ mệt rồi, chứ đừng mong được khám xong sớm", anh chia sẻ.
Tầm 1 - 2 giờ sáng, tại Viện Tim (đường Dương Quang Trung, Q10) đã thấy nhiều người tay xách nách mang tìm đến. Bệnh nhân, thân nhân vội vã bấm số rồi tìm ghế đá, chỗ trống trên hành lang ngồi đợi, nhiều người phải kiếm chỗ tranh thủ ngủ vạ vật vì đã trải qua gần một đêm thức trắng. Đến khoảng 5 giờ, tất cả khuôn viên, ghế đá, hành lang BV đều chật kín người.
Vật vạ chờ khám bệnh giữa đêm ở Viện Tim
Bệnh nhân kéo đến chờ lấy số thứ tự lúc nửa đêm tại BV Chợ Rẫy cũng tương tự. Vợ chồng anh Đỗ Bá Thuận (ở Phú Yên) đến đây lúc 11 giờ đêm. Anh cho biết hai vợ chồng đón xe từ trưa hôm qua rồi vào thẳng BV luôn để lấy được lượt khám sớm, tranh thủ còn kịp về trong ngày.
Mới 3 giờ sáng, tại BV Ung bướu (đường Nơ Trang Long, Q. Bình Thạnh), người đến chờ phòng khám mở cửa đã ngồi kín gần hết các dãy ghế, ai nấy đều khá mệt mỏi. Anh Nguyễn Văn Hương (ở Đắk Lắk) cho biết, 5 giờ phòng khám mới mở cửa cho vào bấm số, nhưng ngày nào cũng quá tải nên không đi sớm thì có khi chen vào không nổi.
Vào giờ mở cửa, tại khu vực khám ước tính đã có cả ngàn người đợi. Cảnh bệnh nhân chen chúc muốn nghẹt thở, nhiều trường hợp không còn chỗ ngồi phải dạt ra bên ngoài lối đi chính của BV...
Mệt mỏi chầu chực trước một phòng khám bệnh viện
Một bác sĩ ở Viện Tim cho hay, BN chờ phẫu thuật đã lên đến hàng ngàn người, trong khi mỗi ngày làm hết công suất, cơ sở này cũng chỉ xử lý được trên chục ca.
"Hiện có nhiều BN các tỉnh đang chờ được mổ tim, đặc biệt là trẻ em, trong đó những trường hợp nặng có nguy cơ tử vong nếu phải chờ quá lâu. Nhưng với công suất mổ trong điều kiện cho phép như hiện nay, phải mất vài năm nữa Viện Tim mới giải quyết hết số BN tồn đọng, đó là chưa tính đến trường hợp BN phát sinh trong thời gian này" - ông chia sẻ.
Theo ngành y tế (YT), tình trạng quá tải tuyến trên là nguyên nhân chính dẫn đến việc BN phải mệt mỏi chờ khám, mà vấn đề tồn tại lâu nay vẫn do cơ sở vật chất kém, trang thiết bị lạc hậu, bên cạnh đó các tuyến YT cơ sở chưa đủ mạnh để người dân tin tưởng nên vẫn phải dồn lên tuyến trên.
Mặc dù thời gian gần đây nhiều BV đã được đầu tư xây mới, nâng cấp nhưng thực trạng cơ sở vật chất YT tại TPHCM nói chung hiện vẫn còn thiếu và quá cũ kỹ. Nhiều BV lớn như Đa khoa Sài Gòn, Chấn thương chỉnh hình, Nhi đồng 1, Ung bướu, Nhân dân Gia Định, Bình dân, Viện Tim... đều trong tình trạng cũ kỹ, có nơi chịu cảnh xập xệ, xuống cấp kéo dài.
Theo đánh giá của Sở YT thành phố, tính từ năm 1975, dân số thành phố đã tăng gấp 3 lần, nhưng số BV lại tăng không đáng kể. Thêm vào đó là lượng người vãng lai, lao động ngoại nhập, BN vượt tuyến từ các tỉnh dồn về càng làm nhu cầu khám bệnh tại thành phố tăng cao, dẫn đến quá tải nghiêm trọng.
Theo giới chuyên môn, những giải pháp tích cực của ngành YT đang góp phần mang lại hiệu quả tốt, nhưng làm thế nào để có thể nhanh chóng giảm thiểu và tiến tới chấm dứt tình trạng quá tải BV, nhất là ở TPHCM, thì vẫn chưa có câu trả lời.
Và vì thế, cảnh nửa đêm phải đến BV chờ khám khó thể chấm dứt trong thời gian ngắn. Điều đáng nói là, trong mùa dịch Covid-19, việc tập trung quá đông người ở các khu chờ khám rất dễ gây lây nhiễm, đây là vấn đề cấp thiết, rất mong các BV quan tâm giải quyết.