Hiểm họa “thần dược” mù mờ nguồn gốc

Thứ Năm, 21/03/2024 18:17  | Hải Văn

|

(CATP) Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” của bệnh nhân, một số người ngang nhiên bày bán đủ loại thảo mộc không được kiểm định, không rõ nguồn gốc nhưng công dụng được “thổi” trên trời như một “thần dược” trị bách bệnh. Tin vào những lời quảng cáo có cánh, nhiều người bỏ tiền triệu ra mua để rồi nhận cái kết đắng.

BÁN NHAN NHẢN

Rảo quanh nhiều tuyến đường, khu chế xuất, khu công nghiệp, chùa chiền ở TPHCM, người dân không khó để bắt gặp những người bán thuốc “di động”. Nhiều nhất là củ đinh lăng, rễ mật nhân, sáo tam phân, cây nở ngày đất, cây chó đẻ… Có người chất đống rễ cây lên chiếc xe máy rồi chạy khắp các tuyến đường, tiện đâu bán đó; có người thì đựng trong những chiếc bịch to tướng rồi xách đi bán dạo.

Thuốc nam trong khuôn viên chùa Bà Châu Đốc 3

Ghé vào một điểm bán củ đinh lăng trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình), chúng tôi được người bán quảng cáo loại này mang về ngâm rượu hoặc sắc uống có tác dụng thông huyết mạch, tiêu sưng viêm, giảm đau, giảm mệt mỏi, yếu sức, giúp cơ thể cường tráng. Ngoài ra, củ đinh lăng còn có tác dụng chữa bệnh gout, tiểu đường, giúp tiêu độc, mát gan, tiêu viêm cho phụ nữ sau sinh... Nhiều người không ngại bỏ tiền mua "thảo dược" về trị bệnh mà không cần tìm hiểu thực hư.

Tại khu vực trước cổng Khu công nghiệp Tân Bình (Q.Tân Bình) thường xuyên xuất hiện một số người bán các loại thảo dược được giới thiệu trị được nhiều chứng bệnh nan y. Hỏi mua loại thuốc giúp ăn nhiều, dễ ngủ, chúng tôi được người bán đưa một nắm lá cho biết nó là cây nở ngày đất, giúp ăn nhiều, dễ ngủ, đặc biệt cây còn có tác dụng trị bệnh gout, tiểu đường và các bệnh liên quan đến xương khớp rất tốt. Để đạt được hiệu quả thì phải uống liên tục 3 tháng. Chưa biết công dụng của nó ra sao, nhưng khi nhìn vào mớ thuốc để bên vệ đường mặc cho khói xe, bụi bặm phả vào, chúng tôi thấy không yên tâm lắm.

“Thần dược” không nguồn gốc được bán nhan nhản

Lưu thông qua khu vực gần cầu Bình Triệu (Q.Bình Thạnh), người đi đường thường bắt gặp một người bán củ đinh lăng, sáo tam phân, thi thoảng và rễ mật nhân. Nói về công dụng các loại cây, người bán cho biết, sáo tam phân có công dụng kháng khuẩn, điều trị xơ gan cổ trướng, tăng cường chức năng gan, giúp ăn ngủ ngon và tốt cho phụ nữ mới sinh. Loại cây này còn có công dụng điều trị ung thư, u nang buồng trứng, u xơ cổ tử cung. Cây mật nhân giúp trị các bệnh tả, lỵ, cảm mạo, sốt, tẩy giun, chữa bệnh gút, khớp, tiểu đường, xơ gan cổ trướng, bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực đàn ông, giúp ăn nhiều, ngủ nhiều, cơ thể khỏe mạnh... Rễ đinh lăng còn giúp trị bệnh gan, thiếu máu, bổ thận, tráng dương. Mặc dù có nhiều công dụng thần kỳ, nhưng cây mật nhân có giá chỉ từ 80 - 100 ngàn đồng/ký, rễ đinh lăng từ 150 - 200 ngàn đồng/ký, riêng sáo tam phân có giá từ 400 - 500 ngàn đồng/ký.

Không chỉ hai bên lề đường, nhiều người còn mang vào khuôn viên một số ngôi chùa để bán. Những ngày đầu năm, đến chùa bà Châu Đốc 3 (TP.Thủ Đức), khách hành hương thường bắt gặp không ít người bán khá nhiều loại thuốc nam. Họ trải một tấm bạt nhỏ cỡ vài mét vuông rồi bày biện nhiều loại dược liệu lên trên. Có loại đựng trong túi nylon, có loại gói trong những tờ giấy báo. Thấy khách đi ngang qua, người phụ nữ luôn miệng chèo kéo mua thuốc của mình. Chị ta cho biết đây là thuốc gia truyền giúp điều trị đau lưng, đau vai, đau xương khớp, trị thận hư, gan nhiễm mỡ, viêm loét dạ dày…

Thuốc “đẹn” không rõ nguồn gốc, dễ dây ngộ độc chì

Trong khi chúng tôi đứng quan sát “sạp” thuốc, chị ta liền lấy một một gói giấy báo đựng một mớ thuốc mớ thuốc nam ra rồi quảng cáo: “Thang này có tác dụng mát gan, nhuận trường, ăn ngon, bổ thận, giảm căng thẳng thần kinh, giảm tê bì tay chân… Thuốc này dùng để ngâm rượu hay sắc uống đều được”. Chúng tôi thắc mắc, sao không có nguồn gốc xuất xứ, địa chỉ sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, thành phần thuốc, thì nhận được câu trả lời ậm ừ, chung chung: “Thuốc được hái trong các khu rừng sâu ở tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Chúng tôi làm nghề gia truyền, bán theo uy tín, nhiều người đến mua thuốc mà có ai thắc mắc đâu?”.

HỌA KHÓ LƯỜNG

Việc mua thuốc có nguồn gốc trôi nổi ở vỉa hè về sử dụng mang lại không ít rủi ro. Anh Nguyễn Văn Thắng (42 tuổi, công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung 2, TP.Thủ Đức) cho biết, anh bị thoái hóa vị đĩa đệm, đã đi chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi. Thấy một số người bán thuốc dạo trước cổng Khu chế xuất quảng cáo dược liệu chữa bách, anh bán tín bán nghi. Nhưng do cái lưng ngày càng đau, anh mua 2 ký sáo tam phân về dùng thử. Vài tuần đầu uống thấy đỡ, anh mua thêm 4 ký nữa để dành. Nhưng uống được hơn tháng, căn bệnh đau lưng của anh lại tái phát, uống sáo tam phân cũng chẳng có tác dụng gì.

Tương tự, nghe người ta quảng cáo cây mật nhân giúp cải thiện sinh lý của đàn ông, chị N.T.H (ngụ Q.Gò Vấp) mua liền 5 ký về ngâm rượu cho chồng uống. Thế nhưng,từ ngày có hũ mật nhân, chồng chị lại có cớ tụ tập bạn bè đến nhậu nhẹt. “Ông uống, bà khen” đâu chẳng thấy mà chỉ thấy “ông uống, bà quạo”. Bởi lần nào nhậu anh chồng cũng xỉn quắc cần câu, chẳng “làm ăn” được gì.

Thuốc không rõ nguồn gốc, dễ dây ngộ độc chì

Những tuần cuối tháng 02/2024, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An (tỉnh Nghệ An) tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc chì nặng do sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điển hình, bé N.T.D.L (4 tháng tuổi) được đưa đến Bệnh viện Sản nhi Nghệ An trong tình trạng co giật toàn thân, hôn mê. Các bác sĩ phải đặt ống nội khí quản, thở máy, hồi sức tích cực, định lượng chì trong máu của bé tăng cao 216µg/dL (ngưỡng được chấp nhận là dưới 5µg/dL). Trước đó, thấy con bị ho khò khè, biếng chơi, bố mẹ L. đã mua thuốc “đẹn” dạng viên nén và cho trẻ dùng trong vòng 7 ngày. Sau dùng thuốc, L. không những không cải thiện mà còn bỏ bú, da xanh tái, nôn, co giật, hôn mê.

Ngày 11/02/2024, bé trai P.N.K.Đ (3 tháng tuổi, trú Hà Tĩnh) nhập viên trong tình trạng co giật, da xanh tái. Người thân của bé cho biết, trong vòng một tháng nay, thấy bé quấy khóc nhiều, ít chơi nên người nhà đã mua thuốc “đẹn” về pha loãng cho uống. Sau khi dùng thuốc thì cháu bé bị các triệu chứng trên.

Mới đây, bé gái T.M (9 tuổi, trú Hà Tĩnh) được chẩn đoán động kinh từ lúc 6 tuổi. Thời gian gần đây, tần suất co giật của bé tăng lên khiến gia đình lo lắng. Để chữa trị cho con, người thân mua một loại thuốc được gọi là thuốc cam không rõ nguồn gốc cho cháu uống. Được biết, thuốc cam là tên gọi dân dã của một bài thuốc y học cổ truyền, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thường được dùng chữa các bệnh ở trẻ em như: tưa lưỡi, loét miệng, táo bón… Loại thuốc này thường được mua từ những người bán rong, chợ quê hoặc từ người hành nghề y dược cổ truyền không được cấp phép ở các địa phương. Đây là sản phẩm có hàm lượng chì cao 21 - 60% là kim loại rất độc.

Sau khoảng 2 tuần sử dụng, bé M. bị đau đầu, buồn nôn co giật nhiều hơn nên gia đình đưa vào bệnh viện chữa trị. Qua thăm khám, bác sĩ tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An (tỉnh Nghệ An) nghi ngờ cháu bị ngộ độc chì nên cho làm xét nghiệm. Kết quả, bé M. bị ngộ độc chì nặng, có tổn thương não. Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị. Một ngày sau, tri giác của bé xấu dần, đe dọa đến các chức năng sống và bệnh nhi rơi vào tình trạng mất não. Đây là hồi chuông cảnh báo cho những ai sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang