(CAO) Cơm nhà trở thành một lựa chọn tuyệt vời để vừa bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng, vừa gắn kết các thành viên của gia đình trong mùa dịch. Tuy nhiên vẫn còn một nguy cơ lây nhiễm tiềm ẩn trong bữa cơm nhà, đó chính là dùng chung chén chấm.
Vì thế phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với nguyên Phó giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Nguyễn Thị Bay để có lời khuyên chính xác và hữu dụng nhằm đảm bảo cho mọi người bữa cơm nhà an toàn đúng nghĩa.
PV: Xin chào bác sĩ, hiện nay ăn cơm nhà là giải pháp tốt để chống dịch và tăng đề kháng nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao. Bác sĩ có thể chia sẻ những lưu ý cũng như cách chuẩn bị một bữa cơm nhà phù hợp không?
PGS.TS.BS.Nguyễn Thị Bay: Trong thời điểm cao trào của Covid-19, chúng ta cần đảm bảo ăn chín uống sôi, và đa dạng hóa món ăn. Thay vì ăn 1 món liên tục, chúng ta nên cắt giảm món nướng, đồ chiên, không dùng dầu mỡ thừa và tránh trữ thức ăn tươi nhiều ngày do không đảm bảo giá trị dinh dưỡng. Bên cạnh đó, khi đi chợ, siêu thị phải luôn mang khẩu trang. Rửa tay ngay khi đi chợ về trước khi tiếp xúc vật dụng trong nhà. Đồng thời, mỗi thành viên nên rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn.
PGS.TS.BS.Nguyễn Thị Bay chia sẻ mỗi bữa cơm nhà cần bảo đảm giá trị dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng
Về chế độ dinh dưỡng, chúng ta cần cung cấp đủ thành phần các chất như: tinh bột 50% (cơm, phở, bún, bánh mì..), chất béo 25% (các loại hạt..), chất đạm 20% và các vitamin thiết yếu như A,C, D, E, sắt, kẽm cùng các khoáng chất khác để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, bên cạnh ăn nhiều trái cây. Ngoài ra, cần bổ sung các loại gia vị hỗ trợ tiêu hoá và làm ấm cơ thể như tỏi, gừng, hành.
PV: Thưa bác sĩ, hiện nay nhiều gia đình vẫn duy trì thói quen dùng chung chén chấm. Việc này thực chất có nguy hiểm và chúng ta có cần thay đổi ngay không?
PGS.TS.BS.Nguyễn Thị Bay: Bữa cơm là khoảng thời gian ấm cúng, giúp gia tăng hạnh phúc giữa mọi người, tuy nhiên chính thói quen dùng chung chén chấm đã vô tình gây hại sức khoẻ của nhau. Cụ thể, siêu vi có thể lây lan qua giọt bắn của nước bọt, do đó khi ‘chung đụng’ đầu đũa, gắp thức ăn cho nhau, uống chung ly nước sẽ khiến lây lan vi khuẩn, đưa virus vào miệng gây bệnh.
Nhất là khi người Việt mình luôn rót 1 chén gia vị như nước mắm, tương ớt, nước tương... cho cả nhà cùng ăn. Chính từ việc sử dụng chung vật dụng như đũa, muỗng… sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn lây truyền. Ngay giữa thời điểm virus C,orona hoành hành, chúng ta cần dùng chén chấm riêng và chỉ nên sử dụng 1 đôi đũa chung không thuộc về ai để gắp. Tuyệt đối không dùng đũa của mình gắp cho người khác.
Mỗi người 1 chén chấm là cách đơn giản và hiệu quả để hạn chế nguy cơ truyền nhiễm
Bằng cách giữ khoảng cách an toàn trong vệ sinh, ăn uống mà mỗi người chủ động hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh Covid-19. Song song đó vẫn cần tô đậm nét văn hoá của gia đình Việt, gắn kết với gia đình thông qua bữa ăn nhà một cách văn minh.
PV: Vậy ngoài Covid-19, mỗi người còn phải đối diện với những căn bệnh truyền nhiễm nào nếu vẫn tiếp diễn thói quen dùng chung chén chấm thưa bác sĩ?
PGS.TS.BS.Nguyễn Thị Bay: Helicobacter pylori (HP) là vi khuẩn sống trong dạ dày có thể gây viêm loét niêm mạc dạ dày, nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư dạ dày. Ở các nước có nền công nghiệp chưa phát triển như nước ta thì điều kiện vệ sinh nước và con người chưa cao, nên 90% dân số đã nhiễm vi khuẩn này. Hơn thế, đây là vi khuẩn có tính đề kháng cao, chống kháng sinh nhanh và phức tạp nên rất khó chữa.
Ngoài ra, virus Herpes simplex (HSV) gây nhiễm khuẩn da cấp tính cũng dễ gây qua tuyến nước bọt, nhất là khi dùng chung chén chấm khi ăn. Đặc biệt là HSV loại 2, chuyên lây truyền trực tiếp qua đường miệng, vết thương hở, tổn thương ở môi, răng, miệng...
Không thể không kể đến viêm gan siêu vi A, viêm gan siêu vi E và các bệnh truyền nhiễm như cảm cúm, quai bị cũng luôn thường trực nguy cơ lây nhiễm từ người này sang người khác thông quan đường nước bọt, ẩn giấu trong những chén chấm chung và khi dùng chung đũa.