(CAO) Ngày 26/6, thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, đơn vị này vừa tiếp nhận một bệnh nhi trong tình trạng mắc bạch hầu biến chứng viêm cơ tim nguy kịch từ ổ dịch bạch hầu của tỉnh Đăk Nông chuyển đến.
Bệnh nhi Giàng A Ph (13 tuổi, dân tộc Mông) nhập viện Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vì sốt, ho, đau họng, cổ bạnh, khó thở thanh quản, nhiễm độc nhiễm trùng nặng.
Khai thác bệnh sử, gia đình cho biết, bệnh nhi chưa được tiêm phòng vắc-xin. Bệnh nhi được chẩn đoán mắc bạch hầu ác tính, biến chứng viêm cơ tim, suy hô hấp.
Nhận thấy tình trạng bệnh nhi ngày càng nguy kịch, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã yêu cầu Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.
Ngay trong đêm 25/6, bệnh nhi đã được đặt máy tạo nhịp tim cùng các biện pháp hỗ trợ tình trạng suy tim bao gồm nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường, hỗ trợ hô hấp tích cực, tránh gắng sức, sử dụng các thuốc trợ tim…
Trước đó, ngày 20/6, Khoa Hồi sức cấp cứu Trẻ em - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã tiếp nhận một bệnh nhi 9 tuổi, được chẩn đoán bạch hầu ác tính biến chứng tim, suy thận do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Nông chuyển đến.
Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bệnh nhi đã tử vong ngay sau 2 giờ nhập viện. Đây là một bé gái người Mông, chưa từng được tiêm phòng vắc-xin ngừa bạch hầu.
Ảnh minh họa
Trước diễn biến phức tạp của các ổ dịch bạch hầu tại tỉnh Đăk Nông, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã cử Đoàn chuyên gia đến hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên trong công tác quản lý bệnh, chăm sóc điều trị các bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu, đặc biệt là các ca bệnh bạch hầu ác tính, có biến chứng.
Liên quan đến ca bệnh bạch hầu tại Bệnh viện Quân y 175, thông tin mới nhất từ đơn vị này, 16 người tiếp xúc gần nơi bệnh nhân sinh hoạt, học tập đã có kết quả xét nghiệm âm tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu, tuy nhiên vẫn tiếp tục được cách ly và uống thuốc điều trị dự phòng.
Trước đó, tối 25/6, Bệnh viện Quân y 175 công bố việc tiếp nhận một nam bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu, đưa TPHCM trở thành địa phương thứ 2 (sau tỉnh Đăk Nông) có trường hợp mắc bệnh bạch hầu trong năm 2020.
Theo đó, ngày 17/6, bệnh viện tiếp nhận một nam bệnh nhân 20 tuổi (là học viên của một trường quân sự trên địa bàn TPHCM) trong tình trạng sốt, đau họng, sưng to vùng hàm và hạch cổ.
Nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, các bác sỹ đã tiến hành xét nghiệm, đồng thời gửi mẫu đến xét nghiệm đến Viện Pasteur TPHCM. Kết quả xét nghiệm sau đó của cả 2 đơn vị này đều kết luận bệnh nhân mắc bạch hầu.
Ngay sau khi trường hợp này được xác định mắc bạch hầu, đơn vị nhanh chóng báo cáo cho cơ quan chức năng khoanh vùng khử khuẩn. 16 người tiếp xúc gần nơi bệnh nhân sinh hoạt, học tập (tất cả đều ở ngoài bệnh viện) được cách ly và uống thuốc điều trị dự phòng. Đồng thời, Bệnh viện Quân y 175 cũng triển khai phương án cách ly, khử khuẩn toàn bộ các khu vực bệnh nhân đã đi qua.
Sau 9 ngày điều trị, hiện nay tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã tương đối ổn định. Bệnh nhân đã hết sốt, đau họng, sưng hạch cổ.
Bạch hầu là bệnh có mức độ nguy hiểm truyền nhiễm thuộc nhóm B, nếu không được tiêm phòng, phát hiện trễ có thể để lại các di chứng nặng nề như tổn thương thần kinh, tim, thận; liệt các cơ hô hấp hoặc gây tử vong.
Để tránh mắc bạch hầu, các bác sỹ khuyến cáo người dân nên tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, uống thuốc dự phòng trong trường hợp tiếp xúc gần với người mắc bệnh. Do bạch hầu lây lan qua đường hô hấp nên việc tuân thủ đeo khẩu trang để phòng bệnh là hết sức cần thiết.