Vụ 100 học sinh ngộ độc khi đi du lịch: Một em trụy mạch

Thứ Hai, 13/01/2020 14:00  | Ngô Đồng

|

(CAO) Sáng 13-1, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM thông tin chính thức về vụ hàng loạt học sinh bị nhập viện cấp cứu nghi do ngộ độc thực phẩm.

BS. Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu cho biết, chiều ngày 12-1, có 68 học sinh được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, nghi do bị ngộ độc thực phẩm.

Trong đó, có 3 bệnh nhi phải cấp cứu, sau đó 2 bệnh nhi đã ổn định, được chuyển đến Khoa Tiêu hóa và 1 bệnh nhi bị sốc trụy mạch chuyển Khoa Hồi sức tích cực, cần được theo dõi sức khỏe thêm và 6 bệnh nhi được chuyển đến Khoa Tiêu hóa ngay.

Đến chiều tối 12-1, sau khi điều trị và sàng lọc bệnh kỹ, Bệnh viện đã cho xuất viện khoảng 40 em. Đến 21 giờ cùng ngày, 62 em được xuất viện,

Cho tới sáng 13-1, trong khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện vẫn còn 1 trường hợp nặng nhất, bị truỵ mạch do sốc giảm thể tích nhưng đã tạm ổn, chuẩn bị được chuyển sang theo dõi tại khoa Tiêu hóa cùng 6 em khác đang nằm tiếp tục theo dõi tại khoa Tiêu hóa.

Các bệnh nhi đang được theo dõi điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1

BS. Đinh Tấn Phương cho biết, các em được xuất viện đều ổn định. Qua quá trình thăm hỏi bệnh nhi, nghi vấn món ăn gây ngộ độc là món xôi gà. Tuy nhiên, các kết quả xét nghiệm từ mẫu (ói) thức ăn để tìm tác nhân cần làm thêm và việc này thuộc trách nhiệm của Phòng Điều tra ngộ độc thực phẩm của Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM.

Được biết, có khoảng 810 em học sinh theo đoàn đi dã ngoại từ Tây Ninh đến TP.HCM vào ngày 12-1. Xôi gà là do một công ty du lịch lấy lại của một cơ sở cung cấp thức ăn phát cho các em.

Hiện Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã lấy mẫu xôi gà đi kiểm tra về độc tố của vi khuẩn, hóa chất.

BS. Đinh Tấn Phương khuyến cáo, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm với học sinh cần được quan tâm kỹ, khi cho trẻ thức ăn và nước uống phải đảm bảo nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: NĐ

Theo các bác sĩ, ngộ độc thực phẩm nặng có thể gây sốc giảm thể tích, sốc kéo dài có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó nếu bệnh nhân bị ngộ độc, điều đầu tiên cần làm cần bù nước, đồng thời đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Nếu thấy các em có dấu hiệu nôn, tiêu chảy, người lớn nên tìm cách bù nước trên đường di chuyển đến cơ sở y tế. Tốt nhất, nên cho các em uống nước từ từ, liên tục để bệnh nhân đỡ sốc.

BS. Phương khuyến cáo, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm với học sinh cần được quan tâm kỹ, khi cho trẻ thức ăn và nước uống phải đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, được kiểm định, không nên cho trẻ ăn thức ăn lề đường.

Với các công ty du lịch liên kết với cơ sở chế biến thức ăn để cung cấp thức ăn cho học sinh đi chơi, đi dã ngoại, cần phải kiểm tra kỹ từ nguyên liệu, các khâu chế biến và sức khỏe của người chế biến thức ăn.

Còn tại Bệnh viện Quận 11, các bác sĩ cũng cho biết đã tiếp nhận 30 trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm, trong đó có 22 trường hợp nhẹ, 8 trường hợp còn lại phải truyền dịch. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nôn ói, đau bụng, tiêu chảy. Hiện các bệnh nhân đã được xuất viện.

Bình luận (0)

Lên đầu trang