(CAO) Thiếu nữ 18 tuổi, dân tộc Khmer, quê Kiên Giang, nhập viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng thường xuyên khó thở, với tiền căn điều trị bệnh lao phổi cách đây 6 tháng.
Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hẹp khí quản nặng do lao.
PGS.TS.BS Vũ Hữu Vĩnh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực cho biết, sau khi điều trị lao phổi, bệnh nhân cũng đã biết về tình trạng sẹo hẹp khí quản do lao phổi của mình. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó thở ngày càng tăng, bệnh nhân phải sống bằng sự hỗ trợ thường xuyên của y khoa, nhưng nguy cơ tử vong rất lớn.
Tình trạng hẹp khí quản khiến bệnh nhân khó thở, đây là căn bệnh khá hiếm, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị
Theo BS Vĩnh, đây là căn bệnh cực kỳ hiếm, y văn thế giới cũng mới ghi nhận vài ca riêng lẻ và cũng chỉ mổ 1 ca sẹo khí quản bằng cách cắt đoạn khí quản bị sẹo và nối lại. Tuy nhiên, biện pháp này không được khuyến khích sử dụng do quá nguy hiểm, y văn thế giới khuyến cáo với những ca sẹo hẹp khí quản chỉ nên bơm bóng để giãn khí quản hoặc đặt stent.
BS Vĩnh chia sẻ, thực tế việc đặt bóng có tác dụng rất nhỏ, vì khí quản bị sẹo gần như không giãn ra được, việc đặt stent không phải lúc nào cũng có kết quả.
BS Vĩnh từng đặt stent cho một thiếu nữ 21 tuổi bị sẹo hẹp khí quản do lao nhưng cứ đặt vào lại trượt xuống, đặt đi đặt lại nhiều lần vẫn không thể được, các bác sĩ đành bất lực nhìn bệnh nhân tử vong. Phần lớn các ca sẹo hẹp khí quản do lao đều tử vong vì không có cách điều trị.
Bệnh viện đã chữa trị rất nhiều ca hẹp phế quản, hẹp khí quản do các nguyên nhân như hóa chất, biến chứng sau đặt nội khí quản, mở khí quản nhưng chưa từng chữa được ca sẹo hẹp khí quản do lao. Đây là căn bệnh khó nhất và hiếm gặp nhất.
Với trường hợp bệnh nhân này, các bác sĩ không thể tiến hành cắt nối vì đoạn khí quản bị sẹo hẹp quá dài, nếu cắt bệnh nhân sẽ tử vong, không phẫu thuật bệnh nhân cũng tử vong do đường thở bị bít kín.
BS Vĩnh và các đồng nghiệp quyết định áp dụng kỹ thuật mổ cho bệnh nhi bị hẹp khí quản bẩm sinh: Xẻ khí quản ra hai bên, trượt phần khí quản dưới chồng lên phần trên để đường thở được rộng gấp đôi mà không cần phải cắt bỏ đoạn nào. BS. Vĩnh từng có kinh nghiệm mổ 60 bệnh nhi trong áp dụng kỹ thuật trượt, ghép nối khí quản, nên quyết định áp dụng cho bệnh nhân này.
BS Vĩnh và các đồng nghiệp quyết định áp dụng kỹ thuật mổ cho bệnh nhi bị hẹp khí quản bẩm sinh: Xẻ khí quản ra hai bên, trượt phần khí quản dưới chồng lên phần trên để đường thở được rộng gấp đôi.
BS. Huỳnh Quang Đại, Khoa Hồi sức Cấp cứu cho biết, để thao tác trên đường thở, bệnh nhân được tiến hành đặt ECMO để giữ lấy sự sống trước khi bệnh nhân bắt đầu được khoa Ngoại Lồng ngực tiến hành phẫu thuật. Trong cuộc mổ bệnh nhân không thở qua phổi mà thở qua máy ECMO.
Bệnh nhân được tiến hành đặt ECMO để giữ sự sống trước khi phẫu thuật
Ca phẫu thuật đã diễn ra thành công, bệnh nhân được bảo tồn khí quản, không còn khó thở
Ca phẫu thuật đã diễn ra thành công, bệnh nhân được bảo tồn khí quản, không còn khó thở. Đây được xem là một trong những kỹ thuật khó hàng đầu của ngành phẫu thuật Lồng ngực trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đây cũng là lần đầu tiên Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân bị sẹo hẹp khí quản do lao có sự hỗ trợ của ECMO.
Được biết, nhà bệnh nhân thuộc diện khó khăn, chi phí chạy máy ECMO khá lớn nên được bệnh viện vận động các mạnh thường quân hỗ trợ chi trả.